Đào tạo nhân tài đừng chỉ dựa vào mỗi ngành giáo dục

(Dân trí) - Trong những năm gần đây, xu hướng du học nước ngoài phát triển rất mạnh, theo quan điểm của tôi, ngoài học tập về tri thức với sự hỗ trợ từ các trang thiết bị tiên tiến, thì các em được đào tạo ở nước ngoài sẽ có điều kiện để trải nghiệm trong môi trường lý thuyết đi đôi với thực hành.

Đào tạo nhân tài đừng chỉ dựa vào mỗi ngành giáo dục

Sinh viên của một trường ĐH tại Hà Nội chia sẻ cảm nhận về giai đoạn thực tập một năm tại doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, học tập ở nước ngoài chưa hẳn là sự chọn lựa tốt nhất cho con em mình, bởi những gì các em được học đa số chỉ có thể áp dụng ở các nước phát triển, còn kiến thức các em được học chưa chắc có thể áp dụng tốt ở thực tế Việt Nam. Từ đó, thế mạnh của các em bị mài mòn, sự thất vọng của các em càng lớn hơn khi không có môi trường để phát huy thế mạnh đó. Đây là nguyên nhân mà nhiều em đã chọn lựa ở lại nước ngoài hoặc tiếp tục tìm cách quay lại môi trường nước ngoài để làm việc và sinh sống.

Có một câu hỏi đặt ra: Các doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm nhân tài, nhưng bản thân các doanh nghiệp đã chịu đầu tư để có được nhân tài chưa? Hay nghĩ đó là chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục, của gia đình hoặc cho rằng nhân tài đương nhiên từ trên trời rơi xuống?

Theo tôi, nguồn nhân tài không chỉ tìm kiếm được ở trường đại học mà chính là từ các doanh nghiệp. Với những sự hạn chế đến từ nhiều phía như hiện nay, nhiều bạn học sinh, sinh viên chưa thể phát hiện ra khả năng tiềm ẩn của mình khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Vì thế, một trong số các lý do là khi đi làm,các em mới nhận ra và biết cách khai thác khả năng của mình để phát triển.

Một vị phó tổng giám đốc cấp cao trong ngành hàng tiêu dùng nhanh chia sẻ với tôi rằng: Quyết định chọn một sinh viên mới ra trường làm vị trí quản lý trong thời gian 6 tháng thay cho những ứng cử viên có kinh nghiệm khác là một trong số các quyết định hết sức sáng suốt của anh. Đến anh cũng ngỡ ngàng khi kết quả làm việc ngay từ hai tháng đầu tiên của em này chẳng khác nào một người quản lý với kinh nghiệm 10 năm. Lý do là em đã tích lũy được nhiều kinh nghiệmlàm việc khi tham gia công tác đoàn đội vàđi làm thêm từ hồi sinh viên. Nhưng liệu có được bao nhiêu người, bao nhiêu doanh nghiêp chấp nhận rủi ro như vậy để trao cơ hội cho các bạn sinh viên mới ra trường?

Em Mai Thy, sinh viên trường đại học Ngoại Thương TP.HCM,hai năm liền tham gia và đạt giải cao trong cuộc thi Dynamic - Sinh viên nhà doanh nghiệp tương lai cho biết: “Hai tháng thực tập tại công ty Suntory PepsiCo Việt Nam, đơn vị đồng hành cùng cuộc thi suốt 11 năm liên tiếp, được trải nghiệm với môi trường thực tế đã giúp ích cho em rất nhiều. Ngoài ra, những kinh nghiệm do các anh chị cấp quản lý chia sẻ, tinh thần và môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệpở công ty đã giúp cho em suy nghĩ rộng hơn, có kế hoạch hơn. Em đã bắt đầu biết định hướng cho công việc, và tìm ra thế mạnh cũng như sự yêu thích của mình”. Duy Bằng sinh viên năm thứ tư trường đại học Cần Thơ cũng là một trong 4 thí sinh xuất sắc nhất Dynamic 2013 và cũng có cơ hội thực tập tại Chi nhánh Cần Thơ của công ty này, chia sẻ: “Qua hai tháng thực tập, em mới thực sự hiểu được đi làm là như thế nào. Đối với em đây là một trải nghiệm thú vị và rất quý báu vì em đã được thể hiện thế mạnh của minh góp phần đóng góplàm cho công ty thành công hơn”.

Ngoài những sân chơi nhằm phát triển tài năng và hoạt động thực tế tại doanh nghiệp như nêu ở trên, cũng có nhiều cách khác nhằm giúp đỡ các sinh viên có thể rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và môi trường làm việc thực tế như các chương trình thực tập tại các doanh nghiệp hay những buổi chia sẻ kinh nghiệm làm việc và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên từ lãnh đạo các doanh nghiệp hay các doanh nhân thành đạt. Có thể kể như: Chương trình Career Builder Day được tổ chức thời gian gần đây đã thu hút hàng ngàn các bạn sinh viên tham gia.

Hiện ở Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp sẵn lòng và mạnh tay đầu tư cho các em sinh viên khi các em vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường và trao cho các em cơ hội được cọ xát? Với câu hỏi này, mong rằng các doanh nghiệp đừng đứng ngoài cuộc hoặc trông chờ vào ngành giáo dục để có được nguồn nhân lực chất lượng. Muốn có nhân tài, doanh nghiệp hãy chấp nhận đầu tư.

Có được như vậy, sinh viên Việt Nam hẳn chắc sẽ không thua kém các sinh viên quốc tế khi có điều kiện môi trường làm việc thực tế để tự phát hiện, khám phá và nuôi dưỡng khả năng của bản thân. Mong rằng, con số hơn 60% các em sinh viên ra trường không tìm được việc làm phù hợp hoặc không có việc làm trong vòng 1 đến 2 năm đầu sau khi ra trường (theo một số liệu thống kê gần đây) sẽ được cải thiện đáng kể trong một tương lai không xa nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa của các doanh nghiệp đối với ngành giáo dục và thế hệ trẻ - tương lai của đất nước mai sau.

Thu Hà