Đào tạo nghề: Bao giờ mới quy về một mối?

(Dân trí) - Xu thế tăng nhanh các cơ sở dạy nghề (1.700 cơ sở), chất lượng đào tạo cũng được nâng cao hơn trước... Thế nhưng, theo một số chuyên gia về giáo dục - dạy nghề, hoạt động dạy nghề hiện nay còn phát triển theo phong trào chứ chưa đi vào hệ thống bài bản.

Theo các chuyên gia sở dĩ hoạt động dạy nghề chưa đi vào hệ thống đầu tiên là do mặt quản lý. Cùng một chức năng là đào tạo nghề nhưng lại phân ra thành 2 cấp rõ rệt: Bộ GD-ĐT thì quản lý khối dạy nghề trung học chuyên nghiệp, còn Bộ LĐ-TB-XH lại quản lý phần đào tạo nghề hệ công nhân kỹ thuật và hệ ngắn hạn. Vì vậy, hoạt động dạy nghề chưa thể phát triển được một cách toàn diện cả chiều rộng lẫn chiều sâu do bị phân tán về quản lý.

 

Thứ hai, giữa việc đào tạo và sử dụng vẫn còn khoảng cách quá xa. Nhiều doanh nghiệp than phiền về chất lượng đào tạo công nhân kỹ thuật và đưa đi đào tạo lại theo yêu cầu sản xuất. Cũng do cung – cầu chưa có tiếng nói chung. Điều này đã làm lãng phí cho xã hội không phải nhỏ. Thêm vào đó, công tác dự báo nhu cầu về chỉ tiêu để các trường nghề lấy đó làm cơ sở cho kế hoạch đào tạo cũng không chính xác, nếu có chăng nữa chỉ là số liệu “ảo”...

 

Hiện, đề án xã hội hóa dạy nghề đến năm 2010 của Bộ LĐ-TB-XH đã được khởi động. Điều này đã tạo nhiều cơ hội cho các cá nhân, tổ chức bên ngoài tham gia vào lãnh vực dạy nghề, tạo thêm sự cạnh tranh quyết liệt. Theo các chuyên gia về giáo dục - dạy nghề, việc chưa chú trọng thành lập một tổ chức chuyên về quản lý nguồn nhân lực để “quy về một mối” (thực hiện công tác dự báo nhu cầu, chỉ tiêu)... thì trong tương lai, việc quản lý hoạt động dạy nghề sẽ còn khó khăn và lúng túng.

 

Mai Minh