Đề án 20.000 tiến sỹ: Không khả thi và quá mạo hiểm?

(Dân trí) - “Cháu thấy đề án 20.000 tiến sỹ là không khả thi và nó quá mạo hiểm đối với chúng ta tại thời điểm này. Cháu không biết Bộ Giáo dục đã bao giờ tính đến chất lượng của 20.000 tiến sỹ này hay chưa…”

Đây là những lời tâm sự trong bức thư hơn 1.000 từ gửi tới Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân của lưu học sinh Lê Việt Hưng, hiện đang nghiên cứu sinh ở Nottingham, Vương quốc Anh.

Thực tế đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam

“Qua báo chí, cháu được biết tháng 11 tới Bộ Giáo dục sẽ chính thức trình Chính phủ về đề án đào tạo 20.000 tiến sỹ cho đến năm 2015. Đây là một mục tiêu rất đáng khích lệ và rất đáng trân trọng bởi vì hiện nay đất nước ta hơn bao giờ hết cần rất nhiều những nhà khoa học giỏi nhằm đóng góp cho tiến trình phát triển Khoa học - Công nghệ, Giáo dục… trong công cuộc hội nhập toàn cầu.

Nhưng, bằng sự nhận thức của mình qua hơn 2  năm công tác tại một Viện nghiên cứu trong nước và gần hai năm học tập ở nước ngoài, cháu xin có đôi lời tâm tư muốn tâm sự cùng với bác:

Cháu thấy đề án 20.000 tiến sỹ là không khả thi và nó quá mạo hiểm đối với chúng ta tại thời điểm này. Cháu không biết Bộ Giáo dục đã bao giờ tính đến chất lượng của 20.000 tiến sỹ này hay chưa, nhưng những gì mà cháu được biết hiện nay thì đa số những tiến sỹ được đào tạo trong nước có trình độ rất thấp so với một số nước trong khu vực, ví dụ như Thái Lan, Trung Quốc… là những nước rất gần với chúng ta.

Cháu chỉ xin làm một “phép thử” rất đơn giản như thế này. Bây giờ, chúng ta đi tìm tên của những tiến sỹ đang công tác trong nước trên những tạp chí khoa học chuyên ngành trên thế giới thì liệu rằng chúng ta sẽ tìm được bao nhiêu người?

Nếu chúng ta có tìm được những tên tuổi Việt Nam thì cũng chỉ đại đa số là các nhà khoa học đang nghiên cứu, học tập và giảng dạy ở một số các trường đại học lớn trên thế giới như Hoa kỳ, Anh Quốc, Úc, Canada... Trong khi đó, các tên tuổi của những nhà khoa học đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu tại Trung Quốc và Thái Lan là rất nhiều.

Chỉ cần một ví dụ đơn giản thế thôi đã cho thấy trình độ tiến sỹ của chúng ta không thể sánh kịp với các nước trong khu vực, chứ chưa giám so sánh với các nước khác trên thế giới.

Hàng năm, các tiến sỹ đang làm việc trong nước tiêu tốn không ít tiền của Nhà nước để phục vụ cho công tác nghiên cứu, nhưng cháu thấy hầu hết các công trình nghiên cứu sau khi đã đạt điểm xuất sắc khi bảo vệ ở cấp Bộ hoặc cấp Nhà nước rồi khâu cuối cùng là cho vào “ lưu trong thư viện”. Tức là, các công trình nghiên cứu đó không thể áp dụng được vào thực tế hoặc có áp dụng thì chưa phát huy được tính hiệu quả.

Cháu rất vui vì đã có những người nông dân sáng chế được ra máy chặt mía, máy cắt lúa… trong khi đó bao nhiêu tiến sỹ ở nhưng viện cơ khí, viện nông nghiệp… chưa hề có một công trình nghiên cứu nào để cải thiện sức lao động của người nông dân. Cháu nghĩ, hẳn bác đi công tác nước ngoài nhiều bác cũng thấy người nông dân các nước khác họ thu hoạch, canh tác thế nào.

Bác biết không, mỗi lần cháu đi qua những cánh đồng của họ lại nghĩ đến Việt Nam mình và không biết bao giờ những tiến sỹ của chúng ta mới có thể nghiên cứu chế tạo ra những thiết bị như của họ nhằm giúp người nông dân trong việc sản xuất nông nghiệp. Không biết đến bao giờ những tiến sỹ của chúng ta mới sáng tạo ra được những cái máy thu hoạch mía, máy cắt lúa…

Trên đây chỉ là hai ví dụ nhỏ nhỏ cho thấy rằng, trình độ tiến sỹ của chúng ta hiện này là rất kém về khả năng sang tạo cũng như nghiên cứu.

6 nguyên nhân yếu kém trong khâu đào tạo tiến sỹ

1. Chất lượng giáo dục của những cơ sở đào tạo còn thấp, đội ngũ các tiến sỹ là những giảng viên để đạo tào ra những tiến sỹ khác cũng chịu tình trạng mặt bằng chung là trình độ chưa cao. Có rất nhiều người có khi không đủ trình độ chuyên môn để xứng tầm với một tiến sỹ thực thụ nhưng vẫn được giảng dạy.

2. Trình độ ngoại ngữ (Tiếng Anh) của học viên còn quá kém, hầu như chưa có khả năng hoặc thói quen đọc sách được bằng Tiếng Anh. Chúng ta cũng biết, hiện nay những vấn đề khoa học mới chủ yếu đến từ các nước phát triển như Hoa Kỳ... Đây là một yếu tố rất căn bản dẫn đến các tiến sỹ được đào tạo trong nước của chúng ta không có khả năng tiếp cận các vấn đề khoa học mới đang tăng lên từ thế giới bên ngoài.

3. Chưa có khả năng tự tìm được các vấn đề khoa học mới hoặc ngại tìm những vấn đề khoa học mới.

4. Việc hoàn thành một luận án tiến sỹ quá đơn giản. Ví dụ, học trò giáo sư này thì được giáo sư khác là bạn của mình phản biện, do đó có sự cả nể và “không bắt lỗi” đối với các nghiên cứu sinh.

5. Trong quy chế để có thể nhận bằng tiến sỹ, chúng ta chưa có các tiêu chuẩn cao về các bài báo công bố công trình nghiên cứu của một nghiên cứu sinh, do đó, không có sự thúc đẩy nghiên cứu, tìm tòi đối với các nghiên cứu sinh.

Cháu nghĩ, chúng ta nên có các tiêu chuẩn là ít nhất một bài báo quốc tế có liên quan đến đề tài nghiên cứu đối với mỗi nghiên cứu sinh muốn bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ. Cháu xin nói thẳng, các tạp chí trong nước chưa đủ khả năng để đánh giá các bài báo hoặc đánh giá bằng sự cả nể…

6. Có rất nhiều người theo học lấy bằng tiến sỹ không phải vì mục đích làm khoa học mà vì muốn thăng chức, muốn được đề bạt… và nhiều người thừa tiền rồi thì giải quyết khâu “oai”.

Cháu không biết với đề án 20.000 tiến sỹ, đất nước sẽ tốn hết bao nhiêu tiền của nữa mà trong khi đó chúng ta chưa hề có một giải pháp nào để cải thiện những yếu kém trong vấn đề đào tạo hiện nay cũng như đảm bảo chất lượng thực cho 20.000 tiến sỹ này?

 

Lê Việt Hưng

(NCS tại Nottingham, UK)