Để không vuột mất cơ hội cuối trong mùa tuyển sinh

(Dân trí) - Hàng trăm thí sinh đã bỏ lỡ cơ hội xét tuyển NV2 do không có giấy chứng nhận điểm thi số 1. NV3 cũng sẽ không được xem xét nếu thí sinh thiếu giấy chứng nhận điểm thi số 2 vì bất kỳ lý do nào.

Không có giấy chứng nhận điểm thi do thi… sai địa điểm

Nghe lời thầy cô và bạn bè, thí sinh T ở Phú Thọ làm hồ sơ (NV1) thi vào trường CĐ CNTT TPHCM, khoa Điện tử viễn thông bằng cách dự thi nhờ tại trường CĐ Công nghiệp Việt - Hung (Sơn Tây).

Nhưng kể từ khi thi xong đến nay không có trường nào gửi thông báo kết quả thi (nếu trúng tuyển NV1) hoặc giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký NV2 cho T.

Kết quả thi của T được 13 điểm (chưa tính điểm ưu tiên khu vực 1 là 1,5 điểm). Nếu theo đúng kết quả này, T đã thi đỗ vào trường CĐ CNTT TPHCM và cả trường CĐ Công nghiệp Việt - Hung. Nhưng đến tận thời điểm này, mặc dù đã liên hệ với cả hai trường trên nhưng T đều không có trong danh sách thí sinh trúng tuyển.

Lật quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009, T mới vỡ lẽ trường CĐ CNTT TPHCM có tổ chức thi, do đó thí sinh không thể dự thi ở trường khác để xét tuyển NV1 vào trường được.

… do nhà trường không trả giấy chứng nhận

Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội không trả giấy chứng nhận số 1 để thí sinh trượt NV1 có thể đăng ký NV2. Lý do là nhà trường chỉ giữ lại điểm thi số 1 của những thí sinh đạt từ mức điểm sàn CĐ trở lên đối với những thí sinh chưa trúng tuyển hệ ĐH có nguyện vọng muốn học hệ CĐ để thí sinh không phải làm hồ sơ xét tuyển NV2.

Tuy nhiên, cách làm này lại không thực sự tốt đối với những thí sinh có NV2 muốn đăng ký ở một trường khác vì thí sinh sẽ phải mất thời gian đến tận trường xin lại giấy chứng nhận điểm thi để làm hồ sơ xét tuyển. Điều này còn đặc biệt khó khăn đối với những thí sinh ở tỉnh xa, khó có điều kiện trở lại trường.

Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội sẽ gửi giấy chứng nhận điểm thi số 2 đến tất cả các thí sinh để làm hồ sơ xét tuyển NV3 theo đúng yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

… do thất lạc

Những thí sinh bị thất lạc hồ sơ xét tuyển NV2 do lỗi bưu điện nhưng đã đủ điểm vào trường mình đăng ký trong hồ sơ thì cần gửi những giấy tờ liên quan (Ggiấy xác nhận của bưu điện, Họ tên, SBD, Trường đã dự thi) về Dân trí để sớm được trợ giúp.

Thí sinh H quê ở Tuyên Quang nộp hồ sơ ĐKDT trực tiếp tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Cho đến tận ngày 8/9, H vẫn không nhận được giấy chứng nhận điểm thi nên đã trực tiếp đến trường để hỏi thì được biết nhà trường đã trả giấy chứng nhận điểm thi qua đường bưu điện.

Khi H đề cập giấy chứng nhận điểm thi đã bị thất lạc thì trường ĐH Công nghiệp Hà Nội yêu cầu H phải có giấy xác nhận của bưu điện thì mới cấp lại.

Tuy nhiên, bưu điện chỉ có thể xác nhận khi đó là chuyển phát nhanh hoặc thư gủi bảo đảm nên H rất lo lắng. Sự khốn đốn của H chỉ dừng lại khi Vụ Giáo dục Đại học trực tiếp can thiệp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Thí sinh xét tuyển NV3 cần chú ý gì?

Theo quy định thì thí sinh đã trúng tuyển NV trước thì sẽ không được tham gia xét tuyển NV sau.

 

Tuy nhiên, do thí sinh đã có giấy chứng nhận điểm thi số 2 nên khi đã trúng tuyển NV2 mà chưa hài lòng thì có thể tiếp tục tham gia xét tuyển NV2.

Theo thống kế của các trường, trong đợt xét tuyển NV2 vừa qua, đã có hàng nghìn hồ sơ bị loại do mắc lỗi.

Những lỗi của thí sinh khi xét tuyển NV2 là nộp hồ sơ sai quy cách. Trong đó, quan trọng nhất là thiếu giấy chứng nhận điểm thi hoặc nộp giấy chứng nhận photo. Do vậy, thí sinh xét tuyển NV3 - cơ hội cuối cùng trong mùa tuyển sinh - cần đặc biệt chú ý:

- Dùng giấy chứng nhận điểm thi số 2 (có đóng dấu đỏ của trường dự thi) để làm hồ sơ xét tuyển.

- Thí sinh dự thi khối nào chỉ được tham gia xét tuyển vào ngành có tuyển sinh khối đó.

- Chỉ được đăng ký NV3 vào các ngành mà trường thông báo xét tuyển.

- Hệ ĐH chỉ xét tuyển từ kết quả kì thi ĐH.

- Đối với các trường CĐ hoặc hệ CĐ của các trường ĐH thì đa số xét tuyển từ kết quả kì thi ĐH, chỉ có một số ít xét tuyển từ kết quả kì thi CĐ. Để biết chính xác trường nào có xét tuyển từ nguồn CĐ thí sinh nên tham khảo trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009”.

Nguyễn Hùng