Đề Hóa hay!

Nội dung đề thi bám sát chương trình giáo khoa lớp 12, học sinh trung bình cũng có thể làm được 60-70% bài thi, tuy nhiên vẫn có sự phân loại ở những câu hỏi mang tính nâng cao.

Đó là nhận xét chung của đa số các giáo viên chuyên môn về đề thi môn Hóa của kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm 2006 diễn ra chiều 31/5.

 

Theo thầy Lê Kim Hùng - Tổ trưởng tổ Hóa Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM), học sinh sẽ phấn khởi với đề thi này.

 

Phần lý thuyết, ở đề 1, câu 1 nói về nước cứng, chuỗi biến đổi, áp dụng riêng cho bài sắt. Đây là bài có trong SGK mà tất cả học sinh đã học, thầy cô trong trường đã dạy rất kỹ nên các em đều làm được.

 

Sang đến câu 2 cũng có trong chương trình nhằm phân loại học sinh, tuy là những phản ứng cơ bản nhưng đòi hỏi học sinh phải học bài, biết phản ứng từng loại, phản ứng đặc trưng của mỗi chất... thì mới làm đúng.

 

Câu 3 vẫn để phân loại học sinh nhưng có tính nâng cao hơn, học sinh phải nắm rõ natri kim loại khử nước mạnh nên natri phản ứng với nước trước cho ra dung dịch kiềm, sau đó đồng sunfat mới tác dụng với kiềm, một số học sinh yếu sẽ  cho natri tác dụng với đồng sunfat là sai.

 

Tương tự ở đề 2, các dạng câu hỏi đều đề cập đến những kiến thức đã học, đã từng làm, có trong SGK, học sinh biết được phản ứng đặc trưng, chuỗi biến đổi cơ bản để suy ra cấu tạo đúng của C3H4O2 là một axit chưa no...

 

Sang phần Bài toán thì đề ra tương tự như bài 272 trang 47 của sách bài tập hóa 12, nên các học sinh đều làm được, chỉ có câu 2b thì tương tự một bài tập phần nhôm (trong sách giáo khoa), câu này dành cho học sinh khá trở lên.

 

Tóm lại, đề thi phân bố toàn chương trình, phần hóa hữu cơ và hóa vô cơ phân bố đều cả 2 đề (trong phần lý thuyết) chỉ cần học bài là làm được, các phương trình phản ứng đều nằm trong chương trình, học sinh học kỹ sách giáo khoa là làm được.

 

Phần phân loại học sinh khoảng 2 điểm, học sinh yếu cũng đạt từ 3 điểm trở lên, tỷ lệ học sinh khá giỏi rất nhiều (70%), tỷ lệ trên điểm 5 khoảng 85%. Theo tôi thì đa số học sinh sẽ chọn lý thuyết đề 1 vì dễ làm hơn. Chắc học sinh sẽ rất vui với đề Hóa này.

 

MÔN THI: HÓA HỌC (Không phân ban)

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề.

 

A/ LÝ THUYẾT (7 điểm). Thí sinh chọn một trong hai đề sau:

 

ĐỀ I:

 

Câu 1 ( 2,25 điểm)

1. Nước có chứa nhiều Ca(HCO32 thuộc loại nước cứng gì? Đun nóng và dùng dung dịch nào trong các dung dịch sau đây: Ca(OH)2, NaNO3, HCl có thể làm mềm loại nước cứng trên? Viết phương trình phản ứng hóa học để minh họa.

 

2. Viết các phương trình phản ứng hóa học thực hiện sơ đồ chuyển hóa sau (mỗi mũi tên viết một phương trình phản ứng và ghi rõ điều kiện, nếu có): Fe ® FeCl3 ® Fe(OH)3 ® Fe2O3 ® Fe2(SO4)3 ® FeSO4

 

Câu 2 ( 3,0 điểm)

1. Cho các chất: CH3CHO, CH3COOCH3, CH2=CHCOOH, H2, dung dịch NaOH, dung dịch NaHCO3. Viết các phương trình phản ứng hóa học xảy ra nếu có (ghi rõ điều kiện phản ứng) khi cho các chất tác dụng với nhau từng đôi một.

