Đề thi Ngữ Văn quốc gia 2018: Khá hay, định hướng tốt tư tưởng học sinh

(Dân trí) - Sáng nay, hơn 913.000 thí sinh trong toàn quốc đã bước vào Kỳ thi THPT quốc gia với môn thi đầu tiên là môn Ngữ Văn – môn duy nhất thi theo hình thức nghị luận. Nhận xét về đề thi, các giáo viên cho rằng, đây là đề thi phân hóa tốt nhất từ trước đến nay có khả năng định hướng tốt tư tưởng cho học sinh.


Với đề thi văn sáng nay, học sinh chủ yếu được 5-6 điểm, điểm 8 trở lên dành cho những học sinh giỏi.

Với đề thi văn sáng nay, học sinh chủ yếu được 5-6 điểm, điểm 8 trở lên dành cho những học sinh giỏi.

Cô giáo Nguyễn Thị Tố Nga, giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội: Học sinh giỏi mới đạt 8 điểm

Đề Ngữ Văn hay, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng, gần với đề minh hoạ của Bộ, đề quen thuộc với học sinh, đảm bảo mức độ phân hoá, phát huy được tính sáng tạo của học sinh.

Ở phần đọc hiểu, đề đề cập đến vấn đề thời sự, đòi hỏi học sinh có kỹ năng đọc hiểu văn bản, đề cũng yêu cầu học sinh những mức độ đọc hiểu khác nhau, từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Học sinh phải có kiến thức, hiểu biết, đánh giá về trách nhiệm của cá nhân với đất nước. Gắn với tình yêu và trách nhiệm với quê hương đất nước.

Câu phân hóa là câu thứ 4 hỏi suy nghĩ của học sinh về quan điểm của tác giả. Câu này đỏi hỏi học sinh đánh giá được quan điểm của tác giả về tiềm lực của đất nước gắn với tình hình thực tiễn của xã hