Đề Địa lý mang tính thời sự và phân hóa cao

(Dân trí) - Đề thi hay, bao quát rộng, mang tính thời sự và có tính phân hóa cao là những nhận định chung của một số thầy cô giáo về đề thi môn Địa lý THPT Quốc gia năm 2016.

Cô Đỗ Thị Bảy, giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội):

Trước hết phải nói là tôi rất thích đề thi Địa lý năm nay. Đề thi có sự phân hóa rõ ràng so với những năm trước đây. Đề ra hoàn toàn theo cấu trúc của Bộ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng thấp, vận dụng cao. Với đề năm nay chỉ có câu đầu tiên là học sinh có thể làm ngay được, từ câu thứ hai đã có sự phân hóa rồi.

So với năm ngoái, câu hỏi về Atlat đã khó hơn. Về câu tính toán tôi thấy là không thể vẽ ngay như trước đây mà phải tính toán về cả quy mô, về cả cơ cấu. Học sinh sẽ phải học một cách bài bản, tránh học vẹt mới làm được. Sau khi vẽ xong, tính được cả quy mô, cơ cấu mới đi vào giải thích được vấn đề đó. Sang câu thứ tư, tôi thấy sự phân hóa rất rõ, câu này không phải dễ gì mà học sinh làm được vì vừa vận dụng kiến thức được học trên lớp, vừa mang tính thời sự rất cao. Môn Địa lý là môn tổng hợp thì đề thi năm nay đã đáp ứng được yếu tố này.

Cô Đỗ Thị Bảy, giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).
Cô Đỗ Thị Bảy, giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Cô Vũ Thị Thanh, giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội):

Thứ nhất năm nay theo tôi đề thi khá hay, nhất là về nội dung tôi thấy bao quát được chương trình lớp 12. Về cấu trúc rất rõ ràng, khoa học, hợp lý theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thứ 3 là mức độ phân hóa rất rõ ràng đặc biệt là câu số 4, cả ý 1 và 2 của câu số 4 đều có sự phân hóa cao. Các em muốn làm tốt câu này thì cần phải chuẩn bị kiến thức rất kỹ lưỡng.

Câu thứ 2 là câu thực hành cần học sinh có sự chuẩn bị về kĩ năng toán học cũng như là nhận biết và cách giải thích biểu đồ. Cũng như nhận biết giải thích nội dung trong câu hỏi đặt ra.

Theo tôi thấy đề thi năm nay có sự phân hóa tốt hơn năm trước, nội dung bao quát hơn, đặc biệt câu Atlat có sự phân hóa hơn so với năm trước. Ví dụ năm trước phần đọc Atlat học sinh để đạt được điểm trọn vẹn 2 điểm rất nhiều, năm nay để đạt được 2 điểm sẽ ít hơn. Phần vùng kinh tế ven biển miền Trung sẽ nhiều em mắc ở chỗ đó nếu các em chuẩn bị không tốt.

Theo tôi nội dung đề thi năm nay đã có sự phân hóa rất rõ, với các em chỉ thi để xét tốt nghiệp thì cũng đạt được điểm 5-6 khá phổ biến, nhưng để đạt được mức độ điểm giỏi là từ 8 trở lên tôi nghĩ sẽ khó hơn so với năm trước. Đặc biệt là tính thời sự của câu số 4 tôi thấy rất hay, để học sinh làm tốt câu 4 cũng không khó bởi vì các thầy cô nhận định được nội dung thời sự của năm nay. Không chỉ riêng tôi, mà các thầy cô giáo dạy môn Địa lý cũng đề cập đến vấn đề này. Riêng tôi đánh giá, năm nay sẽ vẫn có điểm 10 nhưng số lượng điểm 10 sẽ ít hơn năm trước.

Cô Vũ Thị Thanh, giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội).
Cô Vũ Thị Thanh, giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội).

Cô Lại Kim Anh, giáo viên Trường THPT Việt Đức (Hà Nội):

Đề thi Địa lý năm nay theo tôi có cấu trúc rõ ràng, khoa học, đảm bảo tính thực tiễn, tính thời sự và có sự phân hóa rõ ràng. Đặc biệt là câu số 4 đòi hỏi học sinh có kiến thức, tư duy, khả năng tổng hợp kiến thức. Nhìn chung, với những học sinh mục đích chỉ đạt ở mục tiêu là thi tốt nghiệp thì các em dẽ dàng đạt được điểm 6, 7. Tuy nhiên, để đạt được điểm 10 thì đòi hỏi học sinh phải có sự chuẩn bị kiến thức tương đối đầy đủ.

