Dạy văn trong nhà trường - ý kiến của một nhà giáo

“Nguyên nhân trực tiếp giết chết hứng thú học văn của các em chính là phương pháp giáo dục áp đặt mà chúng ta đã và vẫn còn đang sử dụng rộng rãi..."

Bài viết Vì sao môn văn trong nhà trường không hấp dẫn của tác giả Ngô Tự Lập đã nêu ra một thực trạng là môn Văn trong nhà trường không hấp dẫn.

 

Nguyên nhân cố hữu mà tác giả Ngô Tự Lập đưa ra không phải là không có, mà thậm chí nó đang còn được nhiều giáo viên dạy Văn ở bậc phổ thông áp dụng từ đời này sang đời khác…

 

Vì có nhiều giáo viên hiện nay cho rằng mình quá hơn hẳn học sinh về kiến thức môn Văn, nên trong khi dạy Văn, nhiều giáo viên cứ việc “áp đặt” những kiến thức và sự cảm thụ văn chương của mình cho học sinh chép vào vở, trong tiết kiểm tra Văn, học sinh cứ việc chép nguyên xi lời của thầy giảng vào bài kiểm tra.

 

Thầy cô chấm Văn và cho học sinh điểm khá, giỏi… Đó là mình chấm văn mình chứ không phải chấm văn học trò, vì học trò lúc đó chỉ đóng vai trò là những “chiếc máy phô tô cóp pi có trí nhớ” mà thôi.

 

Nhưng hiện nay không phải tất cả mọi giáo viên dạy Văn đều cứ “khư khư” áp dụng lối dạy văn theo kiểu áp đặt, theo kiểu truyền thống xưa nay vẫn tồn tại, mà đây đó đã có nhiều giáo viên dạy văn đã dám, đã mạnh dạn đổi mới, đã mạnh dạn “lột xác” cách dạy văn, cho dù “… cái xác cũ rụng xuống chưa dứt hẳn, da non mới mọc chưa lành, một chút gì chạm phải cũng nhỏ máu” (câu dùng của Nguyễn Đình Thi trong Tiểu luận “Nhận đường” – Mấy vấn đề văn học, Nhà xuất bản Văn hóa – Hà Nội 1986).

 

Nói như thế để thấy được rằng, hiện nay cho dù “cơm áo không đùa với giáo viên Văn”, cho dù đời sống của đa số giáo viên Văn còn khó khăn và thiếu thốn, chưa theo kịp sự đi lên của thời đại (vì giáo viên Văn thì ít có người có thể dạy thêm), nhưng có nhiều giáo viên đã có những băn khoăn trăn trở với nghề, băn khoăn trăn trở với dạy Văn, học Văn.

 

Điều đáng mừng là ở Quảng Bình chúng tôi, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học nói chung, phương pháp dạy học môn Văn nói riêng, đã được lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo quan tâm đúng mức và đầu tư thích đáng.

 

Sở GD-ĐT Quảng Bình đã cho mở hẳn 1 hội nghị về việc đổi mới phương pháp dạy Văn ở bậc THPT dành cho các giáo viên trẻ mới ra trường và có tuổi nghề dưới 5 năm.

 

Và ở địa phương chúng tôi, phương pháp dạy Văn theo kiểu “giáo dục áp đặt” là phương pháp dạy học tối kỵ nhất và đã được loại thải từ lâu, nên yêu cầu đối với giáo viên lên lớp là phải biết phối – kết hợp đa dạng các phương pháp dạy Văn sao cho phát huy được tính tích cực, chủ động, gây cho học sinh hứng thú học tập môn Văn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

 

Là những người trực tiếp giảng dạy môn Văn ở trường phổ thông, ngoài nguyên nhân làm cho môn Văn trong nhà trường không hấp dẫn mà tác giả Ngô Tự Lập đã nêu ra, chúng tôi còn nhận thấy rằng, có một nguyên nhân khách quan về mặt cơ chế đã góp phần làm cho học sinh không thích, không đam mê với môn Văn, và làm cho môn Văn trong nhà trường không hấp dẫn.

