Đại học sẽ “nở” khắp nơi

Dự kiến sắp tới sẽ có 288 trường đại học, cao đẳng được lập mới trên cả nước. Con số này sẽ đóng góp vào danh mục 600 trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam vào năm 2020.

Tỉnh nào cũng có ĐH!

Theo qui hoạch đang được Bộ GD-ĐT xây dựng, đến năm 2020 dự kiến tại VN có 600 trường (gồm 225 trường ĐH và 375 trường CĐ), tăng 288 trường so với hiện nay.

Trước mắt, có 20 đề án thành lập trường ĐH (5 trường công lập và 15 trường tư thục) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, đang xây dựng cơ sở vật chất và chuẩn bị đội ngũ giảng viên để đủ điều kiện hoạt động.

Ngoài ra, 10 đề án thành lập các trường ĐH khác đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Chỉ với số trường ĐH mới ra đời này, mạng lưới trường ĐH đã phủ đến nhiều tỉnh phía Bắc (riêng Hà Tây đã có ba trường ĐH).

Đó là chưa kể trong tương lai gần, tại các tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc... đều có trường ĐH. Khu vực Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Quảng Trị tỉnh nào cũng lập mới trường ĐH. Khu vực Nam Trung bộ sẽ thêm hàng loạt tỉnh có trường ĐH như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên...

Còn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ thành lập thêm 12 trường ĐH: một trường công lập tại Bạc Liêu, một trường công lập tại Kiên Giang, hai trường công lập tại Vĩnh Long, hai trường công lập tại Cần Thơ, ba trường tư thục tại Long An, một trường tư thục tại Hậu Giang và một trường tư thục tại Bến Tre...

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên - môi trường cho biết bộ cũng đã tự qui hoạch sẽ có hai trường ĐH của ngành đặt tại Hà Nội (nâng cấp từ trường CĐ) và TPHCM. Tương tự, nhiều bộ ngành khác cũng đã tự qui hoạch sẽ có một, hai trường ĐH trực thuộc ngành, chủ yếu đặt tại Hà Nội và TPHCM.

Nhiều băn khoăn…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết, bộ này chủ trương không tiếp tục tăng qui mô đối với các trường đã có qui mô đào tạo vượt quá năng lực và các điều kiện bảo đảm chất lượng. Theo ông, Nhà nước sẽ tập trung đầu tư thành lập các trường mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Cụ thể là tăng số lượng trường ĐH, CĐ ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng Hà Nội và TP.HCM, việc lập mới chỉ xem xét đối với các trường đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hoặc các ngành nghề mới, mũi nhọn, trình độ cao và có tác động mạnh mẽ đến quốc kế dân sinh.

Ông Long cũng cho biết khi xây dựng qui hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ, bộ đã xác lập hai nguyên tắc hàng đầu: địa điểm đặt trường phải xuất phát từ nhu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập thực tế của các tầng lớp nhân dân; tính toán số lượng trường cho cả nước, cho từng vùng và mỗi địa phương phải xuất phát từ sự khả thi về đất đai, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và nguồn vốn đầu tư.

Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn: Ngay như các trung tâm ĐH trọng điểm hiện vẫn trong tình trạng thiếu giảng viên và nguồn lực thì các vùng còn nhiều khó khăn như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây nguyên... liệu có giải pháp đủ hấp dẫn để thu hút nguồn lực, đảm bảo chất lượng đào tạo?

Trong khi đó, như nhìn nhận của Bộ GD-ĐT, “nhu cầu bổ sung giảng viên cho các trường ĐH, CĐ (hiện có - PV) đang là một vấn đề cấp bách”. Cũng theo Bộ GD-ĐT, đối với hàng loạt trường ĐH mới được thành lập gần đây, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ chỉ đạt bình quân 7%; GS và PGS chỉ có 1,8%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung - vốn đã rất thấp - của hệ thống giáo dục ĐH cả nước.

Phát biểu tại hội thảo về qui hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ đến năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định phải xác lập nguyên tắc “phát triển mạng lưới các trường ĐH, CĐ phải dựa trên nền chất lượng. Thêm một trường ĐH ra đời phải làm tăng chất lượng chứ không được kéo tụt chất lượng của cả hệ thống”.

“Không nên đầu tư rải rác, tỉnh nào cũng có trường ĐH sẽ làm suy yếu nguồn lực. Các tỉnh nên liên kết xây dựng ĐH vùng hoặc cụm ĐH. Các trường ĐH hướng nghiên cứu sẽ được phát triển tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng...” - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói.

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