Để đạt điểm tuyệt đối 30/30

Hai năm lớp 10, 11 ở Trường THPT Gia Định (TPHCM), Phạm Thế Thông cho rằng mình vẫn là học sinh bình thường, đứng ở tốp giữa trong lớp. Thế nhưng việc đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi ĐH dường như chẳng có gì ngạc nhiên với cậu.

Thật ra, ở lớp 10 Thông cũng đã từng đoạt được một huy chương bạc môn tin học trong kỳ thi Olympic truyền thống 30/4 và được trường chọn vào đội tuyển tin học nhưng cậu lại xin rút vì cái chính là mục tiêu vào đại học.

 

Trong căn hộ nhỏ ở cư xá Thanh Đa, để chứng tỏ mục tiêu chính của mình từ bàn học, trong phòng ngủ, ra phòng khách, xuống cả bếp Thông dán đầy những “quyết tâm thư” với bốn chữ “thủ khoa đại học” “để lúc nào cũng nhớ tới mục tiêu của mình”, Thông giải thích.

 

Bắt đầu cho mục tiêu, bạn tăng tốc học. Ngoài thời gian học ở trường và học thêm ba môn toán, lý, hóa ở trung tâm luyện thi, cậu tăng giờ tự học ở nhà lên khá nhiều. Sáng học ở trường, chiều ngoài một số buổi tăng tiết ở trường, bạn chúi vào phòng tự luyện thi. Tối học thêm về ngồi vào bàn đến đúng 12 giờ.

 

Những giờ học các môn tự nhiên tại lớp, Thông gần như tranh thủ thuộc bài ngay. Chẳng phải “con nhà nòi” (ba làm nhân viên bến xe miền Đông, mẹ nội trợ), việc học Thông gần như tự thân vận động.

 

Sau vài tháng tăng tốc, chưa hết học kỳ 1 Thông đã được xem là học sinh giỏi nhất lớp các môn tự nhiên.

 

Cậu học trò có ngoại hình trắng trẻo, hiền lành, khi mỉm cười còn nhú chiếc răng khểnh dễ thương như con gái nhưng lại có lối nói chuyện hết sức tự tin khi trao đổi: “Theo mình, đề thi ĐH những năm gần đây đều ra các dạng quen thuộc có hướng giải và cách giải cả. Để giải, không cần biết những kiến thức lạ mà đều có trong sách giáo khoa.

 

Tuy nhiên, đề không đơn giản dạng này dạng kia mà phối hợp nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng. Đề thi thường chỉ có 1 điểm rơi vào dạng lạ học sinh chưa từng gặp trong quá trình luyện thi, hơn nhau ở điểm này”.

 

Biết tin mình đạt thủ khoa 30/30 điểm, hình như Thông chẳng chút bất ngờ. “Thi xong mình xem lại đáp án của bộ, tất cả đáp số của mình đều đúng, quan trọng là cách trình bày cũng chặt chẽ. Xem tới xem lui mình không thấy chỗ nào sai sót nên cầm chắc từ 29 điểm trở lên” - Thông bảo.

 

Nghe có vẻ đơn giản nhưng thật ra đó là sự luyện tập đáng nể. Ngoài môn toán, môn lý và hóa Thông phải tự học cách trình bày thế nào để giám khảo không thể bắt lỗi. Trong bộ sách tham khảo gối đầu giường của Thông có bộ đề tuyển sinh đại học những năm trước. Thông nghiên cứu kỹ các đáp án và nhận ra thường các học sinh ít chú ý tới những chi tiết nhỏ trong cách trình bày.

 

Theo Kim Liên
Tuổi Trẻ