Để con có tâm lý tốt nhất trước kì thi, phụ huynh nên làm gì?

(Dân trí) - Gần mùa thi, tỉ lệ học sinh THPT rối loạn tâm lý do những căng thẳng, lo lắng về kỳ thi đại học có dấu hiệu tăng cao. Vấn đề này nếu không được khắc phục đúng cách có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình ôn luyện, kết quả thi, thậm chí nếu kéo dài có thể trở thành tâm bệnh đối với các học sinh cuối cấp.

Nguyên do dẫn đến những rối loạn tâm lý mùa thi xuất phát từ áp lực được tạo ra từ chính bản thân các học sinh, hoặc khởi nguồn từ sự kỳ vọng cao của gia đình, thầy cô, bạn bè… Chính các áp lực tưởng như rất bình thường này đã mang đến hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái mệt mỏi, lo lắng và nguy hiểm hơn là mắc bệnh trầm cảm.


Trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời con em mình, các bậc phụ huynh thường chung tâm lý lo lắng. Vì quá âu lo nên vô tình gây áp lực trong chuyện học hành cho con. (Ảnh: sưu tầm)

Trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời con em mình, các bậc phụ huynh thường chung tâm lý lo lắng. Vì quá âu lo nên vô tình gây áp lực trong chuyện học hành cho con. (Ảnh: sưu tầm)

Nhiều bậc phụ huynh có tâm lý ép con học nhiều để yên tâm. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị T. ở Cầu Giấy (Hà Nội), chị có con trai đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị thi cử. Để có thời gian đốc thúc con học hành, chị đã nghỉ bán hàng 3 tháng nay. Mỗi khi thấy con có dấu hiệu sao nhãng học hành chị thường quát mắng hoặc đưa ra những lời trách móc: “Sao lại nghe nhạc/xem phim?”, “Bố mẹ rất vất vả mà con không biết suy nghĩ”, “Không nghe lời người lớn sau sẽ hối hận”…

Về phần con trai chị T, dù không thích theo đuổi ngành Y mà gia đình định hướng, nhưng buộc phải vâng lời bố mẹ và ôn luyện với cường độ cao. Những buổi học khuya, cậu thường uống nhiều cà phê, đeo tai nghe và bật nhạc ở mức âm lượng cao nhất để chống buồn ngủ. Việc học một cách căng thẳng và thiếu khoa học như thế này đã dẫn đến hệ quả hay quên, đau đầu liên miên và khiến con trai chị T. thường xuyên phải sử dụng thuốc giảm đau cùng với thuốc bổ thần kinh.

Bên cạnh đó, cũng có không ít các học sinh cuối cấp hiện đang rơi vào tình trạng: “Bố mẹ đặt đâu, con buộc phải chạy theo đấy”. Nhiều gia đình định hướng con phải thi đỗ trường này, theo học ngành nọ. “Cố đấm ăn xôi” dù không biết ngành học và trường học có phù hợp với khả năng cũng như nguyện vọng của con em mình hay không. Hệ quả là gánh nặng bài vở và sự kỳ vọng của gia đình đặt nặng lên vai, khiến các học sinh THPT vùi đầu vào học ngày cày đêm.

Khi bị gia đình bắt ép học để thi vào một trường nào đó mà bản thân không thích, đa phần các học sinh thường chọn cách im lặng. Chính việc dồn nén cảm xúc tiêu cực cùng với áp lực ngày càng tăng từ bài vở khiến các em dễ bị ảnh hưởng tâm lý, có khả năng biến chứng nguy hiểm thành bệnh lý. Có những học sinh bị áp lực đến mức mất niềm tin vào năng lực của bản thân, chán nản và bỏ bê học hành. Không ít trường hợp đã bỏ thi.

Bên cạnh đó, việc học bằng cách nhồi nhét cũng không mang đến hiệu quả cho học sinh. Học quá tải khiến não bộ mau quên, khó tập trung. Hậu quả của phương pháp học này là tình trạng học trước quên sau, loãng kiến thức.

