Dạy bơi cho học sinh: Xóa dần “bơi” trên giấy

(Dân trí) - Nhiều dự án dạy bơi cho học sinh được xem là “nằm trên giấy” lâu nay đang được TPHCM từ từ “lôi” xuống bể bơi để thực hiện hóa. Nhiều dấu hiệu khả quan nhưng vẫn chồng chất các khó khăn.

Nhiều đơn vị “tăng tốc”

Đi đầu trong việc phổ cập bơi lội cho học sinh (HS) phải kể đến Q.Thủ Đức. Sau hai năm thực hiện theo kế hoạch phổ cập bơi lội theo từng khối lớp cuối cấp cho HS lớp 4, 5 và lớp 8, 9 đến nay có 99% HS THCS trên địa bàn quận được phổ cập môn bơi lội. Riêng bậc tiểu học, do đặc thù lứa tuổi nên tỉ lệ còn thấp, nhưng từ khối lớp 3 đến khối lớp 5 cũng đạt tỷ lệ trên 70%. Năm học 2011-2012, Q. Thủ Đức tiếp tục tập trung phổ cập ở bậc tiểu học, phấn đấu có trên 70% HS từ khối lớp 5 xuống khối lớp 2 được học môn bơi.

Dạy bơi cho học sinh: Xóa dần “bơi” trên giấy - 1

Giờ học bơi của HS trường tiểu học Hòa Bình (Q.1, TPHCM).

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức cho hay kết quả này là sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường và các bộ phận liên quan với từng công việc cụ thể. Đặc biệt, nhà trường phải làm tốt công tác vận động tuyên truyền thông cho

Nhắc nhở các trường đẩy mạnh việc dạy bơi cho HS trong năm học này, ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhấn mạnh nếu trường nào không có hồ bơi thì tận dụng hồ bơi của các khu vực xung quanh để HS được học bơi bởi đây không chỉ là kỹ năng sống mà còn là kỹ năng sinh tồn.

phụ huynh HS thấy được mặt lợi ích của việc đưa môn bơi lội vào chương trình học chính khóa.

Được sự hỗ trợ từ UBND quận, năm học này Phòng GD-ĐT Q.1 tiến hành phổ cập bơi lội cho toàn bộ HS lớp 3 trên địa bàn với các phương án thực hiện triệt để. Tất cả HS lớp 3 đều được học bơi miễn phí, có xe đưa đón tận nơi và quận còn đứng trả lương cho giáo viên dạy bơi. Ở huyện Bình Chánh, Phòng Giáo dục cũng đang đẩy mạnh kế hoạch chủ động phối hợp với 5 hồ bơi trên địa bàn, cả hồ bơi ở các khách sạn, công ty để hỗ trợ cho việc dạy bơi cho HS.

Ông Lê Văn Quang - chuyên viên môn Giáo dục thể chất của Sở GD-ĐT TPHCM cho hay môn bơi nằm trong chương trình các môn học tự chọn, tùy từng bậc học, số tiết dao động từ 12-20 tiết/năm. Trước tình hình tai nạn đuối nước ở trẻ em gia tăng, môn bơi lội trong những năm gần đây luôn được ngành GD khuyến khích ưu tiên. Sở GD-ĐT đã tăng cường phối hợp với Liên đoàn thể thao dưới nước TPHCM để phát triển phong trào bơi lội trong học đường và rất được được đơn vị này ủng hộ, tạo điều kiện.

Theo yêu cầu, những trường có hồ bơi bắt buộc tất cả HS phải biết bơi, những trường gần hồ bơi cũng phải khuyến khích HS học bơi. Còn lại, các trường sẽ thực hiện tùy thuộc và điều kiện và kinh phí của mình. Hiện nay, HS 40 trường tiểu học học bơi lội thường xuyên. Ở bậc THCS là 70 trường và THPT là 75 trường.

Vẫn còn nhiều “mảng trắng”

Tuy đã có những chuyển biến tích cực ban đầu nhưng thực tế thì rất nhiều trường học ở TPHCM vẫn đang phải “để trống” môn học này vì điều kiện không thực hiện được. Một số địa bàn chưa hề có hồ bơi nên lãnh đạo trường dù rất ủng hộ nhưng chỉ… để đó, nhiều trường lại ở quá xa hồ bơi nên việc sắp xếp thời gian cũng như phương tiện đưa đón HS gặp nhiều trở ngại.

Trước đây, HS trường THCS Huỳnh Tấn Phát (Q.7) được nhà trưởng tổ chức học bơi tại hồ bơi Đăng Khoa. Từ khi hồ bơi này ngừng hoạt động, nhà trường cũng đành chịu vì các hồ gần trường nhất cũng ở quá xa, trường  không bố trí đưa đón HS được.

Dạy bơi cho học sinh: Xóa dần “bơi” trên giấy - 2

Không chỉ là môn thể thao tốt cho sức khỏe mà bơi lội còn là kỹ năng để sinh tồn.

“Hầu hết hiện nay các trường không có diện tích dành cho việc xây hồ bơi. Dù biết việc dạy bơi cho HS là cần thiết nhưng do việc dạy và học này bị phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài, trường không chủ động được nên… đành chờ. Trường đang có kế hoạch cho các em học bơi lại dù chưa biết tiến hành thế nào”, thầy Trần Văn Hoàng, tổ trưởng tổ Văn Thể Mỹ của trường nói.

Ông Chung Tấn Phong, Tổng thư ký Liên đoàn thể thao dưới nước TPHCM nhận xét, những năm gần đây, việc dạy bơi cho HS tại THCM đã có những bước tiến rất đáng kể khi mà nhiều trường và phụ huynh HS thấy được tầm quan trọng của môn học này. HS đang dần được “xóa mù” môn bơi.

Ông Phong phân tích thuận lợi có nhưng khó khăn cũng không ít khi vẫn còn nhiều “mảng trắng” trong việc dạy bơi cho HS: “Các em phải đi học thêm quá nhiều, lấp kín lịch lấy đâu ra thời gian để học bơi vì tâm lý của PH học văn hóa vẫn là ưu tiên số 1. Bên cạnh đó, vẫn có trường còn ngại gánh trách nhiệm nên còn chưa tạo điều kiện cho HS học bơi”.

Theo ông Phong, những khó khăn này có thể khắc phục bằng công tác truyên truyền, các hồ bơi tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho người học để tạo niềm tin cho nhà trường, phụ huynh. Nan giản nhất là tình trạng quá tải hồ bơi như hiện nay, không thể đáp ứng nổi nhu cầu.

“Hiện nay hồ bơi Yết Kiêu do tôi phụ trách có HS 4 trường đang theo học. Các hồ bơi khác của trung tâm đều “ngập” HS theo học. Nơi thì chưa có hồ bơi, nơi thì quá tải… Muốn phổ cập bơi lội cho HS cần khắc phục tình trạng này”, ông Phong cho hay.

Hoài Nam