Đại sứ Australia: Rào cản sinh viên Australia đến Việt Nam học tập là ngôn ngữ

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí về chương trình New Colombo Plan đưa sinh viên Australia tới Việt Nam học tập, Đại sứ Australia Hugh Borrowman cho biết: “Rào cản lớn nhất của sinh viên Australia tới Việt Nam là ngôn ngữ bởi không phải ngành học nào của Việt Nam cũng giảng dạy bằng tiếng Anh”.

Chính phủ Australia đã đầu tư ngân sách 100 triệu đô la cho Chương trình New Colombo Plan. Đây một chương trình trọng điểm của Chính phủ Australia nhằm gia tăng số lượng sinh viên Australia đến các nước châu Á học tập, trong đó có Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về chương trình New Colombo Plan cũng như sự hỗ trợ của Australia tới Việt Nam về lĩnh vực giáo dục, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Australia Hugh Borrowman.

Đại sứ Australia Hugh Borrowman

Đại sứ Australia Hugh Borrowman

Thưa ông, chương trình New Colombo Plan thực hiện tại Việt Nam như thế nào? ông có thể nói rõ hơn ý nghĩa của chương trình?

Chương trình New Colombo Plan là sáng kiến rất quan trọng của Chính phủ Australia vì chúng tôi muốn dùng giáo dục như là động lực, phương tiện hợp tác nhằm làm sâu sắc thêm kiến thức và hiểu biết của sinh viên Australia về châu Á. Đồng thời, tăng cường các mối liên kết nhân dân. Chúng tôi coi Australia như một phần của khu vực châu Á và Đông Nam Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi muốn đóng góp và tác động tới khu vực này.

Như các bạn đã biết rất nhiều sinh viên Việt Nam đã và đang sang Australia học tập . Mục tiêu của chương trình Colombo Plan là làm sao để có nhiều sinh viên Australia sang Việt Nam cũng như sang nước khác nữa để học tập và giao lưu văn hóa.

Đây là sáng kiến rất mới của Chính phủ Australia được bầu cách đây 2 năm. Đây là một chương trình rất lớn và đã được thử nghiệm ở 4 nước khác năm 2014. Tháng 1/ 2015, bắt đầu được thực hiện nhiều nước trong đó có VN. Nhóm sinh viên Australia đầu tiên đã sang Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng số lượng sinh viên Australia chọn Việt Nam ngày càng nhiều trong những năm tiếp theo.

Trong chương trình này, sinh viên Australia được chọn nước đi học hay là Chính phủ chọn rồi cử sinh viên đi học?

Chính phủ là người cấp tiền, chương trình, còn sinh viên và trường quyết định lựa chọn ngành nào, nước nào và nộp đơn. Tự các trường Australia lựa chọn trường nước ngoài làm đối tác để cử sinh viên sang và theo nguyện vọng của các sinh viên muốn sang nước đó học.

Chương trình mang đến cơ hội cho sinh viên Australia học tập tối đa 1 năm tại các trường đại học trong khu vực đồng thời có thể đi thực tập tại một doanh nghiệp địa phương như một phần tín chỉ trong chương trình học tập của họ.

Theo ông ngành học nào ở Việt Nam sẽ thu hút được nhiều sinh viên Australia chọn học?

Thực ra ở Việt Nam với chương trình New Colombo Plan này sẽ gặp khó khăn về mặt ngôn ngữ. Mặc dù ngôn ngữ là cản trở lớn nhưng trong quá trình tiếp xúc với các trường đại học Việt Nam, chúng tôi thấy nhiều trường đại học Việt Nam có những khóa đào tạo bằng tiếng Anh trong các lĩnh vực như kinh doanh, kỹ sư, nông nghiệp, y tế…

Nhưng ở đây, vấn đề là khi sinh viên Australia sang Singapore học người ta có thể chọn bất kỳ lĩnh vực nào học vì ở đó sinh viên học hết bằng tiếng Anh. Nhưng khi sang Việt Nam, việc lựa chọn những khóa học dài hạn một học kỳ cho đến một năm của họ bị giới hạn hơn. Họ phải lựa chọn những khóa học giảng dạy bằng tiếng Anh.

