Dạy cấp 1 mà đòi tuyển giáo viên tốt nghiệp ĐH?

Khoa Giáo dục Tiểu học của Trường ĐH Sư phạm TPHCM được Bộ GD-ĐT giao hiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học có trình độ ĐH, tham mưu cho cấp trên về đổi mới giáo dục tiểu học, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc đổi mới giáo dục tiểu học.

Thời gian gần đây, các Sở GD-ĐT phía Nam, trong đó có TPHCM đều đặt yêu cầu tuyển giáo viên mới ra trường phải tốt nghiệp ĐH sư phạm hoặc tương đương.

 

Ban đầu, nhiều người đặt câu hỏi, dạy cấp 1 mà đòi tuyển giáo viên tốt nghiệp ĐH thì lấy đâu ra? Hơn nữa, giáo sinh các trường trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm ra trường mỗi năm cả vài trăm người sao không tuyển lại tuyển “tréo ngoe”? Mới nghe cũng có lý. Nhưng, khi được thông tin phản hồi từ các địa phương, các sở giáo dục, mới “té ngửa” ra rằng, đúng là “đổi mới” tư duy.

 

Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp (TPHCM) Lê Thị Tại cho biết, hàng năm số giáo sinh mới ra trường rất đông. Ưu tiên đầu tiên của quận là chọn giáo viên dạy tiểu học đạt chuẩn trình độ từ cao đẳng sư phạm trở lên. Khác với trước đây, giáo sinh trung học sư phạm chỉ cần tốt nghiệp hệ 9+3, 12+1 hoặc 12+2 là đủ tiêu chuẩn dạy tiểu học.

 

Vài năm trở lại đây, theo yêu cầu phát triển chung của ngành, các giáo viên tiểu học diện này phải được bố trí đi học đào tạo nâng chuẩn tương đương trình độ cao đẳng. Dĩ nhiên, địa phương phải cấp kinh phí cho ngành để “chuẩn hóa” số giáo viên này. Tính sơ tiền “học phí” cũng lên đến vài trăm triệu đồng. Nói điều này để khẳng định tính thiết thực của mô hình đào tạo giáo viên tiểu học trình độ ĐH sư phạm mà Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã thực hiện trong 10 năm qua.

 

Có thể thấy, giáo viên (GD) tiểu học được xem là cấp nền tảng trong hệ thống GD phổ thông, do vậy xu hướng và quy mô đào tạo của ngành GD tiểu học ngày càng phát triển và mở rộng. Số lượng thí sinh đăng ký thi tuyển sinh vào hệ chính quy tập trung ngày càng cao (tỉ lệ chọi tương đương, thậm chí có lúc hơn những khoa lớn trong trường).

 

Một trong những nét đặc thù của khoa là SV phải học rất nhiều môn thuộc các ngành khác nhau: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa… Thực tập giảng dạy cũng trên chín môn học chính trong chương trình tiểu học: Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên - Xã hội, Đạo đức, Mỹ thuật, Lao động - Kỹ thuật…

 

Trong quá trình đào tạo, khoa đã quan tâm đúng mức cho việc dạy nghề, nhất là đối với SV hệ chính quy, để người học đáp ứng được yêu cầu của chuẩn kỹ năng sư phạm. Các cuộc thi nghiệp vụ sư phạm bổ ích như thi viết chữ (một trong những yêu cầu của giáo viên tiểu học là không chỉ viết chuẩn mà còn phải viết đẹp), thi xử lý các tình huống sư phạm, thi làm đồ dùng dạy học (phương pháp dạy học ở tiểu học yêu cầu rất trực quan, việc sử dụng đồ dùng dạy học trong quá trình lên lớp rất quan trọng nên sinh viên phải đầu tư nhiều cho việc tự làm đồ dùng dạy học)... ngày càng được nâng cao về chất lượng, đã thực sự cuốn hút được niềm hứng thú đam mê của SV.

 

Những năm gần đây, khoa đã lồng nội dung rèn luyện nghiệp vụ sư phạm vào các bộ môn chuyên ngành: Toán và Phương pháp giảng dạy Toán, Tiếng Việt và Phương pháp giảng dạy Tiếng Việt, Phương pháp dạy Tự nhiên - Xã hội, Phương pháp dạy Đạo đức...

 

Môn học nào, SV cũng thường xuyên được rèn luyện các kỹ năng nghiệp vụ: từ tư thế đứng lớp, cách trình bày bảng, cách đặt câu hỏi cho từng đối tượng đến cách giải quyết các tình huống sư phạm gắn với đặc thù của từng môn... Cách làm này thực sự đã góp phần nâng cao hiệu quả của việc dạy nghề.

 

Ông Huỳnh Công Ba, Trưởng phòng Công tác chính trị Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: phần lớn SV chính quy tốt nghiệp ra trường đều có việc làm. Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều trường tiểu học có tiếng (kể cả công lập lẫn dân lập) hằng năm đều có kế hoạch xin SV của khoa trước các kỳ thi tốt nghiệp. Tỉ lệ SV có việc làm đúng với trình độ, ngành nghề đào tạo cao. Sự đánh giá về chất lượng đào tạo của khoa qua đội ngũ SV ra trường đang làm việc rất tốt.

 

Khóa đầu tiên tốt nghiệp, các trường tiểu học đón nhận một cách dè dặt nên các SV gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, không lâu sau chính số SV này đã tự khẳng định được mình bằng sự khiêm tốn học hỏi những kinh nghiệm thực tế của lớp anh chị cùng với sự cố gắng vận dụng những kiến thức mới được trang bị ở trường ĐH vào quá trình dạy học. Điều đó cũng khẳng định chất lượng đào tạo của khoa.

 

Theo Sài Gòn Giải Phóng