Đề Sử: Không dễ!

(Dân trí) - Chiều nay, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi môn Lịch sử với vẻ mặt không vui vì đề khó. Tuy nhiên, theo nhận định của giáo viên thì đề hợp lý, bám sát chương trình cơ bản nhưng có nhiều câu bắt buộc học sinh phải tổng hợp kiến thức và tư duy.

Đề Sử: Không dễ! - 1
Nhiều thí sinh nhăn mặt với đề Lịch sử

Vừa hết 2/3 thời gian thi, nhiều thí sinh ở Hội đồng thi ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) ra rất sớm, nét mặt không được vui. Nguyễn Thị Yến, trường THPT Lộc Bình (Lạng Sơn), buồn thiu cho biết: "Đề khó quá chị ạ, em làm chỉ được 50% bài thi. Câu 2 khó nhất, toàn hỏi khái quát".

Còn Đặng Thị Tú, trường THPT Thanh Oai - Hà Nội, cho biết đề đều nằm trong sách giáo khoa nhưng nhiều câu em không ngờ lại vào như câu 3: Trong thời kỳ 1954 - 1975, phong trào đấu tranh nào đánh dấu bước phát triển của cách mạng ở miền nam Việt Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công? Trình bày nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ của phong trào đó. Em bỏ qua câu này - Tú cho biết.
 
Với Bùi Thị Vân ở trường THPT Phan Đình Phùng - Hà Nội thì nhận xét: Đề Sử chủ yếu nêu khái quát chương trình, không xoáy sâu vào từng thời điểm cụ thể như mọi năm. Em làm không hết bài nhưng tính cũng được khoảng 6 điểm.
 
Câu mà nhiều thí sinh cho rằng khó là câu II (3 điểm): Trình bày và nhận xét chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng được đề ra tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1- 1930), Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam (10 - 1930) và Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5 - 1941).
 
Không chỉ với phần Lịch sử Việt Nam, mà phần Lịch sử thế giới nhiều thí sinh cũng "méo mặt" không làm được bài vì vào phần cách mạng Lào và ASEAN.
 
Thấy các thí sinh ra khỏi phòng thi không được vui, nhiều phụ huynh lo lắng, cầm đề nghiên cứu, mong sao con mình làm được tốt. Ông Bùi Văn Lạc, ở Lạc Thuỷ - Hoà Bình cho rằng: "Khó thì mới là đề đại học chứ, dễ như thi tốt nghiệp thì nói làm gì".
 
Đề Sử: Không dễ! - 2
Nhiều phụ huynh cũng "nghiên cứu" đề thi 

Tại TPHCM, nhiều thí sinh nhận định đề Sử khó “nuốt”, chỉ dám hy vọng làm được 60%. Tại trường ĐH Luật TPHCM, hầu như không có thí sinh nào ra về sớm. Một số thí sinh phải “cắn bút”.  

Thí sinh Nguyễn Quốc Huy, thi vào ĐH Luật TPHCM cho biết chỉ làm được 50% yêu cầu, một số câu không làm nổi. Em nhận định so với năm trước thì đề năm nay khó hơn.

Thí sinh Đỗ Thị Lương, thi vào trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết tuy đã làm rất tốt nhưng chỉ dám ước lượng được 70% vì có một câu hỏi tương đối khó cho những thí sinh học ban cơ bản. Câu hỏi về thành lập Đảng và Hội nghị TW 8 đòi hỏi các bạn phải có sự tổng hợp tốt.  

Nhận định về đề Sử, thầy giáo Lê Văn Dũng, trường THPT Chu Văn An - Hà Nội cho biết: "Đề thi Lịch sử này rất hợp lý với thi đại học, nội dung bám sát chương trình cơ bản. Có nhiều câu bắt buộc học sinh phải tổng hợp kiến thức và tư duy như câu II, trong phần chung. Đề thi này, học sinh phải nắm chắc kiến thức phổ thông thì mới làm hết được bài".  
 

Đề thi ĐH môn Lịch sử khối C:

 
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7 điểm)
 
Câu 1 (2 điểm): Tóm tắt quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến năm 1920. Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam phải theo con đường nào?
 
Câu 2 (3 điểm): Trình bày và nhận xét chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng được đề ra tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1- 1930), Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam (10 - 1930) và Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5 - 1941).
 
Câu 3 (2 điểm): Trong thời kỳ 1954 - 1975, phong trào đấu tranh nào đánh dấu bước phát triển của cách mạng ở miền nam Vịêt Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công? Trình bày nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ của phong trào đó.
 
PHẦN RIÊNG (3,0  điểm):
 
Câu IV.a. Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm): Hãy phân tích các giai đoạn của cách mạng Lào từ năm 1946 đến năm 1975 và tóm tắt diễn biến của từng giai đoạn.
 
Câu IV.b. Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm): Nêu nội dung, thành tựu và hạn chế của chiến lược kinh tế hướng nội và chiến lược kinh tế hướng ngoại của nhóm 5 nước sáng lập ASEAN.
 
 
Hồng Hạnh - Phương Kiên Hiền