Đề án đổi mới tài chính giáo dục: Chỉ giải quyết được một phần khó khăn

(Dân trí) - “Ngay cả khi Đề án “Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục” được Quốc hội thông qua, thì trên thực tế mới chỉ giải quyết được một phần những khó khăn về tài chính mà các trường ĐH công lập đang phải đối mặt”.

Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Đức Viên, Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp Hà Nội về Đề án “Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục giai đoạn 2009-2014” mà Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội.

Đề án đổi mới tài chính giáo dục: Chỉ giải quyết được một phần khó khăn - 1

Tại sao ông lại cho rằng Đề án “Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục” mới chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính của các trường ĐH công lập?

Đề án của Chính phủ về “Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014” chuẩn bị trình Quốc hội là hợp lý và cần thiết trong tình hình ngành GD-ĐT hiện nay.

Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, thu nhập của người dân còn thấp, nhất là vùng đồng bào dân tộc ít người sinh sống ở các nơi xa xôi như biên giới, hải đảo, thì dù nhà nước có tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho GD-ĐT lên đến 20% (cao so với thế giới) thì số chi tuyệt đối thực tế tính bình quân cho một người đi học ở tất cả các cấp học đều còn rất thấp.

Cũng không thể duy ý chí mà cho rằng chi cho giáo dục đào tạo như vậy là cao và chất lượng phải ngang với thế giới, đồng thời cũng cần chống khuynh hướng ỷ lại bao cấp của nhà nước hoặc huy động quá mức đối với khả năng chi trả của người dân. Đề án đã xác định rõ tính chất của tài chính giáo dục, cơ chế điều tiết các nguồn và lộ trình thực hiện.

Việt Nam đã cam kết coi dịch vụ giáo dục là một thị trường và mở cửa thị trường này khi vào WTO. Muốn vậy, chỉ có tăng học phí mới tăng được chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp để cạnh tranh được với các tổ chức nước ngoài.

Nếu chúng ta cứ cố bám lấy cơ chế bao cấp, cơ chế xin - cho cũ, thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ mất thị phần giáo dục công lập trên chính quê hương mình.

Đề án đã khẳng định sử dụng hợp lý và có hiệu quả hơn NSNN và đóng góp của người dân (học phí) và các đóng góp xã hội khác vì quyền lợi người học. Học phí chỉ là một bộ phận được đề án cơ cấu cụ thể hơn để thực hiện tốt hơn phần ngân sách cam kết của nhà nước. Tất nhiên là, không phải đề án được duyệt hôm nay thì ngày mai chất lượng giáo dục và đào tạo đã đổi khác.

Ông có thể đưa ra ví dụ cụ thể?

Tôi xin đưa ra các số liệu của ĐH Nông nghiệp Hà Nội làm ví dụ. Để nâng cao chất lượng đào tạo, cách đây vài năm nhà trường chủ trương không đào tạo hệ Cao đẳng và Trung cấp, giảm quy mô hệ Tại chức, tăng quy mô hệ Sau ĐH.

Tuy nhiên khi thực hiện, nhận thấy với chế độ học phí quá lạc hậu như hiện nay, hàng năm nhà trường phải sử dụng tới 18 tỷ đồng từ quỹ dự trữ để bù cho các hoạt động đào tạo (chưa kể hàng năm nhà trường còn “mất” đi trên 4 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, vì gần 25% số SV của trường thuộc diện miễn, giảm học phí).

Trong khi đó, các khoản thu từ học phí của nhà trường được trên 42,7 tỷ thì riêng chi lương và các khoản có tính chất lương đã hết 42,12 tỷ, còn lại chưa đầy 600 triệu để chi cho tất cả các khoản chi khác như vượt giờ, học bổng, điện, nước, xăng xe, sửa chữa nhà cửa, nâng cấp phòng thí nghiệm... Như thế chắc chắn trong những năm tới, nhà trường không thể thực hiện được Quy định 09/2005/QĐ-TTg về số lượng SV/GV. Đây là tình trạng chung của các trường ĐH công lập, chứ không phải của riêng trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội.

Thực tế là nhiều thầy cô giáo phải lên lớp cả thứ bảy, chủ nhật, cả buổi tối. Số SV (các hệ)/GV đã tăng cao lên 45/1. Nếu không làm thế, nhà trường khó có thể giữ được thày/cô giỏi trong khi các trường dân lập, tư thục, các tổ chức quốc tế lúc nào cũng mời gọi với mức thu nhập cao.

