“Dạy người” thông qua các bộ môn khoa học cơ bản

Dường như lâu nay, chúng ta chưa nhận thức thực sự sâu sắc tầm quan trọng của các bộ môn trong việc hình thành phát triển nhân cách của người học.

Khẳng định quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - đề cập đến việc “dạy người” thông qua các bộ môn khoa học cơ bản.

Người thầy phải đổi mới phương pháp
Theo đó, người dạy phải hướng tới thông qua truyền thụ kiến thức cơ bản của khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội, tạo cho người học năng lực và một số phương pháp tư duy, những thói quen suy nghĩ, hành động và một số lối sống tìm tòi biết tự đánh giá, tự lựa chọn suốt cuộc đời.

Đó là những kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm. Hoặc phải giúp cho học sinh thực hiện được những yêu cầu một cách cụ thể.
Giờ học Mỹ thuật tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội)
Giờ học Mỹ thuật tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội).

Để dạy người thông qua các bộ môn khoa học, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, người thầy phải thay đổi phương pháp giảng dạy.

Muốn vậy, mỗi giáo viên phải được huấn luyện kỹ hơn về các phương pháp đổi mới dạy học như dạy nêu vấn đề, dạy theo nhóm, theo dự án... Họ còn phải tiếp thu cách dạy theo cảm nhận, theo trải nghiệm của phương pháp dạy giá trị sống, kỹ năng sống.

“Giờ dạy các bộ môn không thể là giờ đọc chép, nó phải thiết thực, sôi động như chính cuộc sống. Đó là những giờ dạy thật sự “mở”” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Cùng với đó, cách kiểm tra, đánh giá bộ môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cũng phải khác. Nhưng tất cả phải gắn với kết quả thực hành. Không phải chỉ ở trên lớp mà cả về nhà, ra xã hội và phải tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Làm sao sau mỗi giờ lên lớp, học sinh thấy thích học, biết cách tự học, có thói quen học và học có kết quả.

Để đổi mới phương pháp dạy bộ môn, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, SGK phải thay đổi theo những yêu cầu mới để học sinh tự khám phá kiến thức và rèn kỹ năng nhiều hơn. Ngoài ra, việc chuẩn bị tư liệu, cả băng hình cho giáo viên học sinh học cần được Bộ GD&ĐT đầu tư nhiều hơn nữa.

Tạo động lực cho các nhà giáo đổi mới

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, một tất yếu phải đến để tạo động lực cho các nhà giáo đổi mới để “dạy người” là phải tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ cho những giáo viên bộ môn có đủ trình độ tay nghề cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới.

“Chúng ta không lý tưởng hóa đội ngũ giáo viên hiện nay nhưng vì sự đổi mới và vai trò của đội ngũ giáo viên bộ môn mà chúng ta phải xây dựng một kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ nhà giáo dạy các bộ môn phải đạt được các yêu cầu đổi mới của mỗi bộ môn” – TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay.

Các giáo viên được lựa chọn dạy bộ môn đổi mới phải có năng lực, có kiến thức khoa học tối thiểu, có hiểu biết chắc chắn về giáo dục học, tâm lý học; có đủ kỹ năng giảng dạy bộ môn có tính chất mở gắn với đời sống học sinh.

Họ có khả năng thuyết trình giỏi nhưng phải biết cách tổ chức hoạt động thực tiễn theo đặc trưng từng bộ môn; cách dạy, cách thi lâu nay chỉ cốt bám sách giáo khoa nên được loại bỏ.

“Từ những yêu cầu trên các trường sư phạm phải có chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng sinh viên sao cho phù hợp yêu cầu mới của phổ thông” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
 
Theo Hiếu Nguyễn
GD&TĐ