Dắt con “chạy” trên “cánh đồng chữ”

(Dân trí) - Chúng tôi về Hà Nam, một vùng quê nghèo quanh năm chiêm trũng và tình cờ gặp cô. Đó là người phụ nữ một mình nuôi 5 người con ăn học thành tài, 1 người tốt nghiệp CĐ, 4 người tốt nghiệp ĐH (trong đó 1 người có bằng thạc sỹ).

Cô là cô giáo Hà Thị Loan, thôn Đồng Quê, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, Hà Nam.

 

Cơ cực thưở hàn vi

 

Cô đón tôi trong sự hồ hởi của một vị chủ nhà mến khách. Nhấp chén trà tam thất cô pha dành riêng cho “khách quý”, tôi đủ tinh tế để nhận ra sự chu đáo và cẩn thận của một người giáo viên đã nghỉ hưu 17 năm nay. Sự đon đả, thân thiện và những bước chân nhanh nhẹn khiến tôi hoài nghi về độ tuổi 68 của cô. Trong căn nhà 2 tầng nằm sát cánh đồng, chúng tôi nhắc về quá khứ.

 

Mồ côi cha khi lên 9 tuổi, cô bé Loan khôn lớn từ sự lam lũ của người mẹ và theo đuổi con chữ bởi ước mơ trở thành cô giáo. Lấy chồng khi mới học... lớp 6. Tập tẹ làm vợ nhưng không chểnh mảng việc học hành Loan vẫn cắp sách đến trường, vẫn “nổi đình nổi đám” về sự thông minh và kết quả học tập cao. Lên lớp 9, sinh hạ cô con gái đầu lòng, chồng lại đi công tác xa tận Tây Bắc, người mẹ trẻ vẫn quyết không từ bỏ con đường đến lớp. Tốt nghiệp lớp 10 (lớp 12 bây giờ) cô học trò đầy hoài bão ấy thi vào trường 10+1 (hệ Cao đẳng bây giờ).

 

Chập chững làm mẹ, cô sinh viên nhỏ nhắn ngày ấy vẫn tốt nghiệp loại ưu và trở về quê hương Hà Nam dạy học ở trường Ngô Khê (nay là trường THCS Bình Nghĩa, Bình Lục). Được 2 năm, cô kết nạp Đảng và trở thành hiệu phó. Niềm vui nhân lên, gánh nặng nhiều hơn trên vai người phụ nữ khi đứa con thứ 2 chào đời.

 

Đến năm 1968 cô chuyến sang dạy ở trường THCS Bồ Đề, năm 1969 được cử đi học nâng cao ở Đại học Sư phạm Hà Nội II nhưng dang dở vì... cậu nhóc thứ 3 đạp bụng mẹ đòi ra. Vất vả và khó khăn vô cùng nhưng với dự định “tặng” chồng một “tiểu đội nhí” nên năm 1970 cậu con trai thứ tư cất tiếng khóc và 2 năm sau cô con gái út chào đời. Năm đó cô chuyển về trường THCS Vũ Bản để tiện chăm sóc mẹ già, chồng và 5 đứa con thơ.

 

Chồng cô tham gia vào kháng chiến chống Mỹ, trở về năm 1969 với nhiều thương tích, năm 1976 ra đi vĩnh viễn bởi căn bệnh ung thư quái ác. Chặng đường hơn 20 năm lặng lẽ một mình nuôi con, tưởng như hạnh phúc đón chào cô khi hoà bình đến nhưng sự ra đi của người chồng làm cho đôi vai cô càng nặng trĩu những lo toan.

 

Cô kể rằng, trong căn nhà lá nhỏ khá chật chội cho 7 con người, cơm không đủ no, mặc không đủ ấm. Người mẹ thấm dòng nước mắt lỡ rơi trên gò má nhăn nheo nhắc về những bữa ăn toàn rau má, những hạt gạo mốc, những bát cháo từ hạt cỏ lồng vực mót ngoài sân vận động của HTX... những gương mặt búng ra sữa cứ tấm tắt khen ngon. Mọi sinh hoạt trong gia đình tiết kiệm tới mức tối thiểu, cái bát vỡ đôi không nỡ vứt đi, cái quần cái áo vá chằng vá đụp mà các con mặc chung chạ đến trường, đứa sáng đứa chiều.

 

“Trời không phụ lòng người em ạ”, cô nuốt nước mắt nở một nụ cười nhẹ nhàng rồi... cô lại khóc! Nhưng giọt nước mắt ấy không có tủi cực mà chan chứa hạnh phúc, nó đủ sức làm tan chảy những nếp nhăn gợn như sóng biển trên khuôn mặt cô. Cô tiếp: “Và phần thưởng cho những ngày gian khó ấy chính là những đứa con ngoan lần lượt bước và đại học...

