Đào tạo sau Đại học: Lượng đổi, chất không đổi!

Việc sử dụng tài liệu trong phòng thi, quay cóp, thi hộ... ngày càng phổ biến và đáng ngại hơn là đang có xu hướng được xem là... bình thường. Kể lại về kỳ thi tuyển sinh cao học 2005 mới đây, nhiều sĩ tử không nén nổi sự bức xúc.

“Chào em, thi cử thế nào?” - “Chán lắm anh ạ, thất vọng kinh khủng”. Đó là câu mở đầu cho một đoạn hội thoại ngắn mà tôi nghe được vào đầu giờ làm việc sau đợt thi thứ hai của kỳ thi tuyển sinh cao học 2005.

 

Tiếp đó là một tràng những bức xúc về sự lơi lỏng kỷ luật phòng thi, về sự thiếu nghiêm túc của phần đông thí sinh...

 

Lâu nay, báo chí đã nói nhiều đến sự sụt giảm của chất lượng đào tạo cao học. Bản thân tác giả cũng là một thạc sĩ đã trải nghiệm quá trình đào tạo đó, đúng là có rất nhiều chuyện cần phải xem xét...

 

Bát nháo đầu vào

 

Dư luận ngày càng quan ngại về kỷ luật phòng thi, về tính nghiêm túc của các kỳ thi tuyển. Buồn thay mối quan ngại đó không loại trừ thi tuyển học viên cao học (thậm chí cả nghiên cứu sinh). 

 

Ở nhiều phòng thi, giám thị dường như đã thỏa hiệp hay cảm thông với thí sinh khi để họ ngang nhiên sử dụng tài liệu, chỉ nhắc nhở chiếu lệ trước khi có thanh tra đi kiểm tra (có tác dụng báo động thì đúng hơn) hay lúc gần hết giờ. Thậm chí ở môn thi Anh văn (môn điều kiện) giám thị còn “lưu ý” anh chị em bảo nhau làm bài, người biết giúp đỡ người khác, đừng sử dụng tài liệu lộn xộn quá để thanh tra bắt mà phiền.

 

Tình trạng đó đã vô hình trung đẩy những người học hành tử tế, đi thi với thái độ nghiêm túc vào thế bất lợi và khiến họ cảm thấy uất ức vì bất công. Báo chí đưa tin sau đợt thi tuyển sinh cao học thứ hai của năm 2005 có tới 230 trường hợp vi phạm bị xử lý. Đây chắc chắn mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

 

Không chỉ thiếu nghiêm túc trong phòng thi, nhiều vụ gian lận thi cử đã bị phanh phui trong thời gian qua (chạy đầu vào, thi hộ...) đang minh chứng cho một thực trạng hết sức đáng báo động. Tôi được biết có một số cơ sở đào tạo còn cho học viên “nợ đầu vào”, nghĩa là cứ đi học rồi khi có điều kiện sẽ được thi đầu vào sau. Thật đúng là không thể tưởng tượng nổi!

Rốt cuộc là sau 2-3 năm học, hao tổn không ít về thời gian, tiền bạc (của cá nhân cũng như xã hội) nhưng lợi ích mang lại (cho cá nhân cũng như xã hội) quá thấp. Đơn cử đối với khối kinh tế, tính trung bình sau khi kết thúc một khóa đào tạo thạc sĩ một cá nhân (và cả cơ quan cử cá nhân đó đi học nữa) phải bỏ ra khoảng 20-25 triệu đồng, tương ứng Nhà nước cũng mất chừng đó cho một chỉ tiêu đào tạo. Mỗi năm cả nước có hàng ngàn thạc sĩ tốt nghiệp, vị chi cả xã hội đã tiêu tốn tới hàng trăm tỉ đồng. Liệu rằng đó có phải là một sự đánh đổi hiệu quả?

Nghiên cứu phất phơ

 

Sau kỳ thi tuyển như đã đề cập ở trên, các học viên “vàng thau lẫn lộn” bắt đầu bắt tay vào sự học mà ở bậc sau đại học được gọi một cách mỹ miều là “nghiên cứu”. Gọi thì vậy nhưng thực tế cũng không khác gì nhiều về chất so với việc học ở bậc đại học, vẫn những môn học cũ, cách thức truyền thụ và tiếp nhận kiến thức cũ, có khác chăng là người học ít thời gian học hơn và dường như... lười hơn.

