Đề thi đại học sẽ ra theo hướng nào?

Hôm nay 3/7, thí sinh khối A cả nước bước vào <a href="http://www6.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/7/126908.vip">đợt I kỳ thi tuyển sinh</a> ĐH, CĐ 2006. Dưới đây là nhận định của các chuyên gia tuyển sinh, cũng là sự tổng kết lại phương hướng ra đề thi các môn Toán, Lý, Hóa trong 5 năm qua của Bộ GD-ĐT.

Môn Toán: đề thi sẽ có năm phần? - Th.s Phạm Hồng Danh (Trường ĐH Kinh tế TPHCM)

Cấu trúc đề thi môn toán của những năm gần đây thông thường bao gồm phần khảo sát hàm (2 điểm), phần đại số và lượng giác ở câu II là 2 điểm. Bài hình học, chủ yếu là hình học giải tích lớp 12 (3 điểm); một câu tích phân và một câu giải tích tổ hợp mỗi câu 1 điểm. Câu V thông thường là câu khó dành cho học sinh giỏi thường là một câu về bất đẳng thức hoặc một câu về giải tam giác (1 điểm).

Nhìn lại câu I đề thi toán khối A các năm ta thấy năm 2002 là khảo sát hàm bậc 3, từ năm 2003 đến 2005 là khảo sát hàm hữu tỉ, vậy chúng ta có thể dự đoán với khả năng rất cao là năm nay sẽ có dạng đề khảo sát hàm bậc 3. Phần đại số cũng từ năm 2003  đến nay chưa ra lại phương trình và bất phương trình logarit, nên năm nay rất có khả năng có một câu về phương trình hoặc bất phương trình chứa logarit. Năm nay, vì có chương trình phân ban nên có lẽ có hai câu hình giải tích trong không gian chung cho cả học sinh phân ban và không phân ban:

+ Phần chọn lựa cho học sinh phân ban có thể là một câu hình học không gian thuần túy hoặc một câu về số phức.

+ Phần chọn lựa cho học sinh không phân ban có thể là một câu về hình học giải tích trong mặt phẳng.

Một câu hỏi khó có thể ra trong năm nay có thể là một câu về lượng giác mà chủ yếu là phần nhận dạng tam giác. Bài tích phân thông thường là rất dễ. Thí sinh chỉ cần biết cách đổi biến và nhớ công thức tính tích phân từng phần. Bài giải tích tổ hợp thường rơi vào hai trường hợp: một là tính hệ số  của biến số x, hai là có bao nhiêu cách chọn lựa. Chỉ cần nhớ nhị thức Newton, qui tắc cộng, qui tắc nhân, tổ hợp (bốc), hoán vị (xếp) và chỉnh hợp (bốc xếp) là có thể làm được câu này.

Môn Hóa: đề thi sẽ khó hơn - Nguyễn Tấn Trung (Trường Bồi dưỡng văn hóa Vĩnh Viễn)

Nhìn chung  đề  thi các năm qua có một đặc điểm chung là rất cơ bản, không quá khó, không lắt léo, không đánh đố thí sinh nhưng có độ phân hóa cao, và có nội dung rải khắp chương trình từ  lớp 10  đến lớp 12 (chủ yếu là nội dung ở lớp 12).

Về bố cục, thang điểm và đặc điểm các câu hỏi trên đề ở các năm tương tự nhau. Thông thường có hai câu hỏi giáo khoa hoặc bài tập có tính toán nhỏ (thường là câu I và câu III) có nội dung của kiến thức vô cơ - đại cương. Để lấy điểm trọn vẹn câu này đòi  hỏi thí sinh phải nắm thật vững giáo khoa và làm bài thật chuẩn xác.

Mặc dù hai câu này ta nhìn có cảm giác là dễ nhưng các thí sinh chưa có kinh nghiệm thì thường để mất điểm! Hai câu này tác giả thường cho các nội dung nằm trong các phần: cấu tạo nguyên tử - bảng HTTH; phản ứng oxy hóa khử, chuyển dịch cân bằng, dung dịch - sự điện li, các bài toán pH, tính chất hóa học của những chất thuộc các nguyên tố halogen, S, O, N,  P, Al, Fe, Na, K, Ca, Ba.

Tương tự hai câu trên là hai câu có nội dung của hóa hữu cơ mỗi câu được 1,5 điểm có nội dung nằm trong các bài tiêu biểu thuộc các nhóm nguyên tố: (C, H); (C, H, O) và (C, H, O, N), kết hợp với halogen với các cách cho thường gặp như viết phản ứng, nêu hiện tượng thí nghiệm, hoàn thành sơ đồ phản ứng, điều chế, nhận biết và tách chất.

Ở câu V là bài toán vô cơ (2 điểm) chủ yếu cho các bài toán về kim loại và hợp chất của kim loại phản ứng với axit; muối; phản ứng nhiệt luyện, các phản ứng trong dung dịch. Ở câu này yêu cầu ở thí sinh cao hơn, để lấy được điểm tối đa phải là các thí sinh khá giỏi trở lên.

Câu cuối cùng này thường ít có thí sinh lấy được điểm tối đa! Là bài toán hữu cơ có yêu cầu tìm công thức và định lượng trên các chất tiêu biểu thuộc các nhóm nguyên tố: (C, H, O); ( C, H, O, N).

