Đầu tư hàng chục triệu đồng chụp ảnh kỷ yếu để… đăng Facebook

(Dân trí) - Cho rằng bộ ảnh kỷ yếu sẽ lưu giữ thời học sinh trước khi từ giã mái trường, nhiều lớp cuối cấp không ngần ngại đầu tư cả chục triệu đồng để có bộ ảnh đẹp, "độc" và hoành tráng. Các bộ ảnh sau khi đăng tải lên mạng xã hội, tạo “sóng” một thời gian thì nhanh chóng bị chìm vào quên lãng.

Những bức ảnh kỷ yếu được chụp trong lớp học, giúp các em học sinh lưu giữ hình ảnh đẹp về thầy cô, bạn bè
Những bức ảnh kỷ yếu được chụp trong lớp học, giúp các em học sinh lưu giữ hình ảnh đẹp về thầy cô, bạn bè

Chi cả chục triệu đồng để đạt tiêu chí đẹp - độc - lạ

Từ đầu tháng 3, nhiều học sinh lớp 12 ở Nghệ An đã rục rịch cho mùa chụp ảnh kỷ yếu. Kế hoạch chụp ảnh kỷ yếu của lớp em Phạm Trọng Giáp (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An) cũng đã được bàn bạc từ thời điểm sau Tết Nguyên đán. Sau 3 năm gắn bó với nhau, ngoài việc có mong muốn chung với nhau bộ ảnh, các bạn còn có ý định tổ chức một buổi dã ngoại ở bãi biển Bãi Lữ (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) với nhau. Chi phí dự tính mỗi người 800 nghìn đồng, bao gồm cả chụp ảnh, ăn uống, thuê xe cộ…

“800 nghìn là số tiền khá lớn, nhiều bạn về xin nhưng bố mẹ không đồng ý. Sau khi bàn bạc lại, cả lớp thống nhất đóng mỗi người 500 nghìn đồng. Chúng em đã có 1 ngày chơi đùa tưng bừng cùng 1 bộ ảnh “chất” đúng kế hoạch. Đây là dịp để các thành viên trong lớp gắn kết với nhau hơn trước khi chia tay tuổi học trò và quan trọng hơn là khoảnh khắc đẹp đó được lưu giữ trong bộ kỷ yếu của cả lớp”, Giáp cho biết.

Những góc ảnh không cần phải đầu tư quá hoành tráng về ý tưởng, bối cảnh nhưng để lại ấn tượng đẹp cho người xem.
Những góc ảnh không cần phải đầu tư quá hoành tráng về ý tưởng, bối cảnh nhưng để lại ấn tượng đẹp cho người xem.

Theo anh Nguyễn Văn Việt (TP Vinh, Nghệ An) - thợ ảnh chuyên chụp kỷ yếu thì học sinh cuối cấp ngày càng có đòi hỏi cao hơn về bộ kỷ yếu của mình. Bối cảnh chụp kỷ yếu không còn nằm trong trường, lớp nữa mà chuyển hướng “lên rừng, xuống biển”. Các bộ ảnh kỷ yếu phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đẹp - độc - lạ.

“Để đạt tiêu chí đẹp - độc - lạ, nổi bật hơn so với các lớp khác trong trường, các em không tiếc tiền đầu tư, từ việc chọn bối cảnh, thuê trang phục quần áo, đạo cụ, thuê phương tiện đi lại… Nếu tính 450 nghìn/1 học sinh (bao gồm tiền chụp và trang phục, đạo cụ), mỗi lớp 40 em thì tiền chụp kỉ yếu cũng gần 20 triệu đồng rồi”, anh Việt cho biết thêm.

“Các yêu cầu chụp ảnh kỷ yếu ngày càng đa dạng và khắt khe nhưng chúng tôi thường đưa ra các lời khuyên cho các em học sinh để các bộ ảnh có chất lượng tốt, không quá tốn kém, không quá lố hay phản cảm”, anh Nguyễn Văn Việt cho hay.

