Đào tạo bác sĩ: Không giống ai!

Nếu hỏi một sinh viên y khoa nước ngoài vì sao học bác sĩ, họ trả lời “để phục vụ cộng đồng, bệnh nhân, rồi mới đến gia đình, bản thân”. Còn ở ta thì ngược lại.

+ BS Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM: Sinh viên y khoa của ta và thế giới giống nhau nhưng phương pháp đào tạo, chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất dạy và học, môi trường học, lý tưởng phục vụ sau ra trường thì khác nhau rất nhiều.

 

Xác lập y đức ngay từ đầu vào

 

Phóng viên: Thưa bác sĩ, ở nước ngoài để trở thành sinh viên y khoa thì sinh viên phải học gì trước đó? Họ phải thi những gì? Có giống thi khối B là toán, hóa, sinh như ở Việt Nam không?

 

+ BS Nguyễn Hữu Tùng: Tùy theo các nước Mỹ, Canada hoặc ở châu Âu, châu Úc và các nước châu Á. Như ở Mỹ và Canada, đại đa số các trường y khoa đều có chương trình bốn năm để thành bác sĩ đa khoa (Medical Doctor). Tuy nhiên, sinh viên muốn vào thì phải trúng tuyển kỳ thi MCAT (Medical Colleges Admission test) và một bài khảo sát để biết ước muốn sinh viên về nghề y và cuối cùng là trải qua kỳ phỏng vấn của hiệu trưởng trường. Mục tiêu là để tìm kiếm và xác lập y đức cho được một bác sĩ tương lai ngay từ đầu vào. Chương trình MCAT giống chương trình học ĐH khoa học tự nhiên và khoa học cơ bản ở nước ta cộng với kiến thức y khoa cơ bản. Do đó nó không giống như thi ở ta, ở ta thi toán, hóa, sinh thì gần giống như thi cuối khóa THPT, điều này chỉ có thể áp dụng cho chương trình sáu năm ĐH.

 

Nhưng bác sĩ đa khoa bốn năm có được khám bệnh, thủ thuật?

 

+ Không. Như ở Mỹ, sau bốn năm học cử nhân khoa học, sinh viên này phải có điểm trung bình theo yêu cầu thì mới đủ điều kiện nộp đơn thi vào trường y khoa. Nếu đậu thì sinh viên học thêm bốn năm y khoa, hai năm lấy bằng USMLE-1 (United State Medical Lisence Examination) và hai năm lấy bằng USMLE-2 và trở thành bác sĩ đa khoa - M.D), học tiếp tục vào nội trú (Recidency - đây là chương trình bắt buộc ai cũng phải học, dù chỉ muốn làm bác sĩ tổng quát, bác sĩ gia đình hay giải phẫu). Nhưng nếu học đa khoa, nội khoa thì dễ hơn khoa phẫu thuật hay nhãn khoa... Thời gian học chuyên khoa thì tùy vào chuyên ngành chọn, thường là ba năm (nội khoa) hoặc 5-7 năm (phẫu thuật, chỉnh hình…). Trong thời gian học chuyên khoa thì phải thi lấy bằng USMLE-3. Học chuyên khoa nhưng người học được trả lương, nhiều nơi còn có thêm tiền ăn, sách vở, kinh phí đi tham dự các hội nghị.

 

Sau khi lấy được USMLE-3, bác sĩ có thể khám bệnh, tham gia thủ thuật! Khi đã trở thành bác sĩ hành nghề, họ được quản lý bởi hiệp hội y-sĩ đoàn. Đây là hiệp hội tư nhân độc lập và quản lý về ngành nghề, luật pháp hành nghề, kể cả luật y đức.

 

Nghĩa là chương trình đào tạo sinh viên y khoa hiện nay của ta không giống ai?