Vậy đề thi sắp tới sẽ như thế nào? Theo tôi thì cũng tương tự các đề thi năm trước. Hiển nhiên năm nay về bố cục đề phải có khác do có phần tự chọn và phần bắt buộc. Tôi dự đoán năm nay đề sẽ khó hơn các năm trước một chút và chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn, công bằng hơn!

Môn Vật lý: tập trung vào chương trình 12 - Nguyễn Hữu Lộc (Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM)

Đặc trưng đáng chú ý của đề thi chung do Bộ GD-ĐT ra trong 4 năm qua là tập trung toàn bộ vào chương trình lớp 12. Nội dung phân bố đều khắp các chương của sách giáo khoa. Tỉ trọng lý thuyết và độ khó đã giảm liên tục qua từng năm. Nếu lý thuyết chiếm 25% của đề thi năm 2002 thì tỉ trọng này chỉ còn 10% vào năm 2005. Trong khi một học sinh khá năm 2002 không thể làm kịp giờ thì năm vừa qua học sinh trung bình khá và chuẩn bị tốt có thể làm đến hết phần 1b câu V (đạt 90%) mà không gặp khó khăn nào.

Từ thực tế của yêu cầu chống học tủ cho học sinh phân ban và không phân ban, có thể thấy đề thi năm nay mang những đặc điểm như sau: Về tổng thể vẫn chú trọng vai trò của bài tập hơn lý thuyết. Đề thi tiếp tục phân bố mạnh hơn, rải đều, khắp các nội dung từ dao động cơ học đến vật lý nguyên tử - hạt nhân. Do đề năm 2005 vẫn chưa thật sự phân loại giữa học sinh khá với học sinh giỏi, năm nay phần phân loại học sinh sẽ được đề cao hơn. 

Đề thi sẽ có phần lớn bài tập mà học sinh trung bình có thể làm được với nội dung gồm các bài toán xuôi (chỉ yêu cầu áp dụng các hiện tượng vật lý và sử dụng các công thức đã học). Trong phần này sẽ không có câu hỏi phức tạp mà chỉ là viết phương trình dao động của con lắc đơn, lò xo, phương trình sóng, giao thoa, sóng dừng, biểu thức dòng điện và hiệu điện thế.

Một phần đáng kể sẽ là các tính toán đơn giản liên quan đến vận tốc, gia tốc (tức thời, trung bình); phân biệt lực hồi phục và lực đàn hồi, lực căng dây, dẫn dắt để đưa đến các giá trị max, min của chúng. Thí sinh cũng cần chú trọng các đặc trưng của sóng cơ học, đếm số bụng sóng, nút sóng, tính công suất..., nhớ các công thức liên quan đến định luật phân rã và các định luật bảo toàn của phản ứng hạt nhân. Những nội dung chưa để cập từ năm 2002 đến nay là: tổng hợp dao động, tia X, mẫu Bohr, máy biến thế, chuyển tải điện năng, động cơ điện và máy phát điện.

+ Phần sẽ phân loại học sinh thường là một bài toán ngược hoặc cực trị có số liệu biến đổi từ câu này sang câu khác. Xu hướng những năm qua là độ lệch pha trong mạch R, L, C, sóng điện từ hoặc sự di chuyển trong hệ quang học. Có thể nghĩ đến bài toán ngược về cơ học là nội dung mới mẻ của năm nay. Một điều cần nhớ là không phải bài toán càng khó thì điểm càng nhiều.

Đặc trưng thứ hai là đề sẽ có phần bắt buộc và phần tự chọn. Phần bắt buộc gồm dao động và sóng cơ học, điện xoay chiều và quang vật lý và vật lý hạt nhân.

Trong phần tự chọn: sẽ phải chọn quang hình học có ưu điểm là bài tập dễ làm hơn nhưng nội dung học rất rộng. Phần dành cho học sinh phân ban chủ yếu là động lực học vật rắn (các bài toán về môment quán tính...) có ưu điểm nội dung tập trung hơn nhưng giải quyết khó hơn quang hình. Dự báo câu phân loại học sinh sẽ nằm trong phần bắt buộc.

Để có thể làm bài thi hiệu quả, các thí sinh cần đọc hết qua một lượt toàn bộ  đề thi để  đánh dấu các câu theo thứ tự với độ khó tăng dần nhằm tìm phần phân loại học sinh sẽ làm sau cùng. Trong phần tự chọn thí sinh phải theo đuổi đến cùng nội dung đã quyết định chọn. Đối với bài toán xuôi, liệt kê hết số liệu ra bên góc trái và đổi ra hệ SI. Đại lượng nào cần tìm đánh dấu hỏi. Kết nối chúng với nhau sẽ hình dung ra công thức vật lý cần sử dụng. 

Trong phần phân loại thí sinh, cần cân nhắc chọn lựa một trong nhiều cách giải khác nhau mà ta đã học. Việc vẽ hình (bài toán cơ học) hoặc mô hình (bài toán ngược về sự di chuyển gương, thấu kính và các dụng cụ quang học) có thể giúp ta lập nhanh và chính xác các phương trình cần tìm nếu đọc xong câu hỏi mà vẫn chưa nghĩ ra cách giải. Để tiết kiệm thời gian làm bài các em nên làm trực tiếp vào giấy thi. Giữ sức khỏe tốt giúp ta có trí nhớ các công thức và hiện tượng vật lý liên quan.

Theo Tuổi Trẻ