Dạy đạo đức bằng… khóc lóc, tội lỗi

(Dân trí) - Tại các chuyên đề đạo đức không ít chuyên gia có những bài nói chuyện… về trách nhiệm, lòng hiếu thảo lấy nước mắt học trò. Việc “thức tỉnh” này hiện khá phổ biến, được nhà trường, phụ huynh tung hô nhưng đang có rất nhiều ý kiến cảnh báo.

Những đứa trẻ mang tội

“Đừng bao giờ để bố các bạn chết rồi, các bạn mới quỳ bên cạnh cái quan tài, khóc bù lu bù loa, bố ơi con xin lỗi bố. Đừng nói câu đó, ông ấy không nghe được nữa...”, đây là đoạn trích dẫn tại bài nói chuyện của báo cáo viên diễn ra tại một trường học ở Hà Nội. Cùng với nhiều lý lẽ về những bạn trẻ đang vô tâm, không quan tâm đến bố mẹ… bài nói chuyện đã làm cho hàng trăm học sinh khóc nức nở.

Ở góc độ nhà trường, phụ huynh đây được xem là bài dạy đạo đức quá thành công. Bài giảng chạm đến cảm xúc của học trò, các em xúc động, nghẹn ngào, vỡ òa những nỗi lòng thầm kín. Điều ít ai ít để ý, những cảm xúc này đến cảm giác mang ơn và tội lỗi.

Những bài nói chuyện, giáo dục đạo đức làm học trò khóc nức nở đang gây ra nhiều tranh cãi trái chiều (Ảnh minh họa)
Những bài nói chuyện, giáo dục đạo đức làm học trò khóc nức nở đang gây ra nhiều tranh cãi trái chiều (Ảnh minh họa)

Một chương trình khác, báo cáo viên nọ kể lại điển tích về những người mẹ hy sinh, nhịn đói vì con đến chết. Và đi cùng đó là “răn đe” những đứa con vô ơn, không nghe lời cha mẹ. Từ những lỗi thông thường, có diễn giả còn khai thác những vấn đề của học trò như chuyện yêu đương, đi phá thai của các người trẻ... để đánh vào cảm giác tội lỗi của các em.

Những bài giảng với những nội dung về "những đứa trẻ mang tội" hiện nay diễn ra khá nhiều. Không chỉ ở các khóa học, chuyên đề của các công ty dạy kỹ năng sống mà đang le lỏi vào các trường học thông qua các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề. Ở các chương trình này, chưa biết hiệu quả thế nào, học sinh càng khóc như mưa thì càng được đánh giá cao.

Một số chương trình kỹ năng, giá trị sống, chỉ với một vài bài nói chuyện "rút nước mắt" của các báo cáo viên, phụ huynh làm mọi cách để con theo học bằng được. Nhất là những trường hợp các đứa trẻ bị đánh giá là bất trị thì phụ huynh lại càng kỳ vọng vào những bài giảng này. Rất nhiều trung tâm, công ty kỹ năng sống dùng hình ảnh học sinh khóc lóc, nước mắt của các em để quảng cáo, giới thiệu và trở thành “chiêu bài” vô cùng lợi hại với phụ huynh.

Còn không ít trường học, tiêu chí khi mời báo cáo viên là phải có đủ khả năng làm học sinh khóc. Họ không cần biết diễn giả đó có đưa đến cho học sinh thông tin, kiến thức gì nhưng không làm làm cho học trò bật khóc thì… không được.

Giáo dục "ăn nhanh"?

Những bài giảng lấy nước mắt học trò trong các bài giảng chuyên đề đạo đức của các diễn giả đang tạo nên một sức hút với nhà trường, phụ huynh khi tổ chức các chuyên đề giáo dục đạo đức, kỹ năng. Họ kỳ vọng từ nước mắt, tội lỗi của con trẻ các em sẽ thay đổi, tiến bộ như mong muốn của mình. Nhưng nhiều chuyên gia lại không đồng tình việc giáo dục theo cách thức này và lên tiếng như góp thêm một góc nhìn cho nhà trường, phụ huynh đang hoang mang trong việc giáo dục đạo đức con trẻ.

Bà Ngô Thị Thu Huyền (Thạc sĩ Tâm lý học về phát triển trẻ em và thanh thiếu niên, trường Toulouse le Mirail, CH Pháp) nêu quan điểm, mục tiêu của các chương trình này là giúp các em tăng nhận thức và thay đổi - về tình cảm gia đình, về tình yêu của mối quan hệ cha mẹ - con cái. Mục tiêu thì tốt đẹp nhưng cách triển khai theo cách “làm học trò khóc” là không ổn. Khi bạn tương tác với người khác, ngay cả ở góc độ giáo dục, bạn cần tôn trọng nhân phẩm của người khác và tránh việc thao túng người khác để đạt được mục đích.

Học sinh ở TPHCM trong một chuyên đề về tuổi mới lớn
Học sinh ở TPHCM trong một chuyên đề về tuổi mới lớn

Rồi nữa, bà Huyền nhấn mạnh, sự thay đổi không bao giờ ngay và nhanh, và nó càng không nên đến từ cảm giác tội lỗi, bị kết án, cảm thấy xấu hổ. Nó cần đến từ việc nhận ra các cảm xúc, các suy nghĩ, và biểu lộ một cách thỏa đáng, tự tôn. Mà quá trình này dài lắm, đó là quá trình của nhận thức, của tương tác và của việc khẳng định các phẩm chất tính cách của mỗi người.

“Các diễn giả này nóng lòng muốn thúc đẩy nhanh việc đạt được mục tiêu giáo dục, họ mải mê vì mục tiêu này. Mà ẩn sâu bên dưới là mong học sinh "ngoan ngoãn" hơn, biết chú tâm vào những điều có ích cho gia đình, xã hội? Và có lẽ đó là chờ đợi của nhà trường, của phụ huynh”, bà Huyền nói.

Chuyên gia này phân tích thêm, cha mẹ - con cái là mối quan hệ đầy yêu thương nhưng cũng đầy rắc rối - xung đột. Những đứa trẻ đang ở tuổi định vị bản thân mình không thể tránh những thử thách để tự lập nhiều hơn trong mối quan hệ này. Chưa kể, nhiều phụ huynh chưa biết cách tạo điều kiện cho đứa trẻ cá nhân hóa bản thân mình thì không thể tránh những bối rối ở cái ranh giới đúng - sai.

“Điều này gây ra cảm giác tội lỗi Và rồi gọi ra cảm xúc đau khổ của người ta, thì diễn giả đã làm gì, có ghi nhận? Có nâng đỡ? Có biết điều gì nằm đằng sau cảm xúc đau khổ đó?”, bà Huyền đặt câu hỏi.

Trong đối xứng này, người nghe chịu các cảm giác lo lắng, day dứt, bản thân kém cỏi và thậm chí bất lực; người nói hài lòng khi nhìn thấy sự thay đổi về mặt hình thức của người khác, người tổ chức hài lòng về những giây phút cảm động rưng rưng mà họ cho rằng sẽ là động lực thay đổi mạnh mẽ ở các em học sinh. Và dường như những mâu thuẫn muốn hóa giải đã được giải quyết mà không cần phải đối diện.

Bà Huyền cũng cảnh báo những hoạt động giáo dục trẻ, vì cộng đồng là cần thiết, song cần có một nền tảng phù hợp với hoạt động cộng đồng, và hết sức cẩn thận về những ảnh hưởng tiêu cực, những mặt trái của nó. Nhất là đối tượng ở đây là học trò.

Lê Đăng Đạt