GS Phạm Tất Dong:

Đại học ngày càng lớn còn sinh viên đang được “thiếu niên hóa”

(Dân trí) - “Hình như, nhiều người lãnh đạo nhìn sinh viên như những thanh niên mới lớn, không đủ hiểu biết, không đủ điều kiện để tham gia ý kiến và giải quyết các vấn đề như những người lớn khác. Đó là một nghịch lý: Trường đại học ngày càng có vị trí lớn hơn trong đời sống xã hội, còn sinh viên thì đang được “thiếu niên hóa”…”

Đó là bình luận của GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học VN trước ý kiến của Nhóm đối thoại giáo dục đưa ra hướng cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam” với ước vọng về một nền giáo dục đại học nước nhà lành mạnh và tiến bộ do Giáo sư Ngô Bảo Châu và những người tham gia tổng kết khoa học về hiện trạng giáo dục đại học hiện nay đã gửi đến các nhà lãnh đạo có thẩm quyền một Bản kiến nghị 5 điểm có tính định hướng đổi mới giáo dục đại học mà GS Dong cho là hợp lý, các nhà quản lý giáo dục cần suy nghĩ.
Đại học ngày càng lớn còn sinh viên đang được “thiếu niên hóa”

GS Phạm Tất Dong: "Tôi nghĩ rằng, nếu giáo dục đại học ở Việt Nam cứ để lâu trong tình trạng như hiện nay là không ổn".

Hoan nghênh những ý kiến xác đáng của Nhóm đối thoại VED, GS Phạm Tất Dong đã đưa 5 bình luận sâu sắc:

1. Nền giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay còn có quá nhiều điều gây bức xúc trong xã hội, nhưng giả dụ nó được đổi mới và hoàn hảo, thì trong thời đại ngày nay, những tri thức, kỹ năng và thái độ được xây dựng ở các em tốt nghiệp trung học phổ thông cũng chưa thể tạo ra những năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà trên thị trường thế giới đầy năng động và đầy biến cố. Học vấn phổ thông không cho phép các em học sinh trực tiếp tham gia vào các lĩnh vực sản xuất. Với học vấn phổ thông, muốn trở thành người lao động, các em học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở hoặc Trung học phổ thông phải trải qua một quá trình “Nghề nghiệp hóa” tại các hệ thống giáo dục chuyên nghiệp để trở thành những công nhân kỹ thuật, những nhân viên kỹ thuật, những kỹ sư cũng như những chuyên gia ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể dục – thể thao...

2. Trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, trường đại học phải đóng được vai trò của những “pháo đài” bảo vệ quốc gia, tạo nên lực lượng lao động chất lượng cao trong các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế quốc dân. Muốn sánh vai với các cường quốc về các phương diện khoa học, kỹ thuật, công nghệ, văn hóa... thì phải có trình độ đại học và sau đại học thực sự. Với trình độ hiểu biết phổ thông, không có sự đào tạo chuyên nghiệp thật chất lượng, nhất là đào tạo chuyên nghiệp ở hệ đại học, thì lao động của chúng ta giỏi lắm là đi làm hàng gia công cho nước ngoài. Thiếu lực lượng lao động có trình độ đại học và sau đại học, thiếu một hệ thống trường đại học “lành mạnh và tiến bộ” như Nhóm VED mong muốn thì ta chẳng thể là một nước công nghiệp hiện đại, lại càng không có sức đâu để nói đến một nền kinh tế tri thức mà ta luôn muốn có nó nhằm đẩy nhanh quá trình đi lên của đất nước.

3. Nhóm VED cho rằng, các trường cao đẳng và đại học chưa có lúc nào là “chủ” thực sự trong mọi công việc của mình. Tôi cho là đúng, bởi trường cao đẳng và đại học chưa được tự chịu trách nhiệm về tuyển sinh, về quá trình đào tạo, về sản phẩm đầu ra cũng như về ngân sách của mình.

Tất nhiên, trường học cần được làm chủ thì giáo viên cũng cần được có vai trò làm chủ mà ở đây, VED kiến nghị thành lập NGHỊ TRƯỜNG GIẢNG VIÊN để giảng viên có tiếng nói đối với nhiều vấn đề quan trọng của trường cao đẳng và đại học như đạo đức khoa học, tự do học thuật, tính minh bạch trong tổ chức nghiên cứu khoa học v.v...

Tôi nói rằng, sinh viên cũng cần có nghị trường của mình. Học trong trường, sinh viên không còn là những cô cậu học trò phổ thông, mà là người lớn thực thụ. Mọi vấn đề quan trọng trong xã hội, mọi thông tin mà người lớn cần biết thì sinh viên cũng phải được bình đẳng để tiếp cận.

