Đề Địa: Không quá khó nhưng hơi dài

(Dân trí) - Đó là nhận xét của nhiều thí sinh khi vừa bước ra khỏi phòng thi môn Địa lý sáng nay. Theo nhiều giáo viên dạy Địa lý thì đề được, không quá khó, bám sát chương trình phù hợp với thí sinh.

Tại Hội đồng thi ĐH Luật, thí sinh Trần An Nam (Thanh Hoá) ra đầu tiên, mặt rất hớn hở cho biết: “Đề bình thường, em làm được hết, dự kiến khoảng 7-8 điểm”.

 

Cũng dự kiến bài thi của mình 7 điểm, thí sinh Nguyễn Tú Anh (Hà Nội) chỉ tiếc là vẽ biểu đồ không được đẹp lắm, phải tẩy xoá nhiều. Các câu hỏi đều nằm trong chương trình em đã học và được ôn. Tuy nhiên, có câu IV của chương trình Chuẩn là hơi khó vì phải nên định hướng phát triển và trả lời tại sao vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tốc dộ tăng trưởng GDP cao nhất nước.

 

Với đề Địa, nhiều thí sinh cho rằng câu II (3 điểm) là khó và dài.

 

Nhận định về đề thi, cô giáo Hoàng Thị Liên trường THPT Chu Văn An Hà Nội cho biết: “Đề bám sát chương trình lớp 12, kiến thức vừa phải. Có câu phân hoá kiến thức. Do đề không khó nên sẽ ít thí sinh điểm liệt và phổ điểm phải từ 5 trở lên.

 

Đề Địa lý khối C:

 

I.                   PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (8,0 điểm)

Câu I (2,0 điểm)

  1. Trình bày đặc điểm và ý nghĩa của giai đoạn Tiền Cambri trong lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ Việt Nam.
  2. Chứng minh rằng nguồn lao động của nước ta phân bố không đều giữa khu vực nông thôn với khu vực thành thị. Phân tích tác động tích cực của quá trình độ thị hoá ở nước ta tới sự phát triển kinh tế.

 

Câu II (3,0 điểm):

1. Phân tích những thuận lợi đối với hoạt động đánh bắt thuỷ sản của nước ta. Giải thích tại sao hoạt động nuôi trồng lại chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành thuỷ sản.

2. Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm những tỉnh nào? Hãy phân tích thế mạnh về tự nhiên và hiện trang phát triển thuỷ điện của vùng này.

 Câu III (3,0 điểm):

 

Cho bảng số liệu: Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế phân theo thành phần kinh tế ở nước ta. (Đơn vị: tỉ đồng).

 

Năm

Kinh tế Nhà nước

 Kinh tế ngoài Nhà nước

 Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

2000

39 206

177 744

3 461

2006

75 314

498 610

22 283

Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2007, NXB Thống kê, 2008, trang 443.

 

Anh/ chị hãy:

1.       Vẽ biểu đồ thích hợp thể hiện quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và cơ cấu của nó phân theo thành phần kinh tế ở nước ta năm 2000 và năm 2006.

2.       Rút ra nhận xét từ biểu đồ đã vẽ.
 

II.                PHẦN RIÊNG (2,0 điểm)


Câu IV.a. Theo chương trình Chuẩn (2,0 điểm):

Tại sao vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tốc dộ tăng trưởng GDP cao nhất trong số các vùng kinh tế trọng điểm ở nước ta? Nêu định hướng phát triển của vùng này.


Câu IV.b. Theo chương trình Nâng cao (2,0 điểm)
Tại sao Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất ở nước ta hiện nay? Nêu định hướng  phát triển sản xuất lương thực của vùng này.

 

Hồng Hạnh