Dao sắc không gọt được chuôi

Làm thầy giáo đã hơn 30 năm, có nhiều thành tích trong việc dạy và học, số học sinh đi thi học sinh giỏi và đỗ đạt đã lên tới hàng trăm, số học sinh trưởng thành và giờ giữ những vị trí trang trọng cũng vậy, nhưng thầy H không thể dạy nổi cậu ấm trong nhà.

Nguyên do là thầy lấy vợ muộn. Sau khi đi dạy nghĩa vụ ở miền núi về, thầy về nhà ở thành thị xã, mãi đến năm 39 tuổi mới lấy vợ. Vợ thầy, một cô giáo dạy tiểu học, con gái Trưởng phòng GD&ĐT huyện nhà, gia đình kinh tế khá giả. Mối lương duyên muộn của thầy và cô giáo trẻ tiểu học đã cho sinh hạ một cậu ấm trong sự đón đợi, trông mong và hạnh phúc của hai vợ chồng.

Sống ở thị xã, cậu bé lớn lên đã sớm nhận ra sự yêu chiều thái quá của cha mẹ và ông bà. Khi ở cấp Tiểu học, những đứa trẻ khác chỉ được ông, bà hay cha, mẹ đưa đi đón về bằng chiếc xe đạp hoặc cùng lắm là chiếc xe máy, thì cậu ấm nhà thầy được bố, mẹ đích thân lái chiếc ô tô Camry đưa đi và đón về. Tan trường, cô giáo dẫn cậu ra tận cổng, mẹ cậu cúi xuống cảm ơn cô giáo và bế cậu đón vào lòng, đưa cậu lên xe. Trong xe, sẵn sữa, bánh… để cậu “ăn dặm” trước khi vào bữa chính buổi tối. Mẹ cậu không đưa cậu về nhà ngay, mà lòng vòng đưa cậu đi dạo quanh con đường ven thị xã, rồi ra công viên thị xã, cho cậu chơi ở đó một lúc mới về. Tuy cậu sắp sửa đi học tiểu học, nhưng mẹ cậu vẫn nựng cậu với ngôn ngữ trìu mến của tuổi ẵm ngửa “mẹ xương (thương) con trai rượu của mẹ nào. Con có xương mẹ không”. Quen mãi với câu nói đó, có lần, cậu phụng phịu “Con không xương, con ghét mẹ…”. Mẹ cậu bất ngờ hoảng hốt, rối rít: “làm sao con không xương mẹ?”. Cậu vứt hộp sữa đi, và bảo: “Con ứ uống sữa nữa đâu, chán lắm…”.

Bà mẹ trẻ đồng tình ngay: “Thì thôi, không uống nữa… Mẹ xương con…”.

Cứ trong điệp khúc ngọng ngịu như vậy, chẳng mấy chốc cậu lên cấp Tiểu học. Cậu nhận ra mình quan trọng hơn mọi người. Vì là người quan trọng, luôn được mẹ cha và thầy cô đáp ứng bất kể một yêu cầu gì mà cậu đưa ra nên cậu luôn có những sở thích quái đản:

- Mẹ ơi, con thấy một con ếch trong máy tính nhà ta rồi. Mẹ mua cho con một con ếch nhé…

Bà mẹ chột dạ, hỏi lại: 

- Con mua về làm gì?

- Con làm thí nghiệm…

Hôm ấy, con ếch cốm được bà mẹ trẻ mua ở chợ mang về đã được trói chân tay, đưa cho cậu. Cậu thích lắm. Cậu vào nhà lấy kéo, dao… để hành hình con ếch. Cậu cắt chân, mổ bụng, móc mắt… mặc chú ếch giãy giụa, đau đớn. Rồi cậu cười thích thú. 

Cậu bảo với mẹ: - Mẹ nhìn con ếch kìa. Nó chết rồi… ha ha…

Cứ như vậy, tính khí của cậu ngày một khác đi. Hung dữ, táo tợn. Đến trường, cậu hay đánh bạn. Cô giáo mách với mẹ cậu về giáo dục con. Mẹ cậu mắng cậu. Cậu òa khóc. Mẹ cậu sợ quá, xuê xoa: “Ừ, mẹ không mắng con, mắng bạn ấy thôi…”… Các cô giáo không dám xử phạt và mắng cậu, vì sợ mẹ cậu phật ý. Chẳng gì cậu cũng  là con cháu trưởng phòng. Vận mệnh cơ đồ, chính trị trong tay ông ngoại cậu. Họ sợ mà không biết bày tỏ cùng ai…

Vào cấp THPT, tiếng đồn về cậu con trai hư hỏng và nghịch ngợm của thầy cô giáo ở thị xã đã loang xa. Kể cả cái bệnh ga lăng, chuyên dùng đồ hàng hiệu và tội yêu sớm của cậu, cũng là tâm điểm cho mọi sự chú ý. 

Khi  cậu ấm thi tốt nghiệp THPT một cách chật vật  xong, cha mẹ cậu biết rằng con quý tử của mình vì quá được nuông chiều, nên đã sinh hư hỏng, lười biếng và ỷ lại.. Cậu thi 2 năm liền, đều trượt đại học. 

Quyết định cho cậu đi học nước ngoài vì thi trong nước không thể đỗ, đã được thông qua. Cậu bỗng nhiên trở thành du học sinh tại Mỹ, tự túc. Chi phí học hành, ăn ở do bố mẹ cậu chu cấp đến tận răng. Bố mẹ cậu hy vọng, một ngày không xa, cậu sẽ mang tấm bằng xứ Tự do về. Lúc ấy, may ra mới xin được việc làm. Vì chẳng ai có thể sống trọn đời để lo cho con cả. 

Thầy giáo giờ đã già, cô giáo tiểu học - vợ thầy  nào giờ đã thấu hiểu cái giá của việc chiều con. “Cho con quá dư thừa đầy đủ về điều kiện sống và học hành, đến nỗi ngoài việc lo thể hiện và sống hưởng thụ, nó không bận tâm đến việc gì khác… Lo cho con như vậy là hại con. Tôi chỉ mong nó học tử tế bên ấy, không nghiện ngập gì, là may rồi. Về nước, lo cho cái nghề để sống. Lúc ấy, tôi chết cũng được…”.

Ngày 20/11 năm nào cũng thế, nhà thầy rợp hoa tươi và lời chúc. Học  sinh ngưỡng mộ và đến tri ân với thầy cô đã giảng dạy mình nên người. Bao thế hệ học sinh đã trưởng thành và trở thành những người quản lý giỏi, có tâm, có tầm. “Em là học sinh thầy H” - câu nói đó toát lên sự tự hào của học trò.  Những lúc ấy rồi cũng qua đi, thầy và cô sống trong bầu không khí lo lắng và  trầm lặng khi nói về con. “Giờ này, không biết cậu ấm ra sao, đã đi ngủ chưa, hay còn mải mê đánh điện tử, đi chơi đêm? Nó có tránh được sự cám dỗ nơi xứ người không? Có dùng thuốc lắc và ma túy không?... Sao nó không gọi về nhà thăm bố mẹ, dù chỉ một lần, nhân ngày nhà giáo Việt Nam”.

Dao sắc không gọt được chuôi. Nhưng, đó cũng chỉ là sự an ủi mang tính A.Q. Nếu thầy cô nghiêm khắc và yêu thương con đúng mực, thì đâu đến nỗi cơ sự này…

Theo Sa Mộc
GD&TĐ