 

Một đặc điểm nổi bật của đào tạo sau đại học hiện nay là phần lớn học viên theo học ngoài giờ hành chính (buổi tối hoặc thứ bảy, chủ nhật). Cá biệt có lớp học hoàn toàn vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Không hiểu với khoảng thời gian bị “ép” đó thì việc tiếp nhận kiến thức của học viên sẽ như thế nào. Mặt khác, phần đông học viên cao học là cán bộ tại chức, sau thời gian làm việc căng thẳng, bận rộn ở nhiệm sở thì việc họ cố gắng để có mặt đều ở lớp đã là rất... đáng quí rồi.

 

Có lẽ cũng từ suy nghĩ đó mà nhìn chung học viên thường nhận được sự cảm thông của văn phòng khoa (cán bộ quản sinh) cũng như từ chính giảng viên. Việc có mặt không thường xuyên của một số học viên được mặc nhiên thừa nhận, trong lớp học viên học như thế nào cũng không được quan tâm. Bài thầy, thầy cứ giảng, trò làm gì mặc trò... Đó là chưa kể đến chuyện học hộ, điểm danh hộ... và nhiều nhiều cái “hộ” nữa mà có kể cũng chẳng hết.

 

Phương pháp truyền thụ và tiếp nhận kiến thức “vũ như cẩn”, tức phổ biến vẫn là “thầy đọc, trò chép”, còn “chép” để làm gì thì bất biết! Thảo luận, thuyết trình, viết luận... là chuyện hiếm: việc học viên tự học, tự nghiên cứu thêm các tài liệu tham khảo có vẻ như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Còn thi ư? Quay cóp, làm bài tập thể... sinh viên có “trò” gì thì học viên cao học cũng có “chiêu” đó và kết cục là “ai cũng qua cả”, chính xác hơn là “học hay không thì điểm cũng cao như nhau”. Đó là chưa kể đến những tiêu cực ngầm trong thi cử như chạy điểm, thi hộ... mà báo chí đã đề cập nhiều.

 

Đầu ra... quá dễ

 

Có người nói đùa đã học cao học là chắc chắn thành thạc sĩ. Đùa mà thật vì quả thật rất ít có ai sau 2-3 năm học cao học mà không được nhận bằng thạc sĩ cả. Có chăng là chậm 1-2 năm do chưa thu xếp được thời gian để làm luận văn tốt nghiệp. Không những thế, kết quả bảo vệ luận văn thường rất cao, nhất là đối với khối xã hội, dưới 9 điểm là hiếm, 9,5 là bình thường, trên 9,5 vô khối, còn 10 thì cũng không ít. Hình như ai cũng ngại và thấy áy náy nếu cho điểm thấp(?).

 

Việc đánh giá luận văn thạc sĩ phần nhiều mang tính hình thức, chiếu lệ. Hội đồng được thành lập trước buổi bảo vệ thường chỉ 2-3 tuần, thường thì một hội đồng không chỉ đánh giá cho một luận văn. Phần lớn các thầy trong hội đồng là những người rất bận rộn về chuyên môn cũng như công tác quản lý. Như vậy liệu rằng các luận văn có được thẩm định, đánh giá một cách kỹ lưỡng?

 

Qui mô, chỉ tiêu đào tạo không ngừng mở rộng, tỉ lệ tốt nghiệp 100% là lý do dẫn tới hiện tượng “lạm phát thạc sĩ” trong những năm gần đây. Thử hỏi trong số hàng ngàn thạc sĩ được công nhận mỗi năm có bao nhiêu người có những đóng góp thật sự cho nền khoa học nước nhà cả trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn?

 

Đại đa số các đề tài luận văn thạc sĩ khối xã hội có giá trị ứng dụng rất thấp, phần lớn được bảo vệ xong là đưa vào lưu trữ, may ra thì có giá trị tham khảo cho các lớp kế sau... Đại đa số học viên sau 2-3 năm học nhận bằng thạc sĩ chỉ để cho oai, cái danh xưng MA được thêm vào (ngày càng nhiều) trước các tên riêng hầu như chẳng gắn với một mức ý nghĩa nào.

 

Giáo dục VN hiện nay đúng là một chủ đề “hot”. Có quá nhiều vấn đề bức xúc. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc với “phao” thi tràn ngập một lần nữa lại gióng thêm một hồi chuông về những bất cập trong việc thi cử hiện nay. Làm thế nào để “người trẻ” đừng đánh mất niềm tin, không phải cảm thấy thất vọng và hụt hẫng về chất lượng giáo dục nói chung cũng như chất lượng giáo dục sau đại học nói riêng? Trách nhiệm không chỉ thuộc về những nhà quản lý giáo dục mà hơn nữa là trách nhiệm của toàn xã hội.

 

Th.s Lê Hoàng Tùng (Hà Nội)

Tuổi Trẻ