 

Thực tế hiện nay chúng ta đã thấy được rằng, tuy môn Văn là một môn học rất quan trọng, là môn học bắt buộc phải thi tốt nghiệp, là môn có hệ số 2 (trong chương trình chuyên ban, ở ban KHXHNV, môn Văn hệ số 3), nhưng khi ra đời và tham gia dự thi vào các trường đại học, cao đẳng thì môn Văn không phải là một môn thi phổ biến đối với các trường được xem là thời thượng…

 

Nên đến năm cuối cấp ở bậc trung học, nhiều em học sinh cho dù rất giỏi Văn, có năng khiếu về Văn và yêu thích đam mê Văn, nhưng các em cũng chỉ học Văn ở mức độ cầm chừng đủ để thi tốt nghiệp đặng “qua cầu gió bay”, chứ còn rất ít em đầu tư cho môn văn vì môn Văn đâu có thi được vào các trường được coi là thời thượng như: Học viện Ngân hàng, Học viện Bưu chính - Viễn thông, Đại học Bách khoa…

 

Nên buộc học sinh THPT phải đầu tư học các môn KHTN để phục vụ cho quyền lợi thiết thực của các em là đi thi đại học và vào đời… Nói như vậy không có nghĩa là học sinh chúng ta hoàn toàn đam mê các môn Toán, Lý, Hóa hơn học Văn. Cho dù không đam mê đi chăng nữa nhưng bắt buộc học sinh phải học các môn đó…

 

Còn thật đáng buồn, có những học sinh theo học ban C (ban KHXHNV - Chương trình phân ban áp dụng từ năm học 2003-2004) theo học môn Văn nhưng không phải vì các em giỏi Văn, đam mê Văn, muốn theo nghiệp Văn, mà vì “bất đắc dĩ” do không theo nổi ban A nên bắt buộc các em phải chọn ban C, theo kiểu “chuột chạy cùng sào mới vào ban C”. Và trong số những em học ban C đó, ít và rất ít các em thật sự giỏi Văn, có tố chất Văn, có niềm đam mê văn chương…

 

Như vậy, nguyên nhân chính làm cho môn Văn trong nhà trường không hấp dẫn thì đã rõ. Chúng ta phải làm gì để cải thiện tình hình, để làm cho môn Văn trong nhà trường hấp dẫn hơn? Theo chúng tôi, là chúng ta cần thay đổi các bộ môn tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

 

Ta cứ lấy 2 môn thi cơ sở bắt buộc cho tất cả các ngành, các trường đại học là môn Văn và Toán, thì tin chắc rằng lúc đó môn Văn sẽ hấp dẫn hơn, hấp dẫn không kém gì Toán và các môn KHTN khác. Khi đó, tự nhiên chất lượng môn Văn sẽ được nâng cao rõ rệt, vì lúc đó môn Văn đã thực sự gắn với quyền lợi thiết thực của nhiều em học sinh khi chọn nghề, chọn trường…

 

Vậy có người sẽ hỏi, thi vào các ngành kỹ thuật, công nghệ, đâu có cần phải thi Văn. Xin thưa, môn Văn là môn cơ sở, cho dù là kỹ thuật hay công nghệ, thì chúng ta cũng phải biết nói trước tập thể, biết trình bày một báo cáo, biết viết một bản hợp đồng, biết diễn thuyết và phát biểu trước đám đông, biết trình bày một công trình khoa học…

 

Đó là văn đấy… Chính môn Văn đã dạy cho chúng ta những kỹ năng cơ bản đó để vào đời, để làm việc… Nên vì sao ta không dùng Văn làm một môn thi bắt buộc?

 

Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình phân ban thí điểm ở bậc THPT, thì tính chất đời sống, tính thực tế, tính nhật dụng của môn Văn đã được các nhà soạn sách, các nhà xây dựng chương trình quan tâm. Học sinh môn Văn ở bậc THPT (chương trình phân ban), học sinh sẽ biết cách viết văn bản, viết một văn bản quảng cáo, biết cách phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, biết viết đơn từ báo cáo và trình bày những loại văn bản thông dụng trong đời sống và  trong công việc… Vậy ai nói Văn không quan trọng? Ai nói môn Văn không có lợi ích trong đời sống?

 

Để làm cho môn Văn trong nhà trường hấp dẫn hơn, xin hãy cho môn Văn một cơ chế, và một sự đối xử công bằng hơn!

 

Trương Văn Hà

(Trường THPT số 1 Quảng Trạch, Quảng Bình)

Theo Tiền Phong