Để giáo dục đại học Việt Nam đạt chuẩn quốc tế

Đổi mới giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam hướng tới đạt chuẩn quốc tế là vấn đề thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Nhưng đổi mới bằng cách nào?

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bành Tiến Long: Xây dựng một số trường ĐH trọng điểm đạt chuẩn quốc tế

 

Hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam có nhiều khác biệt so với nền giáo dục trên thế giới, vì thế ở thời điểm hiện tại, chúng ta chỉ có thể hòa vào hệ thống văn bằng quốc tế thông qua các chương trình liên kết đào tạo với các trường ĐH hay thương hiệu ĐH đã được mặc nhiên thừa nhận trên thế giới.

 

Chính vì vậy, chúng tôi khuyến khích các trường ĐH trong nước tranh thủ khai thác các mối quan hệ và hợp tác song phương với các trường ĐH trong khu vực và trên thế giới, các doanh nghiệp và tập đoàn từ việc liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, thầy giáo đến tiếp thu học hỏi kinh nghiệm của bạn trong giảng dạy và học tập...

 

Những năm sắp tới, giáo dục ĐH Việt Nam cần tăng cường đẩy mạnh quan hệ hợp tác thông qua việc khuyến khích các cơ sở liên kết đào tạo với nước ngoài hoặc thành lập cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

 

Quốc tế hóa một số chương trình đào tạo nhằm thu hút sự quan tâm của sinh viên quốc tế, dần hướng tới việc xuất khẩu giáo dục tại chỗ; lựa chọn và tập trung xây dựng một số trường ĐH trọng điểm đạt chuẩn quốc tế và được xếp hạng trước mắt là trong khu vực để hợp tác một cách sòng phẳng với một số trường ĐH lớn trong khu vực như ĐH NUS (Singapore), ĐH Postech (Hàn Quốc), ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc)...

 

GS - TSKH Đỗ Trần Cát, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước: Cần xem xét lại chương trình học!

 

Chương trình ĐH có nhiều bất cập, nhưng việc sửa đổi đã và đang được tiến hành không có hiệu quả. Chẳng hạn, việc giảng dạy môn triết học, chính trị... trong các trường công nghệ là cần thiết, nhưng không thể với số lượng giờ quá nhiều trong tương quan với các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

 

Khi họp Hội đồng Tư vấn về sửa đổi chương trình cho Bộ GD - ĐT, hầu hết ủy viên hội đồng đều có ý kiến là giảm bớt số giờ các môn khoa học xã hội, nhưng kết quả là không thay đổi...

 

Các hiện tượng nêu trên cho thấy chúng ta chưa có cách nhìn nhận đúng mức đối với chương trình học. Các thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, người Việt Nam đi học Nghiên cứu sinh ở nước ngoài chỉ cần có bằng ĐH Việt Nam. Sang đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi chúng ta coi cao học là bằng thạc sĩ, các nước yêu cầu người Việt Nam để được học Nghiên cứu sinh phải có bằng thạc sĩ.

 

Sang thế kỷ 21, một số nước phát triển đã bắt đầu không công nhận bằng thạc sĩ của ta và bắt các Nghiên cứu sinh của ta phải thi lấy bằng thạc sĩ của họ, sau đó mới nhận vào làm Nghiên cứu sinh, mặc dù những người này đã có bằng thạc sĩ Việt Nam. Những dấu hiệu ấy cho thấy chương trình học của chúng ta cần phải được xem xét lại.

 

Thạc sĩ Đào Đức Tuyên, Phó trưởng Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Nên để các trường tự chủ về chương trình đào tạo

 

Hiện nay, chương trình giáo dục ĐH của ta vẫn còn kém hiệu quả. Nguyên nhân: Bộ khống chế quá chặt về chương trình khung, yêu cầu các trường phải tuân thủ một cách cứng nhắc.

 

Ví dụ: Chương trình khung qui định phải có môn học giáo dục thể chất, trong khi với ĐH nước ngoài đây là môn tự chọn. Cách bố trí môn giáo dục quốc phòng như hiện nay cũng cần xem lại. Một tháng học ròng rã vừa lý thuyết vừa thực hành là quá nặng nề với sinh viên.

 

Theo tôi, các trường cần được chủ động trong biên soạn chương trình. Trong cùng một ngành, mỗi trường sẽ có chương trình đặc thù mang thế mạnh riêng của trường mình. Đây cũng là một cách cạnh tranh lành mạnh giữa các trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

 

Một điều quan trọng nữa là nên sửa đổi phương pháp đánh giá, kiểm tra ở bậc ĐH. Hiện nay, kỳ thi cuối kỳ chiếm đến 60% - 70% điểm số của sinh viên. Theo tôi, chỉ nên chiếm 30%, 30% còn lại căn cứ vào đề tài nghiên cứu khoa học, việc tự học, tham gia vào giờ học của lớp...

 

Không nên dựa hoàn toàn vào bài thi cuối học kỳ mà cần đánh giá suốt quá trình đào tạo.

 

Tiền phong – theo NLĐ