Đề án 2.300 tỷ đồng phát triển trường chuyên: Đầu tư chưa công bằng!

(Dân trí) - Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 với tổng số kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng vừa được Bộ GD-ĐT khởi động thực hiện. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo là người giảng dạy nhiều năm ở trường chuyên lại bày tỏ băn khoăn về đề án này.

Với Đề án trường chuyên hơn 2.300 tỷ đồng, Bộ GD-ĐT đã xây dựng một dự án đầu tư thuộc Chương trình phát triển giáo dục trung học để thực hiện Đề án, trong đó sẽ đầu tư cơ sở vật chất, 63 trường chuyên trên toàn quốc sẽ được cung cấp trang thiết bị theo các cấp độ khác nhau; đồng thời sẽ phát triển đội ngũ giáo viên: hơn 1.000 giáo viên các trường chuyên trên toàn quốc sẽ được tập huấn chuyên sâu, tiệm cận với chương trình quốc tế, tập huấn việc sử dụng thiết bị dạy học.
 
Chương trình còn có kế hoạch tập huấn tiếng Anh cho 456 giáo viên, hướng tới mục tiêu là giáo viên chuyên có thể dạy các môn học cho học sinh bằng tiếng Anh. Tổng kinh phí tập huấn tiếng Anh là 638.400 USD. Sắp tới 15 trường chuyên trọng điểm của quốc gia sẽ được đầu tư ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế.
 
Đề án 2.300 tỷ đồng phát triển trường chuyên: Đầu tư chưa công bằng! - 1
Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, ngôi trường hiện đại nhất thủ đô.
 
Khi Đề án bắt đầu được khởi động, đông đảo đội ngũ giáo viên, nhà khoa học trong cả nước đã rất vui mừng, phấn khởi vì đó là “cú hích” cho hệ thống hệ thống trường chuyên hiện nay đang sút kém dần. Nhưng ngay lập tức, nhiều giáo sư, nhà giáo tâm huyết với giáo dục nêu ý kiến bày tỏ băn khoăn về đề án này. 

Đề án 2.300 tỷ đồng phát triển trường chuyên: Đầu tư chưa công bằng! - 2
PGS Văn Như Cương: Đề án này tôi thấy còn làm qua loa

Số lượng trường chuyên chiếm con số rất ít trong hệ thống các trường THPT, là nơi bồi dưỡng tài năng nên chương trình dạy học khác với trường THPT bình thường. Do vậy, tôi thấy trong mục đích xây dựng trường chuyên trở thành trường tiên tiến trọng điểm để cho các trường khác noi theo là không ổn. Hai hệ thống trường, 2 mục đích khác nhau, không thể lấy đó là mô hình cho trường khác được.

Tôi không hiểu sao bỏ ra số tiền lớn hơn 2.300 tỷ như vậy  chỉ để xây mỗi tỉnh một trường chuyên. Trong khi đó nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa hiện nay rất khó khăn, nhà công vụ giáo viên chưa có, chỉ cần nhà nước đầu tư 1 - 2 tỷ xây nhà cho giáo viên, xây trường học cho học sinh vùng sâu, vùng xa khỏi gió, mưa như thế những người dân ở đó đã vui lắm rồi. Chúng ta bỏ ra hơn 2.300 tỷ để xây trường chuyên thì tôi thấy chúng ta đang hướng tới người giàu, không hướng tới người nghèo.

Trường chuyên ở địa phương nói thẳng ra là dành cho các con ông cháu cha, con nhà giàu người ta tìm mọi cách cho con cháu họ vào. Điều nữa mà tôi rất băn khoăn, ví dụ như trường THPT chuyên Amsterdam - Hà Nội xây tới hơn 400 tỷ, trong lúc đó có bao nhiêu trường khác ở Hà Nội còn rất thiếu thốn, nhiều trường còn đi học nhờ, đi thuê địa điểm. Hà Nội chơi hơi sang, vì trường hiện đại quá nên việc bảo vệ và giữ vệ sinh trường... cũng rất tốn tiền.