 

Nhọc nhằn “ươm” con chữ

 

Nhắc đến tên cô giáo Loan, người dân trong xã đều tấm tắc khen ngợi hết lời về một người phụ nữ đã hy sinh cả một đời cho tương lai của các con. Ông Vũ Quang Định - Hội trưởng Hội Khuyến học thôn Đồng Quê rất tự hào nói: “Gia đình cô Loan đã được công nhận là gia đình văn hoá, gia đình hiếu học suốt nhiều năm qua. Trong những buổi sinh hoạt hội, chúng tôi đều nhắc nhở các con cháu lấy đó là tấm gương để học tập và noi theo. Cô Loan quả là một người phụ nữ nghị lực hiếm có. Sự thành công của các con cô hôm nay thật là một món quà xứng đáng”.

 

Có lẽ bây giờ cô là người hạnh phúc nhất vì các con của cô đã chẳng phụ sự kì vọng của mẹ. Trần Thị Thanh Phương, Trần Thu Hương đều theo nghề của mẹ; Trần Minh Tuấn là bác sỹ, Trần Quốc Trung là công an, Trần Quốc Thịnh là kĩ sư. Cả 5 người con đều đã phấn đấu trở thành đảng viên, người trở về phục vụ địa phương, người đi các vùng miền khác.

 

Trò chuyện với tôi, Trần Minh Tuấn tâm sự: “Mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần cho anh em tôi. Ngày đó và cho đến bây giờ mỗi khi có đứa con nào vấp ngã bà đều nhắc một câu cửa miệng “dũng cảm lên con!”. Chính sự động viên của mẹ đã giúp anh em tôi mạnh mẽ và quyết tâm theo học đến cùng”.

 

Những tháng ngày lăn lộn với nghèo đói để nuôi con ăn học quả thật chẳng dễ dàng gì vì mẹ cô ngày càng già, các con còn nhỏ dại, con gái lớn chỉ mới 15 tuổi. Nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền và cái nghèo đói không đủ sức quật ngã khát khao cho con đến trường. Quyết định không thể dùng nước mắt hứng mọi nỗi đau, người góa phụ trẻ gạt đi khó khăn, quên vành tang trắng và cương quyết: “Đói cơm, đói gạo nhưng không thể đói chữ, đói văn hoá được”.

 

Cô cầm ra một tập sổ nhỏ, với những dòng ghi chép nhoè mực, nhuốm màu thời gian, rồi cô tâm sự: Một tuần sau khi chồng mất, tôi triệu tập một cuộc họp gia đình, tặng mỗi đứa con một cuốn sổ nhỏ này và đặt ra một lệnh “bất di bất dịch” ngoài bìa: “Không bao giờ được bỏ học!”. 5 cuốn sổ được người mẹ thức suốt đêm khâu vội vã, trang đầu ghi lời bố dặn, trang thứ 2 với dòng chữ: “Thương bố con nguyện làm theo”, trang tiếp theo là nhiệm vụ của từng con, cuối sổ là tự đánh giá ưu, nhược điểm và kết quả học tập trên lớp. Ở mỗi góc học tập cô đều ghi tặng các con khẩu hiệu: “Khổ luyện thành tài. Miệt mài học giỏi”.

 

Trên bức tường đất ngày ấy còn được cắm 5 lá cờ với đủ màu sắc ứng với các bậc hạnh kiểm. Màu đỏ - loại tốt, màu vàng - loại khá, màu xanh - loại trung bình, màu trắng - loại yếu... Và cứ cuối tuần sẽ là một buổi sinh hoạt để xét khen thưởng. Phần thưởng cho mỗi điểm 10 là một quả trứng gà, rồi khi những đứa trẻ liên tục được 10 điểm, gà đẻ không kịp thưởng thì những đồ dùng thiết yếu như dũa đánh răng, khăn mặt... cũng được trao giải công bằng.

 

Cô giáo Hà Thị Loan dành thời gian cho lớp học “đặc biệt” tại gia này không nhiều, cô đặt vấn đề tự học lên hàng đầu, giao nhiệm vụ cho các con tự kèm nhau, đứa lớn dạy đứa bé. Thế là trong khi các đứa trẻ khác cùng làng đua nhau ra đồng bắt cua mò ốc thì các con cô lại đua nhau học, đua nhau tranh tài. Thầy Nguyễn Văn Tĩnh (đồng nghiệp của cô) kinh ngạc trò chuyện: “Tôi tưởng cô ấy có một cục vàng, hàng ngày cắt dần ra nuôi con ăn học cơ đấy”.

 

Tôi hỏi cô bí quyết để một người phụ nữ nhỏ bé với nhiều sóng gió trong cuộc đời có thể nuôi dạy được nhiều nhân tài đến vậy cô nhẹ nhàng: “Tôi tin ở con tôi nhưng chưa bao giờ đòi hỏi quá cao ở chúng. Đừng tạo áp lực mà hãy khích lệ bọn trẻ, đó là bí quyết thành công của bậc làm cha làm mẹ nhất là khi kì thi sắp đến”.

 

Chúng tôi chào cô trong cái bắt tay ấm áp và nhận lại từ cô một  nụ cười mãn nguyện giống như một người mẹ trẻ vừa sinh hạ cậu con trai đầu lòng trong niềm hân hoan quên mệt mỏi...  

 

Hà Vân