Đại học Pháp và thách thức trong việc nâng cao tính toàn cầu

(Dân trí) - Trước kia, các trường đại học của Pháp vẫn thường coi việc tuyển sinh nước ngoài chỉ là một lựa chọn không quan trọng, nhưng hiện nay mọi chuyện đang thay đổi khi các trường đại học nước này coi sinh viên nước ngoài là “yếu tố sống còn” trong một thế giới cạnh tranh ngày một tăng.

Cán bộ tuyển sinh của các trường đại học của Pháp không chỉ đang tìm kiếm những sinh viên có đủ phẩm chất cá nhân và xã hội để có thể phát triển trong môi trường quốc tế mà còn cả những sinh viên có khả năng làm nhân tố quốc tế hoá và nâng cao cao động lực xã hội của chính các trường.

Học viện Chính trị Paris (Institut d’Études Politiques de Paris - Science Po) là một ví dụ. Thành lập năm 1872, là một trong những trường danh tiếng trong hệ thống đại học của Pháp và cái nôi của văn hóa Pháp, Sciences Po bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của sinh viên nước ngoài và nhận thấy việc tuyển sinh sinh viên nước ngoài là một cách để “nhấn mạnh toàn cầu hoá trong bối cảnh nền kinh tế tri thức”, theo cách nói của Jean-Claude Lescure, giám đốc trường báo chí thuộc Học viện.

 

Cũng theo Lescure: “Đây là cách nâng cao tính cạnh tranh trong thực tế và suy nghĩ. Cạnh tranh là cách tốt để tiến lên - “đương đầu” vào người nước ngoài để cải thiện mình.” 

 

Từ năm 2000, tất cả sinh viên chưa tốt nghiệp của Sciences Po sẽ học năm thứ 3 ở nước ngoài, tại bất cứ đâu từ Bangkok tới Canada, đổi lại các trường thuộc Học viện sẽ tiếp nhận sinh viên quốc tế từ 260 trường đại học trên toàn thế giới.

 

Khoảng 1/3 số sinh viên năm thứ nhất của chương trình đào tạo thạc sĩ ngành báo chí đến từ nước ngoài, kể cả Lebanon, Brazil, Tây Ban Nha, Cameroon, Đức, Bỉ, Anh và Mỹ.

Sciences Po đang áp dụng quy trình đầu vào khá nhẹ đối với sinh viên quốc tế - bổ sung bài kiểm tra tiếng Pháp và miễn thi vấn đáp và thi viết mà giám khảo là các nhà báo chuyên nghiệp người Pháp.

 

Hơn nữa, khi được tiếp nhận, sinh viên quốc tế sẽ học ở Học viện 2 năm và được đánh giá cũng như đối xử như những sinh viên khác. Sẽ không có sự phân biệt giữa sinh viên người Pháp và sinh viên nước ngoài.

 

Đến từ Rio de Janeiro, João Manuel da Rocha Lima - nhân viên thực tập ở các đài truyền hình Brazil và nhà báo độc lập viết cho nhiều tạp chí và báo ở Brazil - là một trong số những sinh viên theo học thạc sĩ ở trường báo chí của Học viện. Sau 5 tháng ở Paris, Rocha Lima nhận thấy sự thích nghi nền giáo dục và lối sống Pháp thực sự mang nhiều thách thức hơn. Rocha Lima cũng nêu rõ những khác biệt mà lúc đầu anh cố gắng bỏ qua, trước khi bắt đầu chấp nhận, tìm kiếm những khía cạnh tích cực của đa dạng văn hoá.

 

“Khi tôi mới đến đây, thực sự là “cú sốc văn hoá” cho đến khi tôi bắt đầu học từ những gì tôi đang cố gắng tránh xa như kỷ luật khắt khe về sự đúng giờ của người Pháp”, Rocha Lima cho biết.

 

Tuy nhiên, trên tất cả Rocha Lima bị cuối hút bởi cách người Pháp làm báo - thực sự mang tính phân tích.

 

Học phí trả cho 2 năm học ở Sciences Po cũng chỉ bằng học phí của 2 năm học tại trường Pontificia Universidade Católica do Rio de Janeiro - nơi Rocha Lima có thể lấy bằng cử nhân báo chí.

 

Sciences Po đang thực hiện chương trình hỗ trợ tài chính cho các sinh viên nước ngoài gặp khó khăn, theo đó họ chỉ phải trả khoảng 7.750 USD (6.000 euro)/năm, phụ thuộc vào thu nhập của cha mẹ - đủ để trả học phí 5.000 euro và một số chi phí sinh hoạt. Mức chi phí trên là rất thấp so với 40.000 USD để học bằng thạc sĩ báo chí ở một trường tương đối uy tín của Mỹ như Columbia University ở New York.

 

Trong nỗ lực thu hút ngày một nhiều sinh viên quốc tế, các tổ chức giáo dục như Sciences Po đang đi theo con đường của American University of Paris (AUP) - trường đại học của Mỹ thành lập tại Pháp vốn coi tất cả sinh viên của trường mang tính quốc tế. Trong số 900 sinh viên của AUP, 15% là người Pháp, 35% là người Mỹ, 9% từ Trung Đông, còn lại từ các nhiều nước khác ở Châu Âu. Tính quốc tế của AUP cao đến mức, trong một lớp chỉ có 25 sinh viên nhưng có đến 15 quốc tịch khác nhau.

 

Để giải quyết hiệu quả đơn xin học từ khắp nơi trên thế giới, AUP có đội ngũ cố vấn chuyên trách từng khu vực địa lý, xem xét học bạ, thiết lập quan hệ với các trường quốc tế ở nước ngoài và giao tiếp với sinh viên.

 

Mặc dù AUP sử dụng Kỳ thi Năng khiếu Học tập của Mỹ (SAT) như biện pháp sàng lọc ban đầu, nhưng cũng áp dụng hệ thống tính và cho điểm linh hoạt sao cho có thể tính đến đa dạng về nền tảng giáo dục và văn hoá và để giúp phân phối quỹ học bổng lên đến 1/2 học phí hàng năm 20.000 euro.

 

Mặc dù nước Pháp nổi tiếng với khả năng tự cách ly đằng sau “hàng rào văn hoá riêng biệt”, nhưng chính sách mới với mục tiêu hội nhập đang nhanh chóng lan rộng. Tháng 1/2007, Trường Quản lý Reims ở vùng Champagne Ardenne phía đông nước Pháp, đã được Hiệp hội Cử nhân Quản trị Kinh doanh (MBA) - mạng lưới toàn cầu các trường kinh doanh có trụ sở tại London - công nhận Chương trình Kinh doanh Thạc sĩ. Sinh viên các lớp MBA của Reims đến từ 17 nước khác nhau và 65% sinh viên MBA là người nước ngoài.

 

Bên cạnh đó, các trường đại học và học viện của Pháp là thành viên tích cực của Erasmus - Chương trình giáo dục đại học của Liên minh Châu Âu với mục tiêu trong năm 2007 là tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi 150.000 sinh viên quốc tế giữa 31 nước.

 

Nguyễn Anh

Theo International Herald Tribune