Trong Đề án có nêu rằng, sẽ cho 200 giáo viên đi đào tạo thạc sỹ ở nước ngoài, đồng thời cử đi học 730 giáo viên cũng đi đào tạo ở nước ngoài để có thể về dạy các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin bằng tiếng Anh cho học sinh. Bộ cũng sẽ đào tạo thạc sỹ trong nước cho 500 giáo viên và bồi dưỡng, đào tạo tiếng Anh, tin học cho 1.560 cán bộ quản lý. Dự kiến kinh phí để phát triển đội ngũ giáo viên khoảng 624 tỷ đồng. Tất cả những “con số” này đầy phiêu lưu.

Về giáo viên, lực lượng giáo viên dạy ở trường chuyên hiện nay là rất thiếu. Hiện chúng ta chưa có một chương trình chuyên tốt, giáo viên dạy chuyên giỏi thì thiếu trầm trọng, những thầy giáo có uy tín thì già rồi mà chưa có đội ngũ kế cận. Tại sao việc đầu tư giáo viên không ở ngay các trường sư phạm mà phải đưa đi đào tạo ở nước ngoài quá tốn kém. Muốn chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho các trường chuyên thì phải chuẩn bị ngay từ các trường sư phạm.Tôi thấy hơi vô lý.

Tôi thấy vô lý nữa của Đề án là đào tạo trường chuyên là dạy các em có tài năng, có năng khiếu nhưng sau khi các em học ở trường chuyên xong lại không có tiếp trường để các em tiếp tục phát huy khả năng của mình. Có em học chuyên Toán cấp III, sau đó lên đại học lại thi vào Y. Như vậy chúng ta bồi dưỡng các em lại chẳng đi đến đâu, không có kết quả. Trong khi đó, những em giỏi toán này, chúng ta phải tiếp tục hướng các em nghiên cứu về Toán thì mới đúng.

Đó là giai đoạn sau của trường chuyên còn giai đoạn trước của trường chuyên cũng không được để ý. Sau tiểu học là chúng ta phát hiện được các em có năng khiếu theo môn học nhưng chúng ta lại không có trường chuyên cấp II để bồi dưỡng các em mà đến cấp III mới có, bỏ phí mất thời gian dài. Do vậy, tôi thấy đề án này còn làm qua loa.
 
PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên, Đại học khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): Đầu tư chưa công bằng!
Đề án 2.300 tỷ đồng phát triển trường chuyên: Đầu tư chưa công bằng! - 3

Khi có Đề án trường chuyên là chúng tôi những người dạy chuyên đã rất mừng nhưng chúng tôi lại rất bất ngờ, rất buồn là trong Đề án đầu tư trường chuyên này lại không có danh sách tên các trường chuyên thuộc các trường đại học. Trong khi đó, khối trường chuyên của các trường đại học này đã có rất nhiều thành tích, đào tạo biết bao nhà khoa học xuất sắc, hàng trăm học sinh giỏi quốc tế với đội ngũ giáo viên dạy giỏi hùng hậu nhưng lại không được chọn vào 15 trường trọng điểm để đầu tư.

Hiện nay học sinh chuyên của chúng tôi học trong các phòng học chật chội không bằng một trường tiểu học, cơ sở vật chất đã xuống cấp tồi tệ, nhưng chúng tôi vẫn làm tốt nhiệm vụ đào tạo học sinh chuyên.

Do vậy, Đề án nếu không đầu tư vào trường tốt như hệ thống trường chuyên thuộc các trường đại học thì phải trả lời lý do tại sao. Câu hỏi tôi muốn gửi đến những người làm Đề án là Bộ định đầu tư tiền cho các trường chuyên trọng điểm như thế nào? Và dựa trên căn cứ gì để xác định trường nào sẽ lọt vào 15 trường chuyên trọng điểm? Chúng tôi cần chữ công bằng. Mặc dù tôi biết rằng, số tiền hơn 2.000 tỷ vẫn còn ít nếu đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc tế.

Việc đầu tư giáo viên dạy chuyên muốn đạt chuẩn quốc tế thì thạc sỹ cũng chưa đạt mà phải có kinh nghiệm và giáo viên dạy chuyên có kinh nghiệm thì hiện nay như chúng tôi không nhiều. Nên đầu tư giáo viên ở các trường đại học vì đó như là "máy cái" làm trọng tâm để bồi dưỡng. Theo tôi, nếu xây dựng trường chuyên đạt chuẩn quốc tế mà giáo viên không có giáo viên đạt chuẩn quốc tế thì cũng bằng không.

Hồng Hạnh (ghi)