Đạt điểm cao môn Địa, cách nào?

(Dân trí) - Trong những môn xã hội, môn Địa lý thí sinh thường ít có điểm cao do cách hiểu đề và cách làm bài của thí sinh chưa được chú ý. Dưới đây là lời khuyên của GS.TS Lê Thông, Chủ tịch Hội đồng bộ môn Địa lý Bộ GD&ĐT, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội I.

Môn Địa giống như các môn tự nhiên khác là có đáp án bài thi rất chi tiết.  Mỗi câu hỏi thường chia làm 4 ý, mỗi ý thường có nhiều gạch đầu dòng.  Do đó, nên coi môn Địa lý tương tự như môn toán vì Địa lý không có trọng tâm mà phải học toàn bộ chương trình.

 

Lý thuyết: Đề thi năm nay sẽ khác với mọi năm vì có phần thí điểm phân ban và có 4 dạng câu hỏi chính:

 

- Câu hỏi giải thích: Bất kỳ kiến thức nào trong SKG đều đặt câu hỏi tại sao?

- Câu hỏi so sánh: Những đối tượng địa lý, VD: so sánh 2 vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước ta Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, các ngành với nhau...

- Câu hỏi chứng minh.

- Trình bày và phân tích: Đây là dạng thuộc bài để học sinh học trung bình có thể có điểm.

 

Phần thực hành: Trong chương trình học đã giới thiệu rất nhiều các mô hình như phân tích số liệu, vẽ biểu đồ dựa trên số liệu đã chọn, nhận xét biểu đồ... tập trung ở các đề thi nhiều nhất trong 3 năm trở lại đây và những câu hỏi này thường chiếm từ 3 - 3,5 điểm.

 

Khi vẽ biểu đồ các thí sinh cần lưu ý: Nên hỏi gì trả lời đó. Với vẽ bản đồ, có 3 bước: 1. chọn dạng biểu đồ; 2. xem xét bảng số liệu có phải xử lý hay không vì thường đề hay cho số liệu thô; 3. vẽ: phải chính xác và có chú giải vì nếu không có thí sinh sẽ mất 0,25 điểm.

 

Hiện nay, nhiều thí sinh làm bài Địa thường mắc phải nhược điểm là “ông nói gà, bà nói vịt”. VD câu hỏi năm trước: Chứng minh rằng, dân số ở đồng bằng Sông Hồng phân bố không đồng đều và có sự phân bố giữa các địa phương trong vùng? Yêu cầu của câu hỏi là chứng minh, cần có số liệu của các tỉnh... thì thí sinh lại không làm thế. Trong khi đó lại đi làm hậu quả của sự gia tăng dân số, rồi các giải pháp. Do vậy thí sinh khi làm bài phải đọc kỹ câu hỏi.

 

Khi nhận đề thi, thí sinh nên làm:

 

Phần lý thuyết: Đề thi thường có 3 câu hỏi lớn, trong những câu hỏi lớn thường có 2 câu hỏi nhỏ và trong câu hỏi nhỏ thường có  nhiều ý.

 

Phần thực hành: Thường có câu a là vẽ, câu b là nhận xét.

 

Tóm lại: Đề thi thường có có 6 câu hỏi nhỏ, trong 3 câu hỏi lớn vì vậy thí sinh phải phân bố thời gian để hợp lý làm các câu hỏi. Đặc điểm của môn địa lý là chấm theo ý, cứ mỗi gạch đầu dòng là 0,25. Nếu câu hỏi chia điểm thì thí sinh dựa vào đó để phân thời gian còn nếu không chia điểm thì thường câu 1 và 2 chiếm đến 7 điểm vì vậy phải lưu ý.

 

Đối với mỗi câu hỏi, đừng ngại mất thời gian làm đề cương để không bị sót ý. Không nên viết dài vì cách chấm môn Địa lý thường theo ý.

 

Mai Minh - Hồng Hạnh (ghi)

Dòng sự kiện: Tư vấn thi các môn