 

+ Trước năm 1975, muốn vào Trường Y khoa Sài Gòn chẳng hạn thì phải đậu được năm dự bị ĐH. Chương trình của năm này giống chương trình MCAT vậy. Do đó sinh viên y khoa trước năm 1975 là bảy năm, bây giờ còn sáu năm.

 

Chương trình đào tạo y khoa tại Việt Nam chúng ta cũng giống các nước lân cận và đa số các nước châu Âu. Tuy nhiên, các nước châu Âu người ta đầu tư bài bản cho nên dạy và học, mỗi trường y khoa hằng năm không tuyển quá 100 sinh viên.

 

Trên thế giới, chương trình khoa học cơ bản trong trường y khoa những năm đầu rất quan trọng, sau đó chương trình y học lâm sàng cũng rất nặng, kể cả việc giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn sinh viên tại giường bệnh phải cần đội ngũ thầy cô giỏi, họ không chỉ là những người luôn hiểu biết kiến thức y khoa sâu, rộng trong ngành mà còn là hình ảnh đạo đức chuẩn mực trong ngành y cũng như trong cuộc sống.

 

Còn hiện tại ở Việt Nam chúng ta, vì nhu cầu bác sĩ để phục vụ xã hội quá cao mà thời gian đào tạo bác sĩ lại dài, những yếu tố đó làm chúng ta dễ thỏa hiệp ước muốn giảng dạy bác sĩ giống như giảng dạy ngành nghề khác.

 

Bác sĩ Việt tự “treo giá”, bệnh nhân là hàng hóa

 

Vậy chúng ta phải làm gì để có sinh viên y khoa chất lượng, thưa bác sĩ?

 

+ Với tình trạng này thì hiện tại bệnh nhân đang trở thành hàng hóa. Bác sĩ cũng đang biến mình thành loại hàng hóa. Bác sĩ tự “treo giá” và bên phía tìm kiếm nguồn lực nhân sự chuyên môn cũng đang đau đầu về việc lập giá để tuyển nhân sự, nhất là ở bệnh viện, phòng khám tư nhân. Tay nghề bác sĩ và chính sách để có nguồn nhân lực chuyên môn của chúng ta hiện tại đang có chênh nhau rất nhiều so với thế giới.

 

Mặt khác, thực trạng sinh viên y khoa đông, thiếu thầy hướng dẫn lâm sàng. Thầy phải chịu áp lực quá nhiều công việc công và tư, thời gian dành cho sinh viên không nhiều, thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng. Sự giúp đỡ của nhà trường và thầy đối với sinh viên còn hạn chế, không đủ năng lực trực tiếp chỉ dạy, do đó chất lượng thấp là điều dể hiểu.
 
Do vậy, Nhà nước cần thông thoáng hơn, cho phép mở trường y khoa hoặc khoa y với điều kiện cao hơn: Mức đầu tư/sinh viên phải cao (hiện nay chi phí đào tạo cho một sinh viên y khoa là 36 triệu đồng đồng/năm, so với nước ngoài trung bình từ 30.000 đến 80.000 USD/năm), hợp tác quốc tế trong đầu tư, liên kết đào tạo y khoa, thay đổi chương trình dạy y khoa, tạo chủ động cho sinh viên hơn, tránh học từ chương, chấp nhận chương trình giảng dạy ở các nước tiên tiến như Hoa Kỳ chẳng hạn. Không cần phải nghiên cứu thêm gì khác vì người ta đã thành công hàng trăm năm rồi. Nên chấp nhận quan điểm “muốn có bác sĩ chất lượng cao thì giá phải đắt”, đã trả giá đắt rồi thì người bệnh được trả giá thấp hơn, xã hội sẽ tiết kiệm được nhiều hơn từ y tế.
 

Theo bác sĩ thì có nên thay đổi cách chọn đối tượng vào ngành y không hay vẫn cứ thi ĐH từ học sinh phổ thông?

