Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học:

Đang chậm và ách tắc?

(Dân trí) - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2005-2006 là việc phải hoàn thành Chương trình kiên cố hoá (KCH) trường lớp. Tính đến thời điểm này, Chương trình đã triển khai được đến đâu?

Trao đổi cùng phóng viên Dân trí, ông Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: Đối chiếu với mục tiêu của Chương trình thì tiến độ triển khai trong năm 2003 còn chậm, nhưng trong năm 2004 tiến độ đã nhanh hơn. Đến nay đã có một số tỉnh hoàn thành mục tiêu của Chương trình, xây dựng đủ hoặc vượt số phòng học để thay thế số phòng học 3 ca, phòng học tranh tre nứa lá theo báo cáo tháng 8/2002 (Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Ninh Thuận).

 

Tiến độ triển khai chậm so với yêu cầu của Chương trình, do các nguyên nhân chủ yếu sau:

 

- Việc chỉ đạo, đôn đốc của các Ban Chỉ đạo các cấp ở địa phương còn chưa thật quyết liệt; Một số địa phương chưa chủ động tìm biện pháp huy động các nguồn vốn khác để thực hiện Chương trình, còn trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí của Trung ương và chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về cơ chế quản lý nguồn vốn của Chương trình; Trình độ năng lực của một số cán bộ (chủ yếu là cấp xã và huyện) được giao nhiệm vụ thực hiện còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của Chương trình.

 

- Cùng với các nguyên nhân chủ quan, còn có các nguyên nhân khách quan, đó là: Các công trình có suất vốn đầu tư thấp (từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng) nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục nên cần có thời gian để chuẩn bị. Địa điểm xây dựng nhiều phòng học nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao nên gặp nhiều khó khăn trong việc chọn đơn vị thiết kế và thi công.

 

Thêm vào đó, là sự biến động về giá cả nguyên vật liệu xây dựng (đặc biệt là sắt thép tăng cao) và thay đổi chính sách thuế VAT trong ngành xây dựng (tăng từ 5% lên 10%) làm cho suất đầu tư xây dựng tăng từ 1,5 đến 2 lần so với suất đầu tư tính toán ban đầu, nhiều công trình phải tạm dừng thi công để điều chỉnh lại dự toán.

 

Trong khi vốn huy động đã sẵn sàng, tiến độ thực hiện Chương trình chậm sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế và xã hội của Đề án, bởi trên thực tế, ngân sách vẫn phải trả lãi cho những phần vốn đã huy động được đang  nằm chờ. Theo ông, cần có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

 

Chúng tôi đã có sự phân tích tình hình, rút kinh nghiệm trong tổ chức, chỉ đạo ở các cấp, thống nhất cao hơn về nhận thức, về các giải pháp tổ chức và kỹ thuật, về phân công, phân cấp và trách nhiệm của các Ban quản lý dự án và Ban chỉ đạo chương trình KCH ở các địa phương.

 

Theo đó, Ban chỉ đạo Trung ương và Bộ GD- ĐT sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình ở các địa phương để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, đồng thời sẽ đặc biệt chú trọng vấn đề thanh tra, kiểm tra.

 

Có ý kiến cho rằng, việc phát hành công trái giáo dục năm nay khó thu hút người dân hưởng ứng, vì có một số vụ việc tham ô trong quá trình xây dựng, khiến nhân dân khó lòng tin tưởng. Ý kiến của ông như thế nào và theo ông để nguồn vốn cho Chương trình phục vụ đúng mục đích của nó cần gì?

 

Kết quả kiểm tra, thanh tra của các đoàn công tác của các thành viên Chính phủ, của Ban chỉ đạo TW, Bộ GD- ĐT và của các địa phương đều cho thấy: Đến nay, chưa phát hiện được thất thoát, tiêu cực trong quá trình triển khai Chương trình KCH trường, lớp học.

 

Tôi nghĩ rằng, biện pháp cơ bản để nguồn vốn cho Chương trình được phục vụ đúng mục đích, không bị thất thoát lãng phí là công khai hóa, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên môn và sự giám sát kiểm tra của quàn chúng nhân dân.

 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

 

Mai Minh