Dạy phòng chống tham nhũng cho học sinh: Đến đâu là đủ?

Từ năm học 2013 - 2014, nội dung phòng, chống tham nhũng sẽ được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo (từ cấp THPT trở lên). Theo đó, Bộ GD&ĐT hướng dẫn lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy.

Học sinh các trường THPT sẽ được học về chống tham nhũng. (Ảnh: Hồ Thu)
Học sinh các trường THPT sẽ được học về chống tham nhũng. (Ảnh: Hồ Thu)

 

Dạy về sự quang minh, chính trực

 

Ở Mỹ, người ta cũng chỉ dạy con người phải có nghề, phải lao động chăm chỉ. Đó là ý kiến của GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

 

GS Hạc dẫn ví dụ về đất nước Singapore, nơi mà người dân chỉ có hai sự lựa chọn: Lao động chăm chỉ thì có lương cao và sống sung sướng; tham nhũng sẽ mất việc và cực khổ suốt đời, nên không ai tham nhũng.

 

Vì vậy, trường học ở Việt Nam cần dạy cho học sinh, về sự quang minh, chính trực, dạy 4 chữ mà Hồ Chủ tịch đã dạy: Cần, Kiệm, Liêm, Chính để có những con người ngay thẳng, không gian dối và biết lao động chân chính là điều quan trọng nhất.

 

GS Pham Minh Hạc nói: Nếu quy kết vì việc dạy dỗ tính trung thực trong nhà trường chưa đến nơi đến chốn, nên mới có hiện tượng quay cóp, gian dối, mua bằng bán điểm, chạy chức, chạy quyền, thì cũng chỉ đúng một phần. Toàn những người chạy chức, quyền mới cần bằng giả.

 

Tiêu cực ngoài xã hội đã tràn vào nhà trường. Muốn dạy chống tham nhũng hiện nay, theo GS Hạc, phải làm hai việc song song trong nhà trường và ngoài xã hội - nhà trường dạy học sinh trung thực; xã hội phải trong sạch, tốt đẹp hơn!

 

Dạy chống tham nhũng là dạy cho học sinh sự quang minh, chính trực. (Ảnh: Hồng Vĩnh)
Dạy chống tham nhũng là dạy cho học sinh sự quang minh, chính trực. (Ảnh: Hồng Vĩnh)

 

Dạy đến đâu là đủ? 

 

Ông Đặng Hữu, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo T.Ư nói: Ở bậc phổ thông chỉ nên dạy ra những con người ngay thẳng, trung thực, thật thà, không tham lam.

“Hiện nay, Hà Nội chưa triển khai gì cả, vì Chỉ thị của Thủ tướng mới được ban hành, nhưng chắc chắn vấn đề quan trọng này phải có hướng dẫn cụ thể từ phía ngành GD&ĐT, phải có chương trình, tài liệu giảng dạy lồng ghép, phải có tập huấn giáo viên... Tham nhũng là tên gọi sự việc còn nhà trường sẽ dạy cho học sinh tính trung thực thật thà từ những việc làm cụ thể, tránh trìu tượng như sách Giáo khoa giáo dục công dân lớp 10 hiện nay. Chương trình cũng cần được nghiên cứu để có sự liên thông hợp lý giữa phổ thông và đại học một cách khoa học”. - Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội

 

Những vấn đề về tham nhũng kia là của xã hội, của bộ máy quản lý, hệ thống luật pháp, không thể đưa tất cả vào nhà trường mà dạy được. Có chăng, theo ông Đặng Hữu chỉ dừng lại ở mức đưa vấn đề vào các môn học về đường lối chính sách của Đảng vào trong các môn giáo dục đạo đức, luân lý cho học sinh hoặc trong các hoạt động ngoại khóa.

 

Với các trường đại học thì nên có những vấn đề chung như, ví dụ, học về đạo đức quản lý, trong tình hình tham nhũng trở thành quốc nạn phải xem gốc từ đâu, cách giải quyết thế nào... Các trường đại học chuyên biệt nào đó, ví dụ như trường đào tạo hành chính, cảnh sát, phòng, chống tội phạm, tòa án; công chức... có thể học sâu hơn về biện pháp phòng, chống...

 

Chớ sa đà hình thức

 

Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Well Spring trăn trở: “Đây sẽ là khó khăn cho các cơ sở giáo dục yếu, vì nội dung này, nếu không được đầu tư khoa học và hấp dẫn sẽ trở nên nhạt nhẽo! Đưa vào bao nhiêu tiết, nội dung thế nào, ai dạy... ngành GD&ĐT đều phải tính khoa học và cẩn trọng, đặc biệt là trong tình hình môn văn hóa chính thức học sinh còn lười học.

 

Nếu không cẩn thận, việc này dễ trở thành một thứ phào phào như các thứ dạy ngoại khóa khác mà vẫn có báo cáo lên Thủ tướng là triển khai tốt” ông Đại nói.

 

Theo Hồ Thu

Tiền Phong