TTDN&DVVL TN Hà Tĩnh bán chứng chỉ như bán rau:

"Đe đánh đục, đục đánh khăng!"

(Dân trí) - Trước những chứng cứ rõ ràng của <i>Dân trí</i> về việc bán chứng chỉ thu lợi nhuận phi pháp, cả Trưởng phòng Đào tạo và Giám đốc Trung tâm Dạy nghề & Dịch vụ Việc làm Thanh niên Hà Tĩnh đều chối đẩy trách nhiệm của mình.

"Không có chuyện nhân viên bán chứng chỉ!"

Bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng Đào tạo của Trung tâm Dạy nghề & Dịch vụ Việc làm Thanh niên Hà Tĩnh (TTDN&DVVL TN HT) cho hay: Phòng Đào tạo có nhiệm vụ thực hiện các quy trình để cấp chứng chỉ. Mỗi đối tượng muốn được cấp chứng chỉ phải qua đăng ký học, sát hạch từ một kỳ thi có sự giám sát của ban sát hạch. Các đối tượng đến làm chứng chỉ rất nhiều, tuy nhiên không có chuyện nhân viên Trung tâm bán chứng chỉ ra ngoài, hay thu phí cao hơn so với quy định.

Lý do mà bà Phượng đưa ra là phòng Đào tạo luôn luôn làm đúng nguyên tắc. Thứ nhất là phải có bài thi phỏng vấn, thi viết, có đáp ứng được chuyên môn, có điểm chỉ để đối chiếu mới được Hội đồng sát hạch cấp chứng chỉ.

Bà Phượng làm chúng tôi sửng sốt khi cho rằng, người đăng ký dự thi phải ký vào một cái đơn xin đăng ký thi sát hạch cấp chứng chỉ, trên đơn ghi rõ lệ phí 30.000 đồng. Trường hợp người dự thi nộp cao hơn 30.000 đồng là có lẽ họ không... biết chữ nên không đọc thấy. Bà khẳng định “Phòng đào tạo không cần tư vấn lệ phí thi. Tôi cũng không biết là họ nộp qua tư vấn hay cò ở đâu đó thì kể họ!”.

 

"Đe đánh đục, đục đánh khăng!" - 1

Hai dấu vân tay đỏ là cách nguỵ tạo của Trung tâm để đối phó với cơ quan chức năng khi bị đối chất. Theo lời bà Phượng, người đăng ký dự thi này (tức PV Dân trí-PV)... không biết chữ! (Ảnh: V.Dũng)

 

“Tôi đã bị cấp dưới qua mặt”(?)

Khác với bà Lê Thị Phượng, trước những cứ là chứng chỉ tin học vừa mới mua được mà PV Dân trí cung cấp, ông Trần Khánh Hùng, Giám đốc TTDN&DVVL TN HT đã thẳng thắn thừa nhận sự việc mua bán chứng chỉ đã diễn ra.

Theo ông Hùng, cách đây một năm, Trung tâm DN&DVVL TNHT đã phát giác được ba trường hợp nhân viên tổ chức mua bán chứng chỉ. Cuối năm ngoái, Trung tâm tiếp tục phát giác thêm được một trường hợp nữa là giáo viên đã bán chứng chỉ với giá 350.000 đồng. Ba nhân viên trước do vi phạm quá nhiều nên đã bị Trung tâm sa thải, còn trường hợp còn lại do mới vào hợp đồng nên Trung tâm buộc trả lại tiền và có biện pháp xử lý để uốn nắn.

Rõ ràng rằng việc để tình trạng bán chứng chỉ phi pháp diễn ra trong một thời gian dài có trách nhiệm của Giám đốc Trần Khánh Hùng. Tuy nhiên, về phần mình, ông Hùng vẫn một mực khẳng định: “Việc mở đào tạo nghề là tôi muốn tạo điều kiện cho anh em làm thêm, nhưng không ngờ nhân viên lại qua mặt. Đây chỉ là hiện tượng cá nhân tiêu cực, bản thân tôi dù là giám đốc cũng không thể quán xuyến được hết việc”(?).

Để chứng minh cho sự “vô tội” của mình, đồng thời nói rằng trách nhiệm thuộc về cấp dưới, ông Trần Khánh Hùng đã kiên quyết xử lý nghiêm vụ việc này. Cụ thể, do đây không còn là vấn đề nội bộ của đơn vị, do đó, toàn bộ vụ việc sẽ được chuyển lên Phòng An ninh văn hóa, Công an tỉnh (PA25) để phối hợp làm rõ. “Những nhân viên bán chứng chỉ ra ngoài sẽ bị sa thải, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Hùng cho hay.

Sau buổi làm việc với Lãnh đạo TTDN&DVVL TNHT vào sáng ngày 5/3, ông Trần Khánh Hùng đã chủ động liên hệ với PV Dân trí. Qua cuộc điện đàm, ông Hùng cho biết, "trước mắt Trung tâm đã tính đến chuyện buộc thôi việc nhân viên nữ có tên là Chung, là Đảng viên, phụ trách quản sinh, trực thuộc Phòng Đào tạo vì đã vi phạm đến thu sai nguyên tắc theo quy định của đơn vị. Ông Hùng cũng cho biết, sẽ sớm thông báo vụ việc để PA25, Công an tỉnh phối hợp làm rõ”.

Văn Dũng - Trần Minh