Không chỉ “lên rừng, xuống biển”, tạo dáng với thác nước, bãi biển hay rừng cây, nhiều học sinh lớp 12 chơi sang, thuê hẳn ê kíp thợ ảnh từ Hà Nội vào để chụp hoặc thuê resort để có bối cảnh “độc” nhất có thể. Các bộ ảnh sau khi đăng tải lên mạng xã hội, tạo “sóng” một thời gian thì nhanh chóng bị chìm vào quên lãng.

Kỷ yếu nên gắn với kỷ niệm trường, lớp

Còn nhớ, năm 2016, bộ ảnh gợi nhớ về thời “quần loe, áo cánh” của học sinh Trường THPT Tân Kỳ 1 (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) cũng nhận được hiệu ứng tốt. Những bức ảnh chụp ở trường, ở cánh đồng quê hương, ở cột mốc số 0 của đường Trường Sơn huyền thoại của các em không chỉ giáo dục tình yêu thầy cô, mái trường mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử và công ơn cha mẹ.

Trên thực tế, các trường không cấm học sinh chụp ảnh kỷ yếu để lưu giữ khoảnh khắc đẹp của thời học sinh. Tuy nhiên, trước những bộ ảnh kỷ yếu được đầu tư cả chục triệu đồng của học sinh, nhiều giáo viên cũng khá “tâm tư”.

Những bức ảnh đậm chất học trò là kỷ niệm đẹp khi các em hồi tưởng lại thời học sinh của mình
Những bức ảnh đậm chất học trò là kỷ niệm đẹp khi các em hồi tưởng lại thời học sinh của mình

“Theo tôi, kỷ yếu nên gắn với kỷ niệm về trường lớp, thầy cô và bạn bè. Một góc lớp, một khoảng sân trường sẽ là một kỷ niệm đẹp của các em trong quãng đời học sinh của mình. Những hình ảnh thân thương đó xuất hiện trong mỗi bức ảnh sẽ giúp các em gợi nhớ về mái trường, về thầy cô, về bè bạn. Đó mới thực sự là những hình ảnh có giá trị khi các em rời xa nơi đã gắn bó với mình 3 năm học”, thầy Lê Văn Quyền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cho biết.

Trường THPT Nam Đàn 2 cũng đã tổ chức buổi nói chuyện với học sinh cuối cấp, phân tích cho các em về những điều nên hay không nên khi chụp ảnh kỷ yếu. Đồng thời, nhà trường cấm tuyệt đối học sinh đi xa hay đến những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ để chụp ảnh kỷ yếu. Trường cũng giao trách nhiệm cụ thể cho giáo viên chủ nhiệm và cán sự lớp trong việc tổ chức chụp ảnh kỷ yếu, tránh việc chụp ảnh tốn kém, không an toàn.

“Sau khi phân tích cụ thể, thấu đáo, chủ trương của trường đã nhận được sự ủng hộ của học sinh, giáo viên chủ nhiệm và cả phụ huynh. Trường cũng hết sức tạo điều kiện cho các lớp khi có nhu cầu chụp ảnh kỷ yếu trong khuôn viên nhà trường nhưng chỉ nên chụp trong ngày nghỉ để không ảnh hưởng đến việc học tập”, thầy Quyền cho biết thêm.

Thầy Nguyễn Viết Cường, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) thì cho rằng, việc học sinh đầu tư cả chục triệu đồng cho 1 bộ kỷ yếu là không phù hợp: “Đây là thời gian ôn tập nước rút, chỉ còn cách kỳ thi THPT quốc gia chưa đầy 2 tháng. Tôi nghĩ các em nên dành thời gian, sức khỏe để tập trung cao độ cho việc ôn tập và hoàn thiện hồ sơ chọn hướng đi cho tương lai sau này của mình. Nếu chụp ảnh kỷ yếu thì nên tổ chức đơn giản, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tiết kiệm được tiền của bố mẹ”.

Hoàng Lam