Câu chuyện giáo dục:

Dành thời gian cho trẻ

Câu chuyện kể về cậu bé có người cha luôn bận rộn. Cậu bé tiết kiệm được một ít tiền. Một hôm, cậu rón rén đến bên người cha đang chăm chú vào máy vi tính và hỏi: “Con có thể mua ít thời gian của cha hay không?”.

Lúc đầu, ông bố lắc đầu và vẫn miệt mài với bàn phím như không để ý đến lời đề nghị của con. Nhưng rồi ông dừng lại trong giây lát, ôm con vào lòng và bế ra sân. Hai cha con vui vẻ chơi bóng rổ, cùng nhau vui cười... Khi trở vào nhà, cậu bé lấy chút tiền dành dụm ít ỏi đưa cho cha trong sự ngỡ ngàng của người cha.

Câu chuyện được chiếu trong một đoạn clip ngắn chừng 3 phút đã khiến hàng trăm phụ huynh tham gia hội thảo về giáo dục sớm “Phương án 0 tuổi”, vừa diễn ra tại Trường Mầm non Sài Gòn Academy chú ý. Hẳn ai cũng hiểu được ẩn ý sau câu chuyện và không khỏi giật mình vì quỹ thời gian dành cho con của các bậc cha mẹ quá ít ỏi. Việc giáo dục con hiện được nhiều bậc cha mẹ trông cậy vào nhà trường, khi con về nhà thì giao phó cho người giúp việc. Nhưng việc chúng ta không dành thời gian giáo dục con, đặc biệt ở giai đoạn 0-6 tuổi, thời kỳ được xem là “giai đoạn vàng”, sẽ là một sự lãng phí rất lớn.

TS Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục trẻ thông minh sớm VSK, nói rằng trong quá trình nghiên cứu, ông gặp rất nhiều trẻ do không được ba mẹ quan tâm, giáo dục nên đành làm bạn với game. Game không những hạn chế khả năng tư duy mà những ấn tượng quá mạnh của nó còn rất có hại đến sự phát triển thị giác, thính giác của trẻ. Nhiều trẻ nghiện game có biểu hiện khó tiếp thu và trí thông minh thua xa những trẻ em bình thường khác khi thực hiện các bài tập. Bên cạnh đó, nhiều trẻ không được cha mẹ gần gũi, quan tâm có biểu hiện nhút nhát, khó hòa nhập...

Theo ông Đức, mỗi ngày cha mẹ chỉ cần dành 1 giờ để chơi đùa và dạy cho trẻ thì trẻ có thể đọc, hiểu trước 3 tuổi; mỗi ngày dành 5 phút để dạy cho trẻ học ngoại ngữ thì trẻ sẽ nói được nhiều ngoại ngữ khác nhau; nếu khuyến khích trẻ tự thăm dò thế giới xung quanh, qua đó có sự thể nghiệm của chính bản thân, khai mở hàng loạt hoạt động tư duy... thì trí não của trẻ sẽ phát triển hoàn thiện đến 90% - 95% trước 6 tuổi.

GS Phùng Đức Toàn, “cha đẻ” của công trình “Phương án 0 tuổi”, cho rằng phải bắt đầu nắm lấy nhân tài kể từ khi còn là những đứa trẻ sơ sinh, gia đình chính là trường học đầu tiên và cha mẹ là người thầy đầu tiên. Với một đứa trẻ bình thường về sinh lý, chỉ cần biết giáo dục đúng cách thì sự khỏe mạnh, thông minh, tính cách cao thượng, phẩm chất tốt đẹp cùng khả năng sáng tạo phần nhiều phụ thuộc vào quá trình trưởng thành trong gia đình. Những đứa trẻ như vậy, ngày sau tất có khả năng phát triển nổi trội hơn người.

Theo Gia Thùy
Người Lao Động