Với các trường hợp cha mẹ và con cái bất đồng quan điểm trong chuyện chọn trường, phụ huynh cần thường xuyên trò chuyện để nắm được tâm lý con em mình. Tuy nhiên, đa số cha mẹ và con cái khi bất đồng rất ít khi ngồi lại với nhau. Cha mẹ áp đặt con cái bồng bột, không vâng lời, các con thì cho rằng cha mẹ lạc hậu, cổ hủ. Suy nghĩ áp đặt này hạn chế cơ hội trao đổi chân thành giữa hai bên và khiến không khí trong gia đình trở nên ngột ngạt, hay cãi vã. Đây cũng là lý do khiến nhiều gia đình tìm đến những chuyên gia tư vấn tâm lý học đường để được giải cứu.

Từng tư vấn cho một gia đình gặp trường hợp tương tự, chuyên viên Tư vấn tâm lý Khuất Thị Hoa (ĐH FPT) cho biết: “Vấn đề con cái và cha mẹ bất đồng trong việc chọn trường một phần xuất phát từ tư tưởng "cha truyền con nối". Bố mẹ thường kì vọng con sẽ theo ngành nghề của mình nếu ngành nghề đó mang lại thu nhập và cuộc sống khá giả, ổn định. Tư tưởng này không khó hiểu khi mà trong xã hội hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp đang rất cao, nhưng nó sẽ trở thành lực cản nếu kì vọng của bố mẹ không thỏa mãn đam mê và phù hợp với năng lực của con. Để giúp những phụ huynh và học sinh đang gặp bế tắc trong trường hợp này, cần kết hợp giữa các kỹ năng tư vấn và các trắc nghiệm tâm lý để thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc của từng bên, từ đó có những kỹ thuật tham vấn phù hợp”.


Tư vấn học đường và gỡ rối tâm lý là hỗ trợ cần thiết để học sinh cũng như phụ huynh giải quyết những bức xúc, hiểu lầm và tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần.

Tư vấn học đường và gỡ rối tâm lý là hỗ trợ cần thiết để học sinh cũng như phụ huynh giải quyết những bức xúc, hiểu lầm và tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần.

Hiện tại, dịch vụ tư vấn, tham vấn tâm lý vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số ít trường học tiên tiến đã nhận thấy tầm quan trọng của việc hàn gắn những vết thương tâm lý học đường và đưa tư vấn tâm lý vào môi trường giáo dục. Tại trường ĐH FPT, phòng tư vấn tâm lý được xây dựng với mục đích hỗ trợ sinh viên vượt qua các khó khăn trong tâm lý liên quan đến cuộc sống học đường, thực hành và phát triển kỹ năng học tập, cũng như kỹ năng mềm. Từ đó, bản thân mỗi sinh viên có thể khai thác tiềm năng của mình để cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, nhằm hỗ trợ tối đa cho quá trình học tập.


Với mong muốn hỗ trợ sinh viên các vấn đề khó khăn tâm lý trong cuộc sống học đường, trường ĐH FPT đã học hỏi mô hình Tâm lý học đường của Mỹ để triển khai Chương trình tâm lý học đường.

Với mong muốn hỗ trợ sinh viên các vấn đề khó khăn tâm lý trong cuộc sống học đường, trường ĐH FPT đã học hỏi mô hình "Tâm lý học đường" của Mỹ để triển khai Chương trình tâm lý học đường.

Tuy nhiên, những ngôi trường có mô hình như ĐH FPT còn rất ít. Và dù sao phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Các bậc phụ huynh nên ở bên cạnh lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc và cùng con thảo luận về những hướng đi khác nhau trong cuộc sống thay vì nhất quyết bắt con làm theo mong muốn của mình.

Và trong những trường hợp không thể ngồi xuống trò chuyện cùng con, các bậc phụ huynh có thể tìm đến những chuyên gia tâm lý học đường giàu kinh nghiệm để nhận sự hỗ trợ.

Mai Mai