Dạy thêm bậc Tiểu học sẽ không thu tiền

(Dân trí) - Theo tin từ Bộ GD-ĐT, trong tuần từ 25 đến 31/12, Dự thảo về quy định Dạy thêm học thêm sẽ được hoàn chỉnh và chính thức ban hành. So với bản dự thảo ban đầu, quy định chính thức sẽ có một số sửa đổi quan trọng như cho phép bậc tiểu học có thể dạy thêm, học thêm nhưng không thu tiền.

Sau ba tuần đưa Dự thảo Dạy thêm học thêm ra trưng cầu dân ý, đã có trên 1.000 ý kiến đóng góp.

 

Nguyên tắc của Bộ GD-ĐT khi xây dựng quy định này là Bộ chỉ đưa ra định hướng và địa phương quyết định trên tinh thần tuyệt đối không được biến công việc dạy thêm thành kinh doanh, kiếm tiền mà phải xuất phát từ nhu cầu thực sự. Hoạt động dạy thêm học thêm nói chung có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Các giải pháp quản lý đều nhằm phát huy mặt tích cực và từng bước khắc phục để đi đến loại bỏ các biểu hiện tiêu cực.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trước khi ban hành quy định này, trong thời gian qua, Bộ cũng đã tiến hành một loạt biện pháp khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm như bổ sung quy định “Cấm ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” vào khoản 4 Điều 75 của Luật Giáo dục năm 2005.

 

Bộ GD-ĐT cũng đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định “Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục”. Tại khoản 4, Điều 8 của Nghị định này, đã quy định hình thức phạt tiền đối với hành vi dạy thêm trái phép. Nghị định này đã tạo cơ sở pháp lý để có chế tài xử phạt những hành vi cố ý làm trái trong hoạt động dạy thêm học thêm.

 

Bộ GD-ĐT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của giáo viên và các cơ quan quản lý các cấp theo quy định phân cấp quản lý hiện hành.

 

Đồng thời, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp chuyên môn: cải tiến thi cử, kiểm tra, đánh giá, đổi mới cách ra đề thi tuyển sinh ĐH; chuyển dần các trường học có điều kiện sang học 2 buổi/ngày để khắc phục một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm học thêm trà.

 

Từ đầu năm học 2006-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị “Về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”, Bộ GD-ĐT đã phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Trong cuộc vận động này, đã đề ra các giải pháp động viên giáo dục đề cao phẩm chất nhà giáo, nâng cao trách nhiệm trước tình trạng tiêu cực trong dạy thêm học thêm.

 

P.V