Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020: "Vừa chạy vừa xếp hàng"

(Dân trí) - Bên cạnh những diễn biến tích cực, qua ba năm đầu triển khai, Đề án Ngoại ngữ Quốc Gia 2020 cũng còn nhiều bất cập. Một trong những bất cập là thực trạng lúng túng vừa bồi dưỡng người dạy, vừa triển khai thí điểm dạy theo chuẩn cho học sinh, sinh viên.

Thực trạng trên, nói theo cách ví của lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại Hội nghị giao công tác triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 (Đề án) vừa diễn ra trong ngày 11/12 tại Đà Nẵng là “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Vinh Hiển - Trưởng Ban Đề án, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh và Phó Trưởng ban Thường trực Đề án Vũ Thị Tú Anh chủ trì. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các trường ĐH vùng, các trường ĐH chuyên đào tạo Ngoại ngữ, lãnh đạo ngành GD các tỉnh, thành trên cả nước.

Hội nghị diễn ra tại Đà Nẵng ngày 11/12.
Hội nghị diễn ra tại Đà Nẵng ngày 11/12.

Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Đề án Vũ Thị Tú Anh, qua ba năm đầu tiên, Đề án đã thực sự tạo được chuyển biến trong nhận thức xã hội từ người dạy, người học về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. Nhất là, trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Kết quả khả quan là năng lực tiếng Anh trong bảng xếp hạng quốc tế đã tăng thêm 12 bậc so với trước đó.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án bộc lộ nhiều bất cập, thách thức.Trước hết là trong công tác bồi dưỡng giảng viên, giáo viên (GV). Theo PGS.TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng thì một trong những rào cản là tâm lý căng thẳng của GV trước áp lực của Đề án quá lớn và có tác động rộng. Không ít GV “chờn” chuẩn trình độ theo yêu cầu của Đề án. Mà để thay đổi nhận thức, khuyến khích GV vượt qua rào cản, lại đòi hỏi ở cấp quản lý sự tế nhị với nhà giáo. Cùng ý kiến với PGS.TS Hòa, lãnh đạo Sở GD Đà Nẵng cũng cho rắng qua thực tế thì việc bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho GV không thể một sớm một chiều, nhất là với các GV lớn tuổi.

Một thực tế nữa, theo đại diện ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, thì đối với ĐH vùng không có trường chỉ chuyên đào tạo về ngoại ngữ thì ngoại ngữ chỉ là môn kỹ năng. Học phần tiếng Anh chỉ là một học phần nhỏ, thiếu GV cơ hữu nên để đào tạo sinh viên (SV) đạt chuẩn tiếng Anh là một thách thức.

Đối với chuẩn đầu ra của SV, thì ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh mới triển khai thí điểm đòa tạo theo chuẩn của Đề án với 10% SV; và áp dụng chuẩn đầu ra B1 đối với SV từ khóa 2013 trở đi chứ không áp dụng ngay khi có Đề án, mặc dù trước đó ĐH này đã triển khai đào tạo tiếng Anh theo năng lực quốc tế cho SV để xây dựng có một lộ trình bền vững.

Nhiều ý kiến phản ánh những bất cập, thách thức trong bước đầu triển khai Đề án.
Nhiều ý kiến phản ánh những bất cập, thách thức trong bước đầu triển khai Đề án.

Ở các bậc học phổ thông, nhiều ý kiến đại biểu phản ánh thực trạng sách giáo khoa (SGK) phục vụ công tác dạy và học còn chậm đến các trường. Theo đại diện Sở GD tỉnh Thái Nguyên chia sẻ thì vận động học sinh tham gia lớp thí điểm đã khó rồi do tâm lý của phụ huynh và học sinh. Mà đến khi đã xếp được lớp rồi, học sinh vào học rồi mà SGK vẫn chưa kịp được cung ứng về trường, làm giảm hào hứng học tập của HS.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh, thành viên Ban Chủ tọa Hội nghị kiến nghị, bước đầu triển khai Đề án, vừa bồi dưỡng nâng cao trình độ cho GV, vừa triển khai đào tạo thí điểm theo chuẩn cho HSSV, vừa đầu tư SGK, trang thiết bị dạy học… kiểu vừa chạy vừa xếp hàng thì tất yếu còn nhiều bất cập, thách thức trong công tác triển khai Đề án

Tiếp nhận ý kiến của đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển - Trưởng Ban Đề án khẳng định quan trọng nhất trong đánh giá năng lực của GV là năng lực sư phạm và năng lực ngoại ngữ. Nên có khó khăn phải tích cực tháo gỡ, tìm ra giải pháp để hoàn thiện dần.

Các đại biểu dự Hội nghĩ cũng đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến. Trong đó có những giải pháp nhận được nhiều sự đồng tình như đối với các trường có điều kiện, nên tổ chức cho GV đi bồi dưỡng ở nước ngoài, dù chỉ trong một thời gian ngắn thôi nhưng rất hiệu quả, vì ngoại ngữ mà nếu không có môi trường thực hành thì rất khó trao dồi các kỹ năng nghe, nói. Một giải pháp nữa là các trường ĐH, ngành GD các địa phương nên phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức GV giao lưu với các tình nguyện viên bản ngữ thường đến nước ta trong các dịp hè. Đây là một giải pháp trao dồi năng lực ngoại ngữ hiệu quả mà ít tốn kém.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận bên lề Hội nghị.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận bên lề Hội nghị.

Trong các trường học phổ thông, ngoài việc tăng cường giáo viên bản ngữ, thì việc tuyển dụng ưu tiên GV đã đạt chuẩn trình độ yêu cầu được nhiều Sở GD áp dụng ngay khi có Đề án. Đại diện Sở GD Thái Nguyên nói chắc, với những GV tuyển vào bằng cấp đạt chuẩn mà năng lực thực tế không đạt thì chúng tôi nói không với cả GV và cả đơn vị đào tạo, cấp bằng.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu kết luận chỉ đạo tại Hội nghị, cần sớm hoàn thiện xây dựng chương trình đào tạo, SGK thống nhất từ trên xuống; Mở các Trung tâm kiểm định không chạy theo số lượng mà phải thận trọng, cân nhắc; Chủ động phối hợp giữa các đơn vị trong đào tạo bồi dưỡng GV, mua sắm trang thiết bị, trong công tác thi, kiểm tra, đánh giá trình độ GV và HS-SV. Đặc biệt là tôn trọng người học và phụ huynh học sinh trong lựa chọn ngoại ngữ, và học ngoại ngữ nào thì chắc ngoại ngữ đó.

Khánh Hiền