Đắk Nông đang thiếu hàng trăm giáo viên

(Dân trí) - Số lượng học sinh tăng lên quá nhanh, trong khi biên chế giáo viên cho 2 cấp học mầm non và tiểu học hạn chế đã đẩy tình trạng quá tải trong các trường học, đặc biệt là hai huyện Đắk G’long và Tuy Đức của tỉnh Đắk Nông.

Theo thống kê sơ bộ, hai huyện mới là Đắk Glong và huyện biên giới Tuy Đức đang thiếu hơn 200 giáo viên.

Tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, một trong điểm nóng về gia tăng dân số trong mấy năm gần đây, tình trạng lớp học quá tải do quá đông học sinh đã kéo dài nhiều năm nay và ngày càng “nóng” hơn. Bên cạnh số lượng học sinh gia tăng nhanh, cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy và học không kịp đầu tư xây dựng, nâng cấp đã tăng thêm áp lực lên công tác dạy và học của nhà trường.

Tình trạng quá tải học sinh cộng thêm cơ sở vật chất quá hạn chế khiến tình trạng dạy và học ở Đắk Nông gặp rất nhiều khó khăn
Tình trạng quá tải học sinh cộng thêm cơ sở vật chất quá hạn chế khiến tình trạng dạy và học ở Đắk Nông gặp rất nhiều khó khăn

Cô Trần Thị Sâm, hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca, xã Quảng Sơn cho biết nhiều lớp học có sỹ số 48, 49 em, trong khi quy định tối đa chỉ 35 em. Năm nay, tổng số học sinh của trường đã tăng hơn 80 em so với năm ngoái và đang có xu hướng tiếp tục tăng lên. Việc học sinh quá đông khiến công việc của giáo viên rất áp lực, chất lượng dạy và học cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Thêm nữa, việc tổ chức cho giáo viên đi công tác, tập huấn theo điều động của cấp trên cũng khó thực hiện, nguyên nhân cũng do… thiếu giáo viên nên không thể phân công được.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, năm học này, toàn huyện tăng hơn 1.500 học sinh so với năm ngoái. Từ khi thành lập huyện đến nay, số học sinh hàng năm của huyện đã tăng gấp 3 lần, từ 5.000 em lên 15.000 em, trong đó, hai cấp mầm non và tiểu học là gia tăng mạnh nhất.

Vê nguyên nhân chính làm tăng một cách đột biến số trẻ học sinh ở bậc mầm non và tiểu học của huyện, ông Vũ Văn Hà, Phó Chủ tịch huyện Đắk Glong cho biết là tình trạng dân di cư tự do, việc sinh đẻ thiếu kế hoạch và việc thực hiện chương trình phổ cập giáo dục mầm non. Năm 2014 – 2015, huyện đã phải tách 6 trường học để thành lập trường mới do quá căng thẳng về số học sinh và cơ sở vật chất trường học. Trước mắt, UBND huyện đề nghị các cấp liên quan đồng ý cho địa phương tiếp tục hợp đồng giáo viên để đảm bảo việc dạy và học. Về lâu dài, UBND huyện Đắk Glong đề nghị các cấp liên quan tăng thêm biên chế cho ngành giáo dục huyện, chủ yếu bậc mầm non và tiểu học.

Đối với huyện biên giới Tuy Đức, từ năm 2007 đến nay, tổng số học sinh hàng năm đã tăng hơn gấp đôi từ hơn 6.000 lên gần 13.000 em. Tổng số trường học cũng đã tăng từ 16 lên 31 trường nhưng số lượng biên chế giáo viên chưa được gia tăng tương xứng với nhu cầu dạy và học. Thêm nữa, một số trường có điểm lẻ cách xa trung tâm và có ít học sinh nhưng các trường vẫn phải cố gắng mở, duy trì lớp để đảm bảo nhu cầu học tập của con em người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, học sinh trên địa bàn huyện tăng liên tục từ khi thành lập tới nay, bình quân mỗi năm khoảng 1.000 em. Do đó, ngoài giáo viên được UBND tỉnh Đắk Nông giao biên chế, huyện phải hợp đồng giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Đáng chú ý hơn, từ năm học 2012 – 2013 đến nay, huyện còn “nợ” tiền dạy thay, dạy gác của hàng trăm giáo viên với tổng số tiền hơn 5,3 tỷ đồng. Nguyên do chính phải tổ chức dạy thay, dạy gác là do thiếu giáo viên. Còn lý do từ năm học 2012 – 2013 đến nay nhiều giáo viên chưa được trả tiền dạy thay, dạy gác, theo UBND huyện là do ngân sách huyện quá khó khăn. Được biết, UBND huyện Tuy Đức đã có báo cáo việc này với UBND tỉnh Đắk Nông và các Sở, Ban ngành liên quan từ cuối năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Thiết nghĩ, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cần nhanh chóng giải quyết sự việc này để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên cũng như chất lượng dạy và học tại đây.

Đắk Nông là tỉnh có cộng đồng các dân tộc đa dạng với hơn 40 dân tộc anh em. Tỉnh cũng là điểm nóng về di cư ngoài quy hoạch và tỷ lệ sinh con thứ 3, thứ 4 trong một số dân tộc thiểu số vẫn còn khá cao. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên do lượng học sinh tăng nhanh và việc đẩy mạnh chương trình phổ cập giáo dục mầm non, tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cho các huyện hợp đồng giáo viên để đảm bảo việc dạy và học. Về lâu dài, các cơ quan liên quan cần có biện pháp phân bổ, bố trí thêm biên chế giáo viên để đáp ứng kịp thời, bền vững hơn nhu cầu dạy và học trên địa bàn tỉnh.

Đức Cường