 

+ Cần thay đổi chứ! Hiện tại chúng ta có 14 trường ĐH y khoa công lập và có một số khoa y của trường ĐH tư thục đang hoạt động là tương đối ổn nhưng cũng có thể mở một vài trường y nữa với chất lượng cao. Vấn đề là chúng ta phải “tập thay đổi chương trình và phương pháp giảng dạy”. Thí dụ nên tuyển đầu vào là cử nhân ĐH Khoa học Tự nhiên hoặc ĐH Tổng hợp hoặc những trường ĐH có những môn học phù hợp để sinh viên có thể thi vào trường y khoa. Chúng ta có nhiều chương trình đào tạo sinh viên y khoa như đào tạo sáu năm, tám năm (bốn cử nhân khoa học + bốn năm y khoa) chẳng hạn.

 

Sinh viên y khoa ĐH vừa đông về lượng nhưng thiếu về chất, học sinh y khoa trung cấp, sơ cấp đang đào đạo ở mức độ “báo động thừa”, vấn đề này ông nghĩ thế nào?

 

+ Hiện tại nguồn nhân lực y tế trung cấp, sơ cấp cung vượt cầu là do các nhà đầu tư không có định hướng đầu tư, không nghiên cứu về chất lượng đào tạo như thế nào thì sự đào tạo của mình mới được xã hội chấp nhận. Do đó đã đến lúc các nhà đầu tư trường y khoa ở các cấp nên nhìn nhận lại vấn đề “đào tạo người thầy thuốc không bao giờ giống với đào tạo ngành nghề khác”, không thể giống nhau, cào bằng được!

 

Xin cảm ơn bác sĩ.

   
Con đường để trở thành một bác sĩ ở Anh rất chông gai. Đầu tiên, sinh viên phải thi vào học kiến thức y khoa ở trường y trực thuộc một trường ĐH và thực hành khám, chữa bệnh ở bệnh viện. Thời gian này kéo dài sáu năm.
 

Tiếp theo là hai năm theo đuổi chương trình nền, nghiên cứu, thẩm tra năng lực mình ở nhiều chuyên ngành khác nhau để chọn ra một chuyên ngành mình sẽ theo đuổi. Mọi sinh viên y khoa đều phải trải qua giai đoạn này trước khi bước vào giai đoạn đào tạo chuyên ngành với thời gian 3-6 năm tùy chuyên ngành.

 

Tại Nhật, đầu vào được chọn dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học và điểm thi đầu vào của trường ĐH mà trường y là một khoa. Thời gian đào tạo là sáu năm, bốn năm đầu học lý thuyết trong trường, hai năm cuối thực hành tại bệnh viện của chính trường ĐH đó. Hoàn thành sáu năm, sinh viên phải thi lấy giấy phép hành nghề bác sĩ, nếu đậu phải đăng ký hồ sơ tại Bộ Y tế trước khi hành nghề.

 

Singapore: Trường y Duke-NUS là sự hợp tác giữa ĐH Duke (Mỹ) và ĐH Quốc gia Singapore. Quy trình tuyển chọn sinh viên y khoa đầu vào của Duke-NUS cũng giống ở Mỹ, mọi sinh viên muốn vào học phải đạt một bằng cử nhân trước đó. Vì vậy, hầu hết độ tuổi sinh viên đầu vào là 24. Quá trình đào tạo bác sĩ ở Duke-NUS kéo dài bốn năm theo chương trình giảng dạy của Trường y Duke thuộc ĐH Duke.

Điểm chuẩn kỳ thi MCAT để chọn đầu vào khá cao, tùy theo năm. Năm 2011 là 33 điểm. Ngoài điểm MCAT, các tiêu chuẩn khác để Trường Duke-NUS đánh giá chọn sinh viên là quá trình học tập trước đó, kinh nghiệm hoạt động vì cộng đồng, kinh nghiệm nghiên cứu, độ chín chắn về xã hội.

 

 Theo Duy Tính

Pháp luật TPHCM