Với câu hỏi số 4 về xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long là nội dung mang tính thời sự cao vì thời gian vừa qua tình hình xâm nhập mặn diễn ra rất nghiêm trọng và hoàn toàn có thể giải thích được thông qua kiến thức Địa lý lớp 12. Đề thi không quá khó nên các em có thể dễ dàng làm được, vấn đề xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề mang tính thời sự cao cho nên trong quá trình ôn luyện cũng được nhấn mạnh và coi đó là nội dung trọng tâm yêu cầu các học sinh đưa lên hàng đầu.

Cô Lại Kim Anh, giáo viên Trường THPT Việt Đức (Hà Nội).
Cô Lại Kim Anh, giáo viên Trường THPT Việt Đức (Hà Nội).

Cô Đỗ Thị Loan, giáo viên Trường THPT Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội):

Đánh giá chung về Địa lý năm nay, tôi thấy đề thi đảm bảo được về cả cấu trúc, tính phân hóa lẫn tính thời sự trong một đề thi. Cấu trúc đề đảm bảo tính khoa học, bám sát với ma trận đề. Về nội dung tôi cho rằng đây là đề thi vừa sức với học sinh, ngay cả với các học sinh chỉ xét tốt nghiệp các em cũng có thể đạt được điểm 5-6 dễ dàng. Đề mang tính phân hóa rất cao, dải đều ở cả 3 câu, câu 2, câu 3 và câu 4, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng mới làm được. Ở câu 4, những vấn đề đặt ra đòi hỏi các em vừa phải có kiến thức trong sách vở, vừa phải có kiến thức thực tiễn để các em vận dụng. Đối với đề thi này, tôi nghĩ điểm cao sẽ không nhiều như năm ngoái và phổ điểm sẽ chủ yếu ở 5, 6, 7 điểm.

Cô Đỗ Thị Loan, giáo viên Trường THPT Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội).
Cô Đỗ Thị Loan, giáo viên Trường THPT Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội).

Cô Trần Thị Hoa, giáo viên Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội):

Đề thi Địa lý năm nay tôi rất hài lòng, có chất lượng tốt, phân hóa cao và phổ kiến thức rộng. Phải nói rằng là vừa sức với học sinh, đối với học sinh tốt nghiệp các em có thể làm được những câu như câu đọc Atlat, vẽ biểu đồ, ý 2 của câu 1 phân tích ảnh hưởng tích cực đô thị hóa đến xã hội và học sinh có thể vận dụng kiến thức xã hội để trả lời được.

Như vậy không chỉ là học vẹt mà học sinh có thể hiểu vận dụng tư duy để trả lời. Vì vậy tôi tin học sinh có thể đạt phổ điểm 5 trung bình trở lên. Tuy nhiên sẽ có sự phân hóa cao, phân hóa ngay như ý 1 câu đọc Atlat kể tên trung tâm công nghiệp và quy mô của các trung tâm ở Đồng bằng sông Hồng, thì học sinh phải vừa kể tên vừa kể được giá trị của nó. Học sinh phải suy nghĩ kĩ ở câu hỏi đó mới có thể trả lời chính xác được.

Còn câu phân hóa mang tính thời sự cao là câu số 4 về ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm và tài nguyên đất đồng bằng Sông Cửu Long đối với phát triển nông nghiệp cũng như việc giải thích tại sao đồng bằng Sông Cửu Long lại có tính xâm nhập mặn như vậy. Đây là vấn đề cả nước đang rất quan tâm, nên học sinh sẽ quan tâm đến vấn đề đó nhưng phải lắng nghe vận dụng và hiểu thì mới có thể trả lời được câu hỏi này tốt được. Điều đó làm tôi cảm thấy rất thích và đánh giá tốt về đề thi năm nay.

Tôi nghĩ đề thi năm nay phân hóa cao hơn năm trước, điểm trung bình từ 5-7 sẽ nhiều hơn, nhưng để đạt điểm 9, 10 sẽ có đạt được số lượng như năm trước. Bởi vì đề phân hóa cao hơn. Nó thể hiện được học sinh có sự phân hóa như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với lại học sinh biết mà vẫn có thể đạt được điểm như vậy. Như vậy nên học sinh phải hiểu, biết vận dụng kiến thức thực tế, kiến thức của các bài học mới có thể trả lời được 10 điểm.

Cô Trần Thị Hoa, giáo viên Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội).
Cô Trần Thị Hoa, giáo viên Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội).

Hồng Hạnh