Đại học kiểu "học đại" còn hơn học nghề nghiêm túc?!

(Dân trí) - Tình trạng học trò vào đại học kiểu... "học đại" vẫn hơn là chọn nghề nghiêm túc, phù hợp là điều diễn lâu nay, gây nên tình trạng thừa thầy thiếu thợ cũng như hệ lụy cho chính bản thân các em.

Học nghề nhiều cơ hội

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, từ nay đến năm 2020, mỗi năm TPHCM có khoảng 270.000 chỗ làm mới. Tuy nhiên, nhu cầu trình độ lao động trên ĐH, CĐ chỉ trên 30%, trình độ trung cấp 35%, còn lại là công nhân và sơ cấp kỹ thuật.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, lao động qua đào tạo nghề được doanh nghiệp chú trọng tuyển dụng, nhất là các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo… 6 tháng cuối năm 2014, các doanh nghiệp ở thành phố có nhu cầu tuyển dụng 150.000 lao động nhưng cơ hội dành cho cử nhân không nhiều. 

Học nghề tốt có rất nhiều cơ hội việc làm
Học nghề tốt có rất nhiều cơ hội việc làm

Khảo sát của Trường CĐ Nghề TPHCM đối với học sinh, sinh viên (HS, SV) tốt nghiệp hai khóa gần đây cho thấy, 90% ở nhóm nghề kỹ thuật công nghệ và 80% nhóm nghề kinh tế có việc làm trong thời gian 6 tháng sau khi tốt nghiệp. Mức lương khởi điểm cao nhất là ngành cơ khí cắt gọt, dao động 5 - 7,5 triệu đồng/tháng; điện, điện lạnh từ 4 - 6,5 triệu đồng; điện tử, cơ khí ô tô từ 3,5 - 6 triệu đồng/tháng.

Và chính những người đã có bằng cử nhân, thậm chí là thạc sĩ hiểu rõ học nghề mang lại cho họ nhiều cơ hội hơn. Nhiều người gác bằng quay lại đi học nghề, học trung cấp để theo đuổi công việc phù hợp để tăng cơ hội kiếm việc làm, thoát khỏi tình cảnh thất nghiệp là một thực tế đang diễn ra. Khi học đúng nghề yêu thích, các bạn có nhiều cơ hội thực hành nên tìm được sự hứng thu cũng như nhìn nhận đúng khả năng của mình một cách rõ ràng hơn khi học một ngành ở bậc ĐH mà họ không hiểu, không yêu thích. 

Vì đâu vẫn kẹt?

Trong khi đầu ra là cử nhân thất nghiệp tràn lan ở mức đáng lo ngại thì cơ hội việc làm cho người học nghề, có tay nghề vững không hề ít. Điều này bây giờ ai cũng nhìn thấy nhưng đầu vào ngược lại hoàn toàn, hầu hết HS sau khi tốt nghiệp THPT vẫn chỉ đi theo con đường học ĐH, CĐ.

Con đường ĐH mà các em chọn có thể theo kiểu học đại, miễn sao đi học và có bằng mà không quan tâm có yêu thích, có phù hợp hay không. Nhiều khảo sát đã chỉ ra, có đến 50 - 60% sinh viên ĐH chọn nhầm ngành nghề dẫn đến chán nản, không hứng thú trong việc học. Đây cũng là nguyên nhân lớn góp phần cho tình trạng cử nhân ra trường không xin được việc. Vậy nhưng dường như học ĐH theo kiểu "học đại" vẫn đươc theo đuổi tích cực hơn là  xác định một ngành nghề nghiêm túc. 

Học nghề tốt có rất nhiều cơ hội việc làm
Nhiều học trò thà học đại một trường nào đó để có bằng ĐH chứ nhất quyết không chọn học nghề. (Ảnh minh họa)

Học nghề nhiều cơ hội, mang đến nhiều cánh cửa lập nghiệp cho giới trẻ nhưng thật ra lại “kẹt” đủ bề. Trước hết là do mục tiêu phân luồng từ THCS đã không thành công, tỉ lệ HS vào THPT không giảm mà xu hướng ngày càng tăng. Quá trình học THPT, các em chủ yếu chỉ tiếp cận theo hướng thi vào ĐH, CĐ. Khái niệm học nghề hay các hiểu biết về ngành nghề của HS hết sức mơ hồ.

Trong hội thảo tập huấn hướng nghiệp cho giáo viên trung học TPHCM, ông  Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh, cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cho hay hiện nay các trường trung cấp, cao đẳng, cao đẳng nghề đào tạo khoảng 300 ngành học. Trong 300 ngành học có đến hàng chục ngàn chuyên ngành nhưng HS nắm được chỉ là bề nổi. Chính giáo viên hướng nghiệp ở trường học cũng không nắm được sự đa dạng về ngành nghề để định hướng cho các em.

Anh Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Thành đoàn TPHCM đánh giá, hoạt động hướng nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Và kể cả việcđã có nhiều chương trình, hoạt động tư vấn giúp các em hiểu về các ngành nghề thì lại gặp rào cản là phần lớn HS chọn nghề theo định hướng của gia đình. Trong khi hướng nghiệp hiện nay chưa đến được với phụ huynh. Theo thống kê của ngành giáo dục TPHCM thì chỉ có khoảng 28% HS tự quyết định chọn nghề nghiệp cho mình, số còn lại là do… phụ huynh.

Mà phụ huynh hướng nghề cho con thì ĐH luôn là ưu tiên hàng đầu - mục tiêu mà họ có thể đánh đổi, hy sinh tất cả vì con. Thậm chí, họ quên luôn cả việc cân nhắc xem lựa chọn đó có thật sự phù hợp với con mình hay không.

Con đường học nghề của HS còn rất nhiều cản trở. Để có sự dịch chuyển tích cực cần sự thay đổi đồng bộ về hoạt động hướng nghiệp, tâm lý của gia đình, sự lựa chọn có trách nhiệm của chính người học… Trong đó, mọi thay đổi cần phải chú trọng, đề cao đến năng lực thật sự thay cho việc chú trọng bằng cấp.

Lê Đăng Đạt