Đắk Nông: Khó khăn khi áp dụng mô hình trường học mới

(Dân trí) - Việc triển khai áp dụng đại trà “mô hình trường học mới ở Việt Nam” đối với các trường tiểu học trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã bắt đầu bộc lộ nhiều khó khăn, nhiều ý kiến trái chiều.

Những năm học trước đây, thị xã Gia Nghĩa đã thực hiện thí điểm việc dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN) tại 2 trường tiểu học, với sự hỗ trợ về tài liệu và phương pháp giảng dạy. Còn bước vào năm học 2015-2016 này, thị xã triển khai áp dụng đại trà mô hình dạy học mới đối với 7/15 trường tiểu học khác, nâng số trường áp dụng lên 9 trường.

Tại các trường học đã thực hiện thí điểm trước đây, việc tổ chức dạy học theo mô hình mới có nhiều điểm khác so với cách tổ chức tiết học truyền thống. Điều dễ nhận thấy nhất là qua các giờ học, học sinh được hoạt động nhiều hơn nên phát huy được tính tích cực, chủ động của các em.

Một tiết học theo mô hình mới của học sinh
Một tiết học theo mô hình mới của học sinh

Tuy nhiên, trong thực tế, khi triển khai đại trà ở các trường thì phương pháp này đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Điển hình như Trường tiểu học Thăng Long (thị xã Gia Nghĩa) có trên 660 học sinh theo học ở 20 lớp. Nngoài 5 lớp thuộc khối lớp 1, số lớp học còn lại, nhà trường đều áp dụng dạy học theo mô hình mới. Quan sát tiết học của một lớp 3 có 37 học sinh, chúng tôi thấy giáo viên đã chia thành 8 nhóm. Sau khi cô giáo yêu cầu, các nhóm cùng nhau thảo luận, nhưng nói chuyện riêng cũng rất “sôi nổi”.

Một giáo viên cho biết, đây là lần đầu tiên áp dụng phương pháp dạy học mới nên thời gian đầu, giáo viên chủ yếu là dành thời gian để ổn định, tổ chức và cho các em làm quen. Sau khi để các nhóm thảo luận, giáo viên sẽ hỏi mức độ hoàn thành của các nhóm. Những em hoặc nhóm chưa hiểu bài có thể giơ “phao cứu trợ” để giáo viên đến tận nơi giảng lại. Thế nhưng, một số em vì ngại nên không thực hiện việc yêu cầu “cứu trợ”. Cùng với đó, các nhóm cũng phải luân phiên phân công từng em làm nhóm trưởng nhưng không phải em nào cũng mạnh dạn và tiếp thu bài nhanh để có khả năng điều hành nhóm tốt.

Nhiều phụ huynh cũng tỏ ra băn khoăn trước việc áp dụng mô hình mới này. Anh Nguyễn Văn Q. có con học tại Trường tiểu học Thăng Long cho biết: Tôi thấy khi xếp theo nhóm, học sinh ngồi quay vào nhau và hai em ngồi chung một ghế. Khi giáo viên nói thì các em phải “vặn” cả người quay lại để nghe. Việc ngồi học trong tư thế như vậy về lâu dài không biết sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hệ xương của các cháu hay không. Vì đăng ký mua sách mới nên ban đầu sách đưa về không kịp thời và đủ số lượng làm chúng tôi rất lo lắng cho việc học của các cháu. Theo tôi biết, hiện tại các cháu vẫn còn thiếu sách Khoa học lớp 4 và một số sách tập hai.

Ngoài 9 trường tham gia mô hình mới thì những trường còn lại dù dùng sách giáo khoa hiện hành nhưng giáo viên cũng phải thực hiện việc soạn giảng theo phương pháp mới. Như vậy cùng lúc, giáo viên vừa phải thực hiện soạn giảng, xác định logô cho từng tiết giảng, vừa nghiên cứu phương pháp dạy học mới.

Cụ thể như ở Trường tiểu học và THCS Trần Văn Ơn ở xã Đắk Nia hiện có 210 học sinh tiểu học theo học ở 10 lớp; trong đó, phần lớn là học sinh dân tộc thiểu số. Theo cô giáo Phạm Thị Kim Phú, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Trần Văn Ơn thì mỗi bộ sách áp dụng của mô hình mới có giá khoảng 400.000 đồng.

Trong khi đó, học sinh dân tộc thiểu số được cấp phát miễn phí sách giáo khoa nên nhà trường không thể đăng ký áp dụng mô hình dạy học mới. Cô Lê Thị Bích Phượng, chủ nhiệm lớp 3A1 cho biết, vì thời gian được tập huấn, làm quen với chuyên môn còn ít, lại sử dụng sách giáo khoa cũ, trong khi phải áp dụng việc soạn, giảng mới nên hầu hết giáo viên thật sự rất lúng túng, bỡ ngỡ khi áp dụng vào thực tế.

Đến thời điểm hiện nay, với sự nỗ lực của giáo viên, học sinh đã phần nào làm quen được với phương pháp học mới, việc trang trí lớp cũng tương đối hoàn thiện. Thế nhưng, chất lượng của các giờ học thì vẫn còn là vấn đề đặt ra. Điều dễ nhận thấy nhất là khả năng hiểu văn bản của các em hạn chế nên việc làm việc nhóm, thảo luận rất khó để đạt kết quả cao.

Theo bà Lê Thị Như Hương, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Gia Nghĩa thì có nhiều nguyên nhân để địa phương triển khai đại trà việc thực hiện “mô hình trường học mới Việt Nam” ở các trường tiểu học. Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiến hành kiểm tra thực tế việc thực hiện tại các trường học nhằm kịp thời hỗ trợ về chuyên môn để  thực hiện hiệu quả.

Thực tế cho thấy, những trường được chọn làm thí điểm các năm trước đều được hỗ trợ rất tích cực về chuyên môn, tài liệu và ban đầu cũng chỉ tổ chức ở một số lớp nhất định. Qua thực hiện thí điểm, các trường rút kinh nghiệm thực tế mới tiến hành nhân rộng ở các khối, lớp khác cho phù hợp qua từng năm, lúc đó mới thấy được hiệu quả của việc áp dụng mô hình mới.

Đức Cường