Trước thực trạng ấy, nhà trường lại buộc phải tuyển sinh hệ Tại chức, Cao đẳng, lại phải tăng số lượng SV Tại chức để “chữa cháy”, tuy đã kịp thời “chữa cháy” thì năm học này nhà trường vẫn phải chịu khoản chênh lệch thu-chi âm (lỗ) tới 7,6 tỷ đồng.

Đề án đổi mới tài chính giáo dục: Chỉ giải quyết được một phần khó khăn - 2

Có thể do thiếu thông tin, người dân chưa hiểu được thực chất công tác quản lý và hiệu quả quản lý của ngân sách giáo dục. Nhưng thực tế hiện nay, chất lượng giáo dục của nhiều trường ĐH nói riêng và nền giáo dục nói chung còn chậm đổi mới, kém chất lượng như dư luận đã nói nhiều trong thời gian qua?

Có một phần là sự thật trong những kêu ca, phàn nàn và phê phán ấy. Tôi rất trân trọng những góp ý đầy tính xây dựng, có cơ sở khoa học của nhiều tác giả. Nhưng dường như, phần lớn những lời kêu ca, phàn nàn và phê phán ấy là của người “ngoài cuộc”, họ “vô can” trong tất cả những khuyết tật (nếu có) và hạn chế của ngành GD-ĐT.

Họ không (hay ít) đả động đến những điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, họ không đả động tới những “bệnh xã hội” có thể gặp bất kỳ đâu đó ngoài đường (tham nhũng, hối lộ, không tôn trọng pháp luật,…) đã có những tác động như thế nào đến GD-ĐT và cứ thản nhiên coi tất cả những tệ nạn ấy, những “bệnh” ấy là do lỗi của ngành GD-ĐT. Họ kêu ca rất nhiều về chất lượng giáo dục ĐH, nhưng lại bàn rất ít đến các điều kiện đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.

Hiện nay, dư luận và công luận lại gần như sôi lên về câu chuyện tăng học phí. Đúng là chúng ta lại tiếp tục bàn cãi về câu chuyện “phát minh ra cái bánh xe”. Ở một chừng mực nào đó, các trường ĐH cung cấp dịch vụ đào tạo, người học là người “mua” dịch vụ ấy, anh ta phải trả tiền là lẽ đương nhiên, không kể các trường hợp ngoại lệ. Nhìn chung muốn có hàng tốt thì phải trả tương xứng, hàng làng nhàng thì tiền làng nhàng, còn trả giá rẻ mạt thì chỉ có được hành thứ phẩm, hàng phế phẩm hoặc thậm chí là hàng giả mà thôi!

Thực chất, Đề án đổi mới tài chính này là xuất phát từ lợi ích của người học và gia đình họ. Việc quản lý ngân sách giáo dục hiện nay (định mức, phân bổ kinh phí, cơ chế thu chi...) chưa gắn với nhiệm vụ của mỗi cấp học, ngành học của hệ thống giáo dục. Do đó trong thực tế bị bình quân hóa, không gắn trách nhiệm, hiệu quả, chất lượng với kinh phí, ngành giáo dục bị hạn chế động lực phát triển.

Đề án đã cam kết sự đảm bảo từ phía Nhà nước cho NSGD, các trường ĐH có thể và cần phải cam kết công khai phần đầu tư của ngân sách và mức độ đóng góp của người học trong ngân sách.

Nếu Đề án không được phê duyệt thì ông nghĩ thế nào?

Nếu Đề án vẫn tiếp tục không được phê duyệt, thì các trường ĐH công lập chỉ có 2 cách:

Buộc phải tăng quy mô đào tạo, giảm giờ nghiên cứu khoa học cho cán bộ giáo dục, tăng quy mô lớp, giảm giờ thực tập, thực hành… để bù vào kinh phí thiếu hụt, cố gắng duy trì chất lượng đào tạo như hiện nay. Nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu khoa học thì buộc phải thu thêm “chi phí hỗ trợ đào tạo” dưới hình thức này hay hình thức khác.

Ngay cả khi Đề án này được Quốc hội thông qua, thì trên thực tế cũng mới chỉ giải quyết được một phần những khó khăn về tài chính mà các trường ĐH công lập đang phải đối mặt để thực hiện NQ TW2 (khóa VIII) về GD&ĐT, NQ 14/2005/CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện GDDHVN, của QĐ 09/2005/QĐ-TTg về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh