Dạy thêm, học thêm: Vì lợi ích của ai?

(Dân trí) - Tình trạng dạy thêm học thêm như hiện nay có hai mặt: tích cực và mặt trái. Chúng ta cần nhìn thẳng thực tế, không né tránh thì mới có giải phát hữu hiệu cho “vấn nạn” này.

Lợi thì có lợi

Về mặt tích cực, đối với học sinh (HS), các em cần được bồi dưỡng, nhất là những HS học yếu kém. Ngoài ra, những em có năng khiếu nếu được bồi dưỡng thì sẽ phát huy được trí thông minh của mình liên quan các lĩnh vực khác nhau (như tư duy logic, ngôn ngữ, âm nhạc, mĩ thuật, khoa học…).

Một vấn đề có có thể nói là chất lượng giáo dục toàn diện còn hạn chế, chất lượng giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập. Trong đó có thể nói đến nguyên nhân sĩ số HS đông. Nhiều lớp, ở Hà Nội, TPHCM có sĩ số trên dưới 60 em (Bộ GD-ĐT quy định 35 em/lớp). Thành ra giáo viên (GV) khó có thể tạo ra chất lượng đồng đều, giúp từng em tiến bộ, học tập tốt.

Dạy thêm, học thêm: Vì lợi ích của ai?
Vì nhiều lý do, các em học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học chưa "thoát" được khỏi áp lực học thêm.

Ngoài ra, chương trình giáo dục nói chung khá nặng cũng ảnh hưởng xấu đến chất lượng giáo dục. Nếu ở các lớp dưới HS học tập không được tốt thì càng lên lớp trên, nhiều em lại có thêm nhiều lỗ hổng kiến thức, kỹ năng, năng lực. Vì vậy, nhiều GV phàn nàn rằng, 35 phút/tiết học trôi quá nhanh, HS chưa kịp tiếp thu bài đầy đủ.

Cần công bằng nói rằng cũng có nguyên nhân từ phía chuyên môn của một bộ phận GV - trình độ và năng lực sư phạm chưa tốt, dạy học còn theo kiểu áp đặt, truyền thụ một chiều, chưa có khả năng dạy phân hóa... Do đó, "người thợ" này cần nhiều thời gian hơn để làm ra "sản phẩm" có chất lượng tốt. Dạy thêm học thêm (DTHT) là dịp GV có thêm điều kiện, thời gian để nâng cao kết quả học tập của các em.

Đối với nhiều gia đình, việc HT góp phần giúp giúp gia đình quản lý trẻ ngoài giờ học, nhất là ở TPHCM và nhiều thành phố khác, có nhiều “cạm bẫy” đối với trẻ em.Chưa bàn đến việc HT tốt hay không thì HT là một nhu cầu thực tế của không ít gia đình. Nếu GV không dạy học cũng thuê gia sư, người quen… để kèm trẻ.

Việc HT cũng góp phần giúp bảo đảm trật tự xã hội. Khi đứa trẻ được quản lý tốt vào thời gian ngoài giờ học, trẻ học tập tiến bộ sẽ góp phần tránh những hành vi tiêu cực...

Đối với lợi ích đối với GV, chúng ta cũng cần nhìn thẳng lương hiện nay trả cho nghề được gọi là “nghề cao quí nhất” rất thấp. Nhờ việc HS học thêm, GV có thêm một khoản thu nhập để phần nào trang trải cuộc sống vốn khó khăn. Nhờ đó, cuộc sống của GV ổn định hơn. Và từ đó, GV thêm yêu nghề hơn, càng ra sức rèn luyện chuyên môn, càng cố gắng dạy HS có kết quả tốt hơn.

Mặt trái cũng nhiều

Thứ nhất, tiêu cực từ phía GV: Nhiều GV lợi dụng việc DT để chèn ép HS phải HT. Từ đó, có hiện tượng những em đi HT thì được GV "ưu ái", còn em nào không HT thì bị đối xử thiếu công bằng, kém thân thiện, bị cô lập từ phía GV. Điều này không những làm "hỏng" nhân cách của GV, gây ra dư luận không mấy tốt đẹp từ phụ huynh, từ xã hội đối với việc DT, đối với với GV..., mà còn gây ức chế đối với HS. Thực tế, chúng ta có tình trạng gia đình cho con đi HTchỉ vì muốn con mình không bị GV ghét.

