“Dây trói” nhà giáo

(Dân trí) - Từ tác phong, phương thức truyền thụ cho đến trang phục, lời ăn tiếng nói, người thầy của chúng ta bị “trói” theo một chuẩn mực nhất định. Một sự “phá cách” dù hiệu quả của nhà giáo cũng có thể gặp phải sự phản ứng.

Một chuyên gia giáo dục ở TPHCM kể lại tâm sự của cô giáo tiểu học khi áp dụng việc xếp bàn ghế trong lớp theo hình chữ U để dễ dàng tương tác với trò. Ngay lập tức bị ban giám hiệu gọi lên nhắc nhở vì “làm loạn” lớp học: thầy không ra thầy, trò không ra trò.

Cũng giống trường hợp này, ông giáo dạy THPT ở Vĩnh Long chia sẻ về việc bị ban giám hiệu “đe” khi áp dụng phương pháp học trò làm chủ lớp học. Học trò được theo nhóm tự tìm hiểu bài, tự giảng bài học. Còn thầy chỉ đóng góp ý kiến và chỉnh lỗi. Học sinh rất háo hức, giờ học sôi nổi hơn hẳn nhưng cấp trên biết chuyện, phản ứng gay gắt nên thầy cũng chỉ còn cách quay về giảng dạy theo cách truyền thống nhàm chán.

Giáo viên nhà mình ngột ngạt với đủ thứ dây rợ trên người (Trong ảnh: Thầy trò Trường Tiểu học An Hội, TPHCM - một trong những ngôi trường có sĩ số học sinh đông nhất nước. Ảnh: Hoài Nam)
Giáo viên "nhà mình" ngột ngạt với đủ thứ "dây rợ" trên người (Trong ảnh: Thầy trò Trường Tiểu học An Hội, TPHCM - một trong những ngôi trường có sĩ số học sinh đông nhất nước. Ảnh: Hoài Nam)

Ngoài việc phương thức dạy học theo phong cách đọc chép thì người thầy chúng ta còn mang trên mình đủ thể loại "dây trói" từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ, tác phong đến trang phục. Chưa bàn đến vô số hồ sơ, sổ sách và nhiều việc không tên kể không xuể mà mỗi nhà giáo phải “gánh”. 

Nghiêm khắc, đạo mạo là hình ảnh “điển hình” cho người thầy. Một thời, ông giáo với chiếc thước gỗ trong tay, lăm lăm chỉ xuống lớp học trở thành “tượng đài” nhà giáo Việt và vẫn len lỏi cho đến bây giờ.

“Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Nhưng những sợi “dây trói” người thầy tưởng rằng chỉ là hình thức lại tác động không ít đến tư duy, chất lượng giáo dục

Trong quá trình làm việc với giáo viên nước ngoài tham gia dạy chương trình Tiếng Anh Tích hợp ở trường, bà Bùi Thúy An, hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, TPHCM nhận ra nhiều khác biệt giữa giáo viên "nhà mình" và giáo viên nhà "người ta". Trước hết là cách ăn mặc, “thầy Tây” ăn mặc rất thoải mái, tự do nhưng vẫn lịch sự chứ không bị gò bó như thầy cô nhà mình.

Một lớp học tương tác ở trường quốc tế (Ảnh: Hoài Nam) 
Một lớp học tương tác ở trường quốc tế (Ảnh: Hoài Nam) 

“ Giáo viên nước ngoài họ quỳ xuống bên cạnh học trò để hỏi đáp, trao đổi với các em là… chuyện bình thường, rất tận tụy và gần gũi. Hình ảnh hiếm thấy ở giáo viên Việt phải chăng là do sự khác biệt về tư duy trong giáo dục?”, bà An đặt ra vấn đề.

Bà hiệu trưởng đưa thêm ví dụ: “Khi thể hiện một hình ảnh nào đó như góc bù, góc nhọn, người thầy nước ngoài có thể dùng tay diễn đạt. Còn giáo viên nhà mình chắc chắn phải có thước”.

Vị trí trong lớp học của người thầy Việt được mặc định là trên bục giảng, chỉ tay xuống dưới đám học trò để . Có giáo viên bị lãnh đạo nhắc nhở vì trong giờ dạy mà cứ đi lên đi xuống lớp học.

“Dây trói” về phong cách, tư duy của quan niệm xã hội, của quản lý “ăn sâu” trong tiềm thức của chính nhà giáo. Họ càng phải cố tỏ ra mẫu mực, cố “gò” bản thân trong khuôn khổ bức bí mà đôi khi họ chẳng còn là mình.

Trong một hội thảo về giáo dục gần đây diễn ra ở TPHCM, trong phần phát biểu của mình, vị Tiến sĩ của Trường ĐH Quốc gia TPHCM đã chỉ thẳng tay xuống dưới các đại biểu, thốt lên:

“Cơ cấu lớp học của chúng ta như thế này. Thấy đứng giảng, trò ngồi nghe. Ông thầy quen với việc mình dạy, mình nói gì trò nghe đấy. Trò ngồi dưới mà ý kiến là ông thầy đứng trên khó chịu lắm! Dạy học của chúng ta chưa có sự tương tác mà là sự áp đặt”.

Sự khuôn mẫu, chuẩn mực thái quá dẫn đến sự lạnh lùng từ người thầy. Lại thêm những đòi hỏi từ xã hội, quản lý, công việc, sĩ số học sinh đông… áp lực của người thầy càng nặng nề tạo thêm khoảng cách với học trò cũng như ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy .

Xã hội đang xoay mình để thích nghi với thời đại mới. Ở một xã hội bình thường, giáo dục phải là lĩnh vực đi đầu thì dường như chúng ta đang đi ngược. Sẽ chẳng có một phép màu nào cho sự đổi mới giáo dục khi người thầy không được cũng như không tự mình tháo gỡ đủ thứ “dây rợ” trên người để tập trung vào mục tiêu chính là cùng học trò tiếp cận tri thức.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)