Để những giờ thực tập của sinh viên là cơ hội trải nghiệm đúng nghĩa

Trong kỳ thực tập ngắn ngủi kéo dài 2 ngày, sinh viên K59 Công nghệ sinh học C, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã được tiếp xúc với thực tế đồng ruộng, phần nào được mở mang kiến thức về ngành công nghệ sinh học mà mình đang đeo đuổi.

Sinh viên hổng thực tiễn

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tuyển dụng cũng như các doanh nghiệp, sinh viên Việt Nam phần lớn ra trường có kiến thức khá tốt, nhưng lại quá yếu kém về thực tiễn. Rất nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp đều phải nhìn nhận rằng “sinh viên nói lý thuyết rất tốt, nhưng khi bắt tay vào công việc thực tế thì không biết làm gì, từ đâu. Hầu hết sinh viên khi được tuyển dụng đều phải đào tạo lại từ đầu”.

Để những giờ thực tập của sinh viên là cơ hội trải nghiệm đúng nghĩa - 1

Hiện nay, phần lớn sinh viên khi đi thực tập tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều phải trải qua cảnh “pha trà, rót nước” cho hết kỳ thực tập mà không được thực sự bắt tay vào công việc.

Trước thực trạng này, nhiều trường đại học đã nhanh nhạy chủ động kết nối với các doanh nghiệp để tạo các cơ hội thực tập thực tế chuyên môn cho sinh viên ngay từ năm 2, năm 3. Một ví dụ cụ thể là Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đã kết nối với một số doanh nghiệp đứng đầu về công nghệ sinh học, để trong mỗi năm học, các sinh viên đều có cơ hội được thực tập, được trải nghiệm thực tế với các doanh nghiệp. Dù chỉ là những đợt thực tập thực tế ngắn ngủi, nhưng qua mỗi lần như vậy, sinh viên cũng phần nào hiểu được thế nào là công nghệ sinh học cũng như có thể đưa kiến thức từ nhà trường vào thực tiễn đồng ruộng, cây trồng.

Trải nghiệm thực tế với đồng ruộng

Kỳ thực tập của sinh viên K59, Công nghệ sinh học C, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm nay chỉ kéo dài vỏn vẹn 2 ngày tại cánh đồng ngô xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội của Công ty Dekalb Việt Nam nhưng đã giúp sinh viên trong lớp vỡ vạc được ra những kiến thức mà mình còn khuyết thiếu. Được ra thực tế tại cánh đồng ngô của Công ty Dekalb, các sinh viên đều bắt tay ngay vào việc trải nghiệm giữa thực tế và lý thuyết.

Các sinh viên đi thực hành trải nghiệm thực tế tại ruộng ngô
Các sinh viên đi thực hành trải nghiệm thực tế tại ruộng ngô

Hơn nữa, dù chỉ là những sinh viên thực tập ngắn hạn, nhưng sinh viên K59 Công nghệ sinh học C nhận được sự hướng dẫn đầy nhiệt tình của những cán bộ thuộc Công ty Dekalb Việt Nam. Ngay trên những cánh đồng ngô trải rộng đang kỳ trổ bắp tại xã Phú Châu, hàng chục sinh viên đã được hướng dẫn tìm hiểu rõ công việc của một chuyên gia nông nghiệp trong việc chọn tạo giống, cách bố trí thí nghiệm trên đồng ruộng, các chỉ tiêu đánh giá nông sinh học để chọn lọc một giống ngô tốt đáp ứng nhu cầu của thị trường, hay tìm hiểu về các loại sâu bệnh hại trên cây ngô, cách phân loại bệnh. Không chỉ tìm hiểu về các công việc liên quan đến chọn tạo giống, bộ phận phát triển thị trường hay bộ phận pháp lý, lần đầu tiên đi thực tập tại ruộng, sinh viên còn được thực hành tại khu khảo nghiệm trồng các giống ngô mới của công ty để đánh giá 20 loại ngô và chọn ra loại giống tốt nhất. Dưới cái nắng chang chang đầu hè trên cánh đồng ngô của một xã vùng núi huyện Ba Vì, hàng chục sinh viên vẫn say mê với công việc của một nhà nông học.

Để những giờ thực tập của sinh viên là cơ hội trải nghiệm đúng nghĩa - 3

Vũ Khánh Linh, sinh viên K59, Công nghệ Sinh học C, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Đợt thực tập của chúng em tuy chỉ kéo dài 2 ngày nhưng chúng em được trải nghiệm rất nhiều thực tế. Được trực tiếp làm việc trên cánh đồng ngô của Công ty Dekalb Việt Nam tại xã Phú Châu, Ba Vì. Sau khi hướng dẫn thì chúng em tự bắt tay vào công việc”. “Ngoài ra, chúng em được trực tiếp đánh giá các đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây ngô ngay trên thực tế, được phân biệt các loại sâu bệnh trên cây ngô... Qua đây, chúng em học được rất nhiều điều, và đặc biệt, riêng em thấy rằng, lý thuyết mà em tiếp thu được ở trường nếu không có thực tiễn để ứng dụng, để thực hành thì cũng chỉ là lý thuyết suông”, sinh viên Vũ Khánh Linh bày tỏ.

Tương tự, sinh viên Phạm Hồng Sơn, K59 Công nghệ Sinh học C, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thực sự khi chọn Khoa Công nghệ sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Sơn cũng không biết rõ thế nào là công nghệ sinh học, và mình sẽ được học gì, làm gì với nghề này. Tuy vậy, qua khoảng thời gian học tập ở trường, hôm nay Sơn và các bạn trong lớp K59 Công nghệ sinh học C được tham gia khóa thực tiễn tại cánh đồng ngô xã Phú Châu, Ba Vì, Hà Nội của Công ty Dekalb Việt Nam đã khiến Sơn phần nào “vỡ” ra được về ngành nghề mình đã lựa chọn và theo đuổi.

Để những giờ thực tập của sinh viên là cơ hội trải nghiệm đúng nghĩa - 4

“Lần đầu tiên chúng em được trực tiếp ra đồng ruộng tìm hiểu về các giống ngô mà nông dân đang gieo trồng hiện nay, và ngô chuyển gen, so sánh giữa ngô thường và ngô chuyển gen về mặt sinh trưởng, năng suất... Những buổi thực tập thực tế như thế này giúp ích rất nhiều cho chúng em, giúp chúng em kết hợp với lý thuyết với thực tiễn để vận dụng vào thực tế sao cho không còn lạ lẫm, không còn là những sinh viên chỉ biết đến lý thuyết mà không gắn với thực tế đồng ruộng”, sinh viên Phạm Hồng Sơn chia sẻ.

Nhìn nhận về những kỳ thực tập gắn với thực tiễn bổ ích như thế này, Thạc sỹ Nguyễn Quốc Trung, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn đối với đội ngũ cán bộ của Công ty Dekalb Việt Nam hàng năm đều dành sự quan tâm cho Khoa Công nghệ sinh học của trường, cho các em sinh viên. Tạo cơ hội và hỗ trợ cho các em có những buổi thực tế gắn với đồng ruộng để các em hiểu rõ hơn về nghề nghiệp tương lai.

PV