Thứ hai, tiêu cực cho HS là các em thưởng ỷ lại, trông chờ vào “bài tủ” khi HT mà không cần cố gắng khi học “chính khóa”; gây căng thẳng, mệt mỏi cho HS, thậm chí phải nhập viện tâm thần, gây nên hiện tượng quá tải trầm trọng cho HS, nhất là những trường HS học 2 buổi/ngày.

Dạy thêm, học thêm: Vì lợi ích của ai?
Việc học chiếm mất nhiều thời gian đang tước đi của các em nhiều cơ hội để phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực.

Các em mất cơ hội tham gia những công việc, hoạt động khác phù hợp với nhu cầu lành mạnh của trẻ, nhất là vui chơi, giải trí, không được làm những công việc mình yêu thích, không được giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, không được hòa mình với thiên nhiên, không được tiếp xúc với các tầng lớp xã hội... Có thể nói, hiện nay rất nhiều trẻ không có tuổi thơ theo đúng nghĩa của nó bởi HT quá nhiều!

Việc HT có thể dẫn đến HS phát triển một cách lệch lạc khi chỉ tập trung vào các môn như toán Toán và Tiếng Việt là cái gì đó phản giáo dục. Bởi lẽ, trí thông minh của trẻ rất đa dạng (theo Howard Gardner: có 8 trí thông minh như logic, ngôn ngữ, âm nhạc, mĩ thuật, vận động, không gian...; mỗi HS chỉ thông minh một vài lĩnh vực).

Ngoài kiến thức, các em cũng cần được giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, được tham gia các hoạt động thể chất để phát triển thể lực, nâng cao sức khỏe, có lối sống lành mạnh..

Với những mặt trái trên, HT còn gây tốn kém phụ huynh khi gia đình phải đầu tư một khoản tiền nhất định. Đối với nhiều gia đình có thể "không vấn đề gì", nhưng nhiều phụ huynh cũng phải "cân đong đo đếm" để có tiền cho con học thêm...

Trong bất kì trường hợp nào, việc HT phải xuất phát từ lợi ích HS (sau đó mới tính đến lợi ích của GV, gia đình, xã hội...). Trẻ cần được được giáo dục toàn diện. Trong đó, ngoài nội dung liên quan Toán, tiếng Việt, các em phải được tham gia các hoạt động giáo dục liên quan lao động, âm nhạc, mĩ thuật, thể dục - thể thao, được giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống...

Các em cần được bù đắp những "lỗ hổng" kiến thức và đồng thời, được phát huy năng khiếu, trí thông minh đa dạng của mình (mà không chỉ giỏi Toán và Tiếng Việt mới được coi là "học giỏi"). Và phải được thầy cô và bạn bè đối xử một cách thân thiện.

Một số phương án khả thi

Về thời gian, chỉ cần tổ chức cho HS tiểu học học tập trong khuôn khổ buổi 2 trong ngày (thay cho học thêm); ngoài ra, không cần HT vào thời gian khác. Nếu được tổ chức tốt, việc học buổi 2 này coi như là "thêm", đủ nâng cao chất lượng học tập của học HS.

Nếu được tổ chức, nhà trường cần đảm bảo về mặt nội dung là tổ chức các hoạt động một cách đa dạng cho HS liên quan nhiều lĩnh vực (như toán, tiếng Việt, âm nhạc, mĩ thuật, thể thao, khoa học, kỹ năng sống...) để HS lựa chọn, tham gia theo nhu cầu, hứng thú, năng lực, năng khiếu của mình. Khi đó, gia đình và HS có quyền lựa chọn lĩnh vực, nội dung học buổi 2 này theo nguyện vọng của trẻ. Đặc biệt, nhà trường khuyến khích HS tham gia HT các lĩnh vực ngoài Toán và tiếng Việt.