 

2. Bằng phương pháp hóa học hãy nhận biết bốn lọ mất nhãn chứa riêng biệt: anilin, dung dịch rượu etylic, dung dịch glixerin, dung dịch anđehit propionic (C2H5CHO). Viết phương trình phản ứng hóa học xảy ra. 3. Viết các phương trình phản ứng hóa học điều chế polimetylacrylat từ rượu và axit hữu cơ tương ứng (ghi rõ điều kiện phản ứng nếu có).

 

Câu 3 ( 1,75 điểm)

1. Viết các phương trình phản ứng hóa học chứng minh: tính axit của axit axetic mạnh hơn axit cacbonic, axit cacbonic mạnh hơn phenol.

 

2. Có hai ống nghiệm đều đựng dung dịch CuSO4. Cho vào ống 1 một miếng nhỏ kim loại natri, ống 2 một đinh sắt đã làm sạch. Viết các phương trình phản ứng hóa học xảy ra.

 

ĐỀ II:

 

Câu 1 ( 3,25 điểm)

1. Thế nào là hợp chất hữu cơ đơn chức? Lấy một ví dụ minh họa.

 

2. Một hợp chất hữu cơ A có công thức phân tử C3H4O2. Biết A phản ứng được với: Na, Na2CO3 (giải phóng khí CO2), nước brom và A tham gia phản ứng trùng hợp.

Hãy xác định công thức cấu tạo của A. Viết các phương trình phản ứng hóa học xảy ra.

 

3. Viết các phương trình phản ứng hóa học thực hiện sơ đồ chuyển hóa sau (mỗi mũi tên viết một phương trình phản ứng và ghi rõ điều kiện, nếu có):

C2H6 ® C2H5Cl ® C2H5OH ® CH3COOH ® CH3COOCH3 ® CH3COONa ® CH4

 

Câu 2 ( 2,0 điểm)

1. Cho các cặp oxi hóa - khử sau: Cu2+/Cu; Mg2+/Mg; Ag+/Ag. Biết tính oxi hóa của ion Mg2+ < Cu2+ < Ag+.

a) Hãy sắp xếp các kim loại tương ứng theo chiều tính khử tăng dần.

b) Viết các phương trình ion rút gọn xảy ra khi cho các chất trong những cặp oxi - hóa khử trên phản ứng với nhau từng đôi một.

 

2. Cho các chất: CaCO3, dung dịch NaOH, dung dịch NaHCO3, dung dịch HCl. Viết các phương trình phản ứng hóa học xảy ra.

 

Câu 3 ( 1,75 điểm)

1.Cho từ từ đến dư dung dịch NaOH vào dung dịch AlCl3. Nêu hiện tượng xảy ra, viết các phương trình phản ứng hóa học để minh họa.

 

2. Bằng phương pháp hóa học hãy nhận biết bốn lọ mất nhãn chứa riêng biệt: phenol lỏng, dung dịch glucozơ, dung dịch axit axetic, dung dịch rượu etylic. Viết các phương trình phản ứng hóa học xảy ra.

 

B/ BÀI TOÁN( 3,0 điểm). Bắt buộc đối với tất cả thí sinh:

Hỗn hợp (X) gồm: Al, Fe, Al2O3. Lấy 36,8 gam (X) chia thành hai phần bằng nhau.

Phần 1 cho tác dụng với dung dịch NaOH (dư) thu được 6,72 lít khí H2.

Phần 2 cho tác dụng với V (ml) dung dịch HCl 2M (dư) thu được 7,84 lít khí H2.

 

1. Viết các phương trình phản ứng hóa học xảy ra.

2. a) Tính thành phần phần trăm về khối lượng của từng chất trong hỗn hợp (X).

b) Tính V dung dịch HCl 2M ở trên, biết lượng axit lấy dư 10% so với lượng axit tham gia phản ứng. Các phản ứng đều xảy ra hoàn toàn, chất khí đo ở điều kiện tiêu chuẩn. Cho O = 16, Al = 27, Fe = 56.

HẾT

 

Theo Thanh Niên

Dòng sự kiện: Thi tốt nghiệp THPT 2006