Đề mở, tư duy vẫn “bao bọc”

(Dân trí) - Gần đây, đề thi môn Văn thay đổi theo hướng mở, bước qua những rập khuôn, nhàm chán. Tuy nhiên, đề chỉ thật sự tiếp thêm “sức sống” cho môn học bị phàn nàn lâu nay khi tư duy chịu “mở”.

Đề mở, đáp án có “cơi nới”?

Tại một lớp học bậc THCS ở TPHCM, học sinh (HS) vô cùng thích thú khi cô giáo ra đề Văn vượt hẳn khuôn khổ chương trình học để HS trao đổi. Đề bài đưa ra một tình huống nhỏ trong lớp học, sau đó yêu cầu HS bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình để lý giải về tình trạng HS nói chuyện trong giờ học, nhất là trong giờ Văn.

Đề Văn thay đổi theo hướng mở nhưng tư duy của học sinh vẫn còn bị “rập khuôn”?
Đề Văn thay đổi theo hướng mở nhưng tư duy của học sinh vẫn còn bị “rập khuôn”? Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long trong toạ đàm trao đổi về đọc sách.

Thoát khỏi những kiến thức thức, bài văn mẫu rập khuôn, học trò sôi nổi bày tỏ ý kiến của mình. Đến lượt một HS nữ, em nêu lên một số lý do và nói thêm, HS nói chuyện riêng, không thích môn Văn còn có thể do… giáo viên (GV) dạy thiếu hấp dẫn, nhàm chán.

Trận lôi đình của GV diễn ra với những lời mắng mỏ, chỉ trích em HS từ cách nhìn vấn đề phiến diện, sai lệch rồi “quy” em thiếu đạo đức làm trò. Cuối cùng, cô giáo chốt lại: “May rằng đây là đề bài bài trao đổi, nếu là đề thi tôi sẽ cho em 0 điểm”.

Đề ra nhằm khơi gợi quan điểm, suy nghĩ của HS lại bị chính người ra đề đưa ra một đáp án cứng nhắc. Tư duy đa chiều của HS bị “bóp nghẹt” theo cách nhìn của GV và khi đó đề Văn mở càng trở nên kệch cỡm. Chẳng khác nào hô hào các em hãy động não mở cánh cửa theo cách của các em nhưng thật ra… GV đã mở sẵn theo cách của mình.

Gần đây, đề Văn đang được thay đổi một cách mạnh mẽ bước qua khuôn mẫu máy móc, nhàm chán. Ở TPHCM, trước kỳ thi lớp 10 năm nay, Sở GD-ĐT nhấn mạnh việc đổi mới ra đề Văn theo hướng mở. Và đúng như mong đợi, TPHCM có một đề thi Văn trong kỳ thi này với những phản hồi tích cực bởi tính thời sự, nhân văn và đầy tinh thần văn học, nhân học.

Tuy nhiên, nhiều GV bày tỏ, đề thi thay đổi mang nhiều hơi thở cuộc là tín hiệu mừng đối với việc dạy học môn Văn. Nhưng quan trọng không kém đề mở là liệu đáp án có mở hay đáp án vẫn “đóng khung” theo tư duy của người ra đề, của người lớn? Nếu vậy lại trở thành một rào cản đối với HS hơn cả những đều thi làm theo bài mẫu.

Hô hào đổi mới nhưng tư duy “bao bọc”

Không chỉ sự “áp đặt” của đáp án, việc ra đề Văn mở còn gặp không ít rào cản từ chính người học, phụ huynh và dư luận khi từ lâu chúng ta đã quá quen với tư duy một chiều, tư duy áp đặt theo cách nghĩ của mình. Đặc biệt là phụ huynh thường phát hoảng khi con phải đối diện với đề thi mà chưa được ôn luyện nhuần nhuyễn.

Đề thi Văn vào lớp 10 Trường Phổ thông Năng khiếu (TPHCM) mới đây là một dẫn chứng cho tư duy “bao bọc”. Nội dung đề: “Nhà văn là trụ đỡ tinh thần của trẻ em (Nguyễn Nhật Ánh). Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm, em hãy giới thiệu về một nhà văn là "trụ đỡ tinh thần" của em”.

Đề Văn vào lớp 10 Trường Phổ Thông Năng khiếu TPHCM gây nhiều tranh cãi
Đề Văn vào lớp 10 Trường Phổ Thông Năng khiếu TPHCM gây nhiều tranh cãi.

Có nhiều tranh cãi về đề thi này. Nhiều người cho rằng đề thi hay, các em thỏa sức viết theo cảm thụ của mình nhưng cũng rất đông người phản ứng, đặc biệt từ phía phụ huynh và HS cho rằng đề thi “đánh đố” nên nhiều em không làm được bài. Cho dù đây là kỳ thi vào trường chuyên, nhằm tuyển chọn những HS thật sự có năng khiếu, đam mê Văn học.

Từ việc đông đảo phụ huynh “lên án” đề Văn trên, chị Vĩnh Quyên, một phụ huynh đã phải thốt lên về nghịch lý đang tồn tại hiện nay. Dư luận, phụ huynh luôn nói rằng mong muốn con em chúng ta yêu thích môn Văn, các thầy cô phải đổi mới dạy học, đổi mới cách ra đề cho hấp dẫn, tránh giáo điều khô cứng.

“Phụ huynh hô hào đổi mới nhưng chính họ lại vẫn luôn áp đặt những suy nghĩ cũ rích của mình ngay từ việc ra đề bởi tâm lý bao bọc con. Họ sợ con mình không hiểu đề, đề quá khó mà con mình thì còn quá bé”, chị Quyên chia sẻ.

Theo chị Quyên, lâu nay chúng ta chỉ nhìn góc độ trách nhiệm của GV, của nhà trường mà quên mất rằng phụ huynh, dư luận “góp công” rất lớn cho lối tư duy văn chương sáo mòn, rập khuôn như những bài văn mẫu.

Đề Văn mở cũng chỉ là một phần việc dạy học môn Văn. Quan trọng hơn là tư duy người dạy, người học và cả dư luận có thật sự mở mới là bước đệm tốt cho việc dạy học môn Văn hiện nay. Không ít đề Văn hay, có tính gợi mở, sáng tạo khi xuất hiện lại bị phản đối, phê phán bởi tư duy áp đặt, muốn nghĩ thay cho con trẻ.

Thành ra việc ra đề theo hướng mở đôi khi cũng bị “đóng khung” mà trong đó rào cản lớn nhất, theo lời một GV là “quá nhiều người luôn cho rằng mình thông minh hơn người ra đề”.

Hoài Nam