Ví dụ, nhiều vấn đề chính trị - xã hội cần được đưa vào nhà trường để sinh viên cùng suy nghĩ, cùng trao đổi, bởi rồi trước sau, họ cũng sẽ là người phải tham gia giải quyết những vấn đề ấy. Chẳng hạn, vấn đề biển đảo, vấn đề an ninh con người, vấn đề chủ nghĩa khủng bố và nhà nước tự xưng IS v.v... Tại sao, những nhà lãnh đạo quốc gia không thể tới trường đại học mà trình bày quan điểm để sinh viên cùng chia sẻ, cùng suy ngẫm. Hình như, nhiều người lãnh đạo nhìn sinh viên như những thanh niên mới lớn, không đủ hiểu biết, không đủ điều kiện để tham gia ý kiến và giải quyết các vấn đề như những người lớn khác. Đó là một nghịch lý: Trường đại học ngày càng có vị trí lớn hơn trong đời sống xã hội, còn sinh viên thì đang được “thiếu niên hóa”.

4. Vấn đề đặt ra cho hệ thống cao đẳng và đại học ở Việt Nam lúc này, theo tôi, trước hết là phải thực sự đổi mới tư duy trong hoạch định chính sách quốc gia đối với giáo dục đại học và khoa học. Không có giáo dục đại học thì không có khoa học. Không có khoa học thì giáo dục đại học luôn luôn tụt hậu. Cặp phạm trù này luôn song hành, gắn kết với nhau, bổ sung cho nhau và thống nhất với nhau.

Kinh nghiệm của những quốc gia đang muốn có ảnh hưởng lớn trên chính trường là họ luôn coi trọng 3 con bài cơ bản trong bộ bài cầm trên tay: GIÁO DỤC ĐẠI HỌC, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC và VỐN CON NGƯỜI. Bộ ba này là công cụ chính trị không thể thiếu được khi muốn có được một năng lực cạnh tranh đủ mạnh trên thị trường và ảnh hưởng quốc gia đối với các nước khác, chí ít là trong khu vực. Muốn xác định một chỗ đứng trong cuộc chiến cạnh tranh và nhất là muốn giành một vị thế cao giữa các quốc gia khác, người Mỹ, Đức, Anh, Nhật... đều dùng chính sách đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục đại học và cho nghiên cứu khoa học để có được quyền lực mềm, quyền lực thông minh. Một khi có được chính sách” quyền lực mềm”, “quyền lực thông minh” thì đó là điều kiện bảo đảm cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế mà không phải tiêu tốn những tài nguyên có giá trị để tăng cường quyền lực “cứng” của quốc gia.

Một sự việc sau đây có thể giúp chúng ta tư duy lại vấn đề giáo dục đại học: Năm 2012, tổ chức OECD có một báo cáo, trong đó nói đến xu hướng tiêu cực của hệ thống giáo dục Đức và sự thua kém của quốc gia này về mấy chỉ số quan trọng so với một số quốc gia khác như tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có trình học vấn cao. Để khắc phục tình trạng này, nước Đức đã nhanh chóng hoạch định những chính sách giáo dục đại học sau đây:

- Hoàn thiện hệ thống ứng dụng khoa học và sản xuất công nghiệp

- Tăng cường vị thế khoa học của các trường đại học trên trường quốc tế.

- Cải tổ hệ thống giáo dục đại học.

- Cấp kinh phí cho trường đại học hơn nữa, trao quyền tự chủ cho trường đại học hơn nữa và các trường đại học hoàn toàn tự do hoạt động và phát triển, liên kết hoặc thu nạp cán bộ khoa học vào hệ thống khoa học Đức.

- Thu hút các nhà khoa học và sinh viên tài năng từ nước ngoài.

5. Tôi nghĩ rằng, nếu giáo dục đại học ở Việt Nam cứ để lâu trong tình trạng như hiện nay là không ổn. Giáo dục đại học là một hệ giáo dục đòi hỏi một hệ chính sách cởi mở để phát triển, có tác dụng định hướng cho sự phát triển giáo dục phổ thông, đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập khoa học quốc tế và thương mại.

Vì lẽ đó, một câu hỏi đặt ra rất nghiêm túc: Cần thiết hay không trong chiến lược phát triển giáo dục sự hình thành một BỘ ĐẠI HỌC ? Xin đừng nghĩ đây là sự bàn lùi, bởi tôi nghĩ rằng, giáo dục đại học phải dẫn dắt giáo dục phổ thông chứ không phải cõng trên lưng giáo dục phổ thông như bây giờ.

Xin có lời bình luận với VED qua tầm nhìn có thể là thiển cận của bản thân tôi.

GS Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam)