Dân chủ trong trường học: “Im lặng hơn cả vàng!”

(Dân trí) - Giáo viên im lặng trước nhiều vấn đề là phản xạ tự nhiên do không có thói quen phản biện, quen "một dạ, hai vâng" với cấp trên.... Kể cả một số người hay ý kiến, nhưng trong môi trường giáo dục thiếu dân chủ, họ cũng chọn im lặng là vàng.

Thấy vô lý những không phản đối

Trong buổi đối thoại giữa giáo viên, bảo mẫu bậc mầm non, tiểu học với lãnh đạo một quận ở TPHCM, người chủ trì phải nhắc đi nhắc lại các cô gặp vướng mắc, khó khăn gì hãy trao đổi thẳng thắn. Ngoài những vấn đề muôn thuở như công việc nặng nhọc, lương thấp... rất ít người đề cập đến thực tế ở trường.

Khi được gợi mở, một giáo viên mầm non mới đứng dậy phản ánh: các cô tham gia giữ trẻ vào dịp hè với thu nhập rất thấp, thậm chí bảo mẫu, điều dưỡng chỉ nhận được hơn 1 triệu đồng/tháng. Có người dẫn đường, nhiều giáo viên tranh thủ lên tiếng, hóa ra đó cũng là tình cảnh ở không ít trường. Họ thấy vô lý, bất bình nhưng vẫn... lặng thinh nhận việc.

Giáo viên rất ít phản biện trước những vấn đề trong trường học
Giáo viên rất ít phản biện trước những vấn đề trong trường học

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, bà Trương Thị Việt Liên, Trưởng phòng Giáo dục mầm non lúc đó đã phải nói rõ dịp hè là dạy thêm, là thỏa thuận, không ai ép buộc các cô được. “Các cô thấy thu nhập không thỏa đáng thì phải lên tiếng phản đối, không được nữa thì từ chối, sao vẫn im lặng nhận? Tôi thấy các cô hiền quá!”, bà Liên quyết liệt.

Từ “hiền” bà dùng trong trường hợp này còn là nói giảm nói tránh. Im lặng chấp hành mọi mệnh lệnh, phân công của cấp trên dường như đã là một quán tính tự nhiên của nhà giáo. Ngay ở những hoàn cảnh, tình huống vô lý, bất công với chính bản thân - chứ chưa nói vấn đề của người khác - nhiều giáo viên cũng chọn “một gật hai vâng”.

Ở không ít trường học, nhiều giáo viên không hề thiết tha với việc dạy thêm tại trường. Họ mang tiếng o ép học sinh học thêm, là người trực tiếp đứng lớp... nhưng nguồn thu từ hoạt động này vào túi thầy cô nhỏ giọt, ở trên ban giám hiệu quyết định “thu chi”. Nhiều hiệu trưởng, hiệu phó... hàng tháng nhận khoản tiền lớn từ đây.

Trong “cuộc chiến” chống dạy thêm học thêm ở TPHCM, giai đoạn thành phố mạnh tay xóa dạy thêm trong trường học, quản lý nhiều trường kịch liệt phản đối. Chỉ có nhiều giáo viên như mở cờ trong lòng, ủng hộ quyết định này dù họ sẽ bị mất một nguồn thu hàng tháng. Nhưng quyết định đó như một cách thay họ từ chối việc việc dạy thêm mà họ được trả bèo bọt - điều mà họ không dám lên tiếng ở trường học.

Im lặng hơn cả vàng!

Giáo viên im lặng trước nhiều vấn đề trong môi trường sư phạm xuất từ việc nhiều khi chính bản thân người thầy mặc định, mọi thứ vốn là như vậy. Họ “trói” mình vào khuôn khổ là người chấp hành mọi mệnh lệnh của cấp trên - mà cụ thể là hiệu trưởng.

Một nhà giáo dục từng quản lý bậc tiểu học ở TPHCM cho biết, chính giáo viên họ không nắm rõ điều lệ giáo viên, không nắm rõ quyền của mình.

Tiếng nói ở trường học mong chờ rất nhiều vào số ít giáo viên dám lên tiếng, dám phản biện lại các vấn đề họ cho là không hợp lý, bất công... Nhưng rồi qua nhiều phen “ý kiến ý cò”, không ít thầy cô cũng rút ra bài học im lặng là vàng.

Người thầy Việt dạy học dưới rất nhiều dây trói
Người thầy Việt dạy học dưới rất nhiều "dây trói"

Một giáo viên dạy ở TPHCM kể, khi cô về trường, cô không đồng ý với việc dạy thêm mà thời điểm đó giáo viên chỉ được chi 30.000 đồng/tiết. Cô là một giáo viên có năng lực, học sinh rất thích học, nên khi cô từ chối không dạy thêm tại trường chẳng khác nào “gây chiến” với ban giám hiệu. Từ đó là những chuỗi ngày không mấy sáng sủa, cô bị làm khó đủ điều trong hoạt động dạy học, sinh hoạt chuyên môn hay nói một cách khác bị “loại” khỏi tập thể.

Đến khi đó cô hiểu tại sao các giáo viên khác sau lưng cũng rất bất mãn, ấm ức với ban giám hiệu nhưng bên ngoài vẫn xởi lởi nhận lên lớp. Bởi im lặng mà làm lúc này còn hơn cả kim cương. Cô cá tính, dám thay đổi, lỡ có “văng” cũng có cách xoay sở nhưng phần lớn các giáo viên, họ mong được yên ổn làm việc.

Phải nói, người thầy khó “cựa quậy” còn vì quá nhiều dây rợ phải quàng lên người. Thầy N.M., giáo viên dạy tiếng Anh ở Lâm Đồng nêu quan điểm, nghề giáo hiện nay không còn được xem trọng bởi chính những người trong nghề. Người thầy hiện nay được đánh giá qua một đống tiêu chí rất mập mờ mà tiêu chí chuyên môn chỉ là một phần trong vô vàn các tiêu chí.

Vì nhiều tiêu chí nên nhiều ban ngành không liên quan cũng tham gia đánh giá người thầy. Từ cấp tổ chuyên môn, đến công đoàn, đến thanh tra nhân dân, đến Ban giám hiệu, đến Sở GD, rồi các Sở khác nữa.

“Người thầy hiện nay chỉ là một con ốc trong guồng máy. Dù chuyên môn có giỏi, học sinh có thương yêu, tin tưởng, nếu con ốc đó khác những con ốc khác, tách rời khỏi tư duy bầy đàn thì có dễ bị văng ra ngoài và bị thay thế không?” - trong câu hỏi thầy đã tự có câu trả lời cho mình.

Thầy giáo này cũng nói thêm, còn rất nhiều người thầy có tâm, dám lên tiếng nhưng họ phải đối diện với các lựa chọn một là bị đào thải, hai là vất vưởng trong ngành, khó tiến thân. Đến làm việc cũng không được yên thì khi đó những lý tưởng, hoài bão của họ càng khó để thực hiện.

Và sự cam chịu hay là lựa chọn im lặng của người thầy chắc chắn cũng góp phần cho việc dân chủ trong trường học rất dễ bị vi phạm.

Lê Đăng Đạt

(Namphan84@gmail.com)