Tiếp cận cá nhân trong dạy học: Việc học tập này chỉ có ý nghĩa khi nó phù hợp và vừa sức với cá nhân HS, tức là nội dung học tập phải đòi hỏi cá nhân HS nỗ lực, cố gắng nhất định mới hoàn thành được. Do đó, những nội dung quá dễ (dưới sức hay ngang sức), quá khó (quá sức) với cá nhân HS hầu như không có tác dụng thực sự với sự tiến bộ của cá nhân HS. Kiểu DT đồng loạt ít tác dụng: GV ra bài như nhau cho cả lớp làm, sau cho một em chữa hay chính GV giải rồi cả lớp chép lại.

Đối với việc học buổi 2 này, nhà trường cần tổ chức theo một số hướng sau: Giúp từng HS khắc phục những lỗ hổng kiến thức và kỹ năng, năng lực liên quan các môn học khác nhau, trong đó có Toán và tiếng Việt nhưng không phải Toán và tiếng Việt là "tất cả" mặc dù 2 môn học này rất quan trọng.

Phát hiện và từ đó phát triển trí thông minh đa dạng của HS về các lĩnh vực khác nhau thông qua các hoạt động về âm nhạc, mĩ thuật, các môn thể thao, câu lạc bộ khoa học... cho HS tiểu học; tổ chức các "khóa" học kỹ năng sống, giá trị sống...

Xã hội, ngành giáo dục, gia đình HS và GV đều có trách nhiệm trong việc “giải quyết” vấn nạn này.

Nhà nước cần bảo đảm cuộc sống vật chất và tinh thần của người GV, nhất là lương, để "GV có thể sống được bằng đồng lương của mình" như lời của một vị lãnh đạo ngành giáo dục nói trước đây. Trẻ em là "sản phẩm" của giáo dục nhà trường, do đó, chúng ta không thể không tính đến GV với tư cách là "người thợ" làm ra sản phẩm này. Chúng ta không nên ảo tưởng cứ dùng mĩ từ ca ngợi, tung hô ("nghề cao quí nhất..."), hô hào, kích động "người thợ" thì ắt có "sản phẩm" chất lượng tốt.

Không thể khác được, chúng ta phải quan tâm thực sự đến đời sống của người GV và có hành động thiết thực bởi, ai cũng vậy, "có thực mới vực được đạo".

Khi đã có "thực" rồi, "đạo" làm thầy sẽ bảo đảm những lợi ích trên của HS. Ngược lại, nếu không có "thực" thì "đạo" làm thầy sẽ ra sao - xin mỗi người hãy tự tưởng tượng...

Trách nhiệm của ngành giáo dục: Để nâng cao chất lượng dạy học buổi 2 theo hướng trên, các cơ quan quản lý giáo dục cần trang bị cho nhà trường những phương tiện, đồ dùng, cơ sở vật chất cần thiết để GV dễ bề tổ chức các hoạt động đa dạng; bảo đảm GV có năng lực chuyên môn tốt mới được tham gia dạy bồi dưỡng HS (cả bù lấp lỗ hổng kiến thức, kỹ năng, lẫn dạy năng khiếu); có GV chuyên biệt cho một số lĩnh vực như âm nhạc, mĩ thuật...

Trách nhiệm của gia đình HS: Việc gia đình đóng góp (tiền) cho HS học buổi 2 là điều vô cùng tế nhị, khó nói. Nay, một số địa phương cho nhà trường thu tiền dạy buổi 2 (có quy định "mức trần"), có tỉnh lại không cho các trường thu (đối với những trường có đủ GV theo hệ số)... Nhiều phụ huynh khẳng định với tôi, họ sẵn sàng đóng góp tiền nếu con của họ được giáo dục tốt, được học tập tiến bộ.

Về phía GV, GV phải có trách nhiệm về sản phẩm giáo dục của mình, có lương tâm nghề nghiệp cao cả, đối xử thân thiện với tất cả HS mà không phân biệt em đó có HT với mình hay không... Nói theo "luật nhân quả", khi GV làm tốt công việc của mình, ắt sẽ có quả ngon ngọt dành cho mình. Ngoài ra, người thầy cần nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của mình thì mới tổ chức DT có chất lượng.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Hợp
(ĐH Sư phạm Hà Nội)
 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!