Bên cạnh những khóa học dài hạn, một lựa chọn phổ biến ở thời điểm hiện tại là những khóa ngắn hạn bằng tiếng Anh hoặc những khóa học hoặc chương trình ngắn được các trường Việt Nam thiết kế riêng theo đề suất của các trường Australia đối tác cho sinh viên của họ sang Việt Nam theo chương trình New Colombo Plan.

Cho đến thời điểm này, quốc gia châu Á nào được sinh viên Australia lựa chọn nhiều nhất thưa ông?

Trung Quốc là nước được sinh viên Australia lựa chọn nhiều nhất. Nhưng tin mừng là ở vòng đầu tiên 2015 này, Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được nhiều quan tâm của sinh viên Australia. Số lượng sinh viên Australia chọn Việt Nam là điểm đến ngang ngửa với Thái Lan, một quốc gia có nền giáo dục đại học khá phát triển và có những điều kiện thuận lợi cũng như kinh nghiệm đón tiếp sinh viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu...

Nhóm sinh viên Australia đầu tiên tới Việt Nam theo chương trình New Colombo Plan

Nhóm sinh viên Australia đầu tiên tới Việt Nam theo chương trình New Colombo Plan

Australia hỗ trợ giáo dục Việt Nam phát triển

Giáo dục là sự kết nối lâu dài trong quan hệ giữa Australia và Việt Nam. Vậy chương trình đào tạo của Australia tập trung vào những lĩnh vực gì cho nguồn nhân lực Việt Nam?

Những lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam và nhân dân Việt Nam nghĩ là mình sẽ cần sự hỗ trợ của Australia thì chúng tôi hỗ trợ , điều này phụ thuộc vào Việt Nam.

Rất tốt, ở thời điểm hiện tại Chính phủ Việt Nam đã nhận ra rằng, Việt Nam cũng như nền kinh tế Việt Nam cần nhiều nguồn nhân lực có kỹ năng thực tế và kỹ năng chuyên sâu hơn, chứ không chỉ tập trung vào những bậc đào tạo đại học, sau đại học là thạc sĩ và tiến sĩ.

Trong quá trình đàm phán về pha hỗ trợ tiếp theo của Australia cho Việt Nam liên quan đến việc phát triển nguồn nhân sự cho 2016 – 2020, chúng tôi rất vui đã thảo luận và có cùng quan điểm về việc cần phải cân bằng đào tạo và hỗ trợ trong lĩnh vực dạy nghề, lĩnh vực giáo dục đại học và sau đại học.

Tôi cũng muốn đề cập đến diễn đàn hiệu trưởng các trường phổ thông Hà Nội và Bang Victoria diễn ra vào cuối năm 2014. Như vậy, các bạn có thể thấy sự hợp tác giáo dục của Australia và Việt Nam hiện nay rất rộng và đa dạng.

Giáo dục Việt Nam đang trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện, vậy bên Australia đã nắm bắt được sự đổi mới này như thế nào? Sự hợp tác giữa 2 bên lần này có góp phần trong việc đổi mới đó không?

Tôi chắc chắn là chúng tôi đang và sẽ đóng góp vào quá trình đổi mới này. Chúng tôi có văn bản ghi nhớ hợp tác giáo dục đào tạo giữa Australia và Việt Nam.

Dưới văn bản này chúng tôi có nhóm công tác chung giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Australia gặp nhau 2 năm 1 lần. Trong nhóm công tác chung này chúng tôi  thảo luận và thực hiện những ưu tiên chung về phát triển giáo dục giữa 2 nước như cải cách giáo trình, đảm bảo chất lượng, giáo dục và đào tạo nghề, nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh hợp tác cấp chính phủ, chúng tôi rất quan tâm và hỗ trợ việc đẩy mạnh quan hệ giữa các trường với nhau. Có rất nhiều trường đại học ở Australia đã và đang xem xét vấn đề đào tạo giáo trình của Australia tại Việt Nam thông qua những cơ sở giáo dục tại Việt Nam.

Đảm bảo chất lượng giáo dục Australia là vấn đề chúng tôi rất quan tâm đặc biệt khi chương trình đó được giảng dạy ở Việt Nam.. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như chuyên môn  đảm bảo chất lượng giáo dục với Việt nam.

Các bạn đã biết, Australia có hệ thống dạy nghề rất mạnh. Điểm mạnh nhất trong hệ thống dạy nghề của chúng tôi là sự kết nối giữa cơ sở đào tạo và thị trường lao động. Để kết nối này hoạt động tốt, chúng tôi có hội đồng ngành, hội đồng ngành đưa ra tiếng nói và dự báo về việc thị trường lao động đang cần kỹ năng gì để trường dạy nghề biết đào tạo ngành nghề đáp ứng nhu cầu. Hiện Australia đang tích cực hỗ trợ phát triển hệ thống dạy nghề Việt Nam thông qua các dự án song phương và đa phương.

Sự liên kết giữa các trường và các ngành công nghiệp bên ngoài rất quan trọng. Không tốt một chút nào nếu chúng ta đang đào tạo ra những sinh viên không đáp ứng được thị trường lao động và kết quả là thị trường lao động sẽ không tuyển dụng được nhân sự với kỹ năng họ yêu cầu và cùng một lúc sinh viên sẽ bị thất nghiệp.

Vì vậy, các trường cần phải có liên kết chặt chẽ với các nhà tuyển dụng để biết xem kỹ năng người ta cần là gì. Những kỹ năng này cũng thay đổi rất nhanh nên việc hợp tác rất là quan trọng.

Ông nhận định thế nào về nền giáo dục Việt Nam hiện nay? Ông có chia sẻ gì để giúp Việt Nam có trường đại học lọt vào tốp thế giới ?

Tôi không ở vị trí tốt để đưa ra nhận xét về giáo dục Việt Nam đặc biệt là về chất lượng. Tuy nhiên, qua một số diễn đàn và thông tin tôi được biết lãnh đạo Việt Nam cũng đã hiểu rõ thách thức nền giáo dục Việt Nam đang gặp phải. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam thiếu rất nhiều kỹ sư chuyên sâu và công nhân lành nghề.

Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đang cố gắng và đã đạt được những thành tựu nhất định đặc biệt là trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục. Đây cũng là lĩnh vực mà Australia đang giúp Việt Nam.

Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân sự, thông qua các chương trình và sáng kiến như cấp học bổng bằng ngân sách nhà nước để tăng số lượng giảng viên đại học có bằng tiến sĩ. Đặc biệt, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 để nâng trình độ tiếng Anh của người dân Việt Nam.

Việt Nam cũng là đất nước coi trọng giáo dục và học tập. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại chưa có trường đại học Việt Nam nào nằm trong các tốp xếp hạng của thế giới. Chúng tôi sẽ cố gắng, nỗ lực giúp đỡ Việt Nam đạt mục tiêu này.

Xin trân trọng cám ơn Đại sứ Hugh Borrowman!

Hiện nay, có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam du học tại Australia, trong đó có rất nhiều sinh viên du học tự túc. Vậy, Australia có chính sách nào để hỗ trợ sinh viên du học tự túc không?

Đại sứ Australia Hugh Borrowman: Hiện tại Australia vẫn là một trong những quốc gia đứng đầu trong việc cung cấp học bổng cho Việt Nam. Năm vừa rồi chúng tôi cung cấp 350 suất học bổng cho Việt Nam.

Với các sinh viên tự túc, Chính phủ Australia không cung cấp dịch vụ trực tiếp mà từ các trường đại học giúp sinh viên trong việc tư vấn tìm nhà ở, tìm nơi thực tập trước khi tốt nghiệp…

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Australia là một trong những quốc gia đầu tiên, và đến thời điểm hiện tại cũng là một trong số ít nước có đạo luật bảo vệ quyền lợi sinh viên quốc tế. Với đạo luật này, những trường muốn nhận sinh viên quốc tế phải thỏa mãn, đáp ứng nhiều điều kiện và yêu cầu chính phủ Australia đặt ra sao cho quyền lợi của sinh viên quốc tế được đảm bảo tốt nhất.

Hồng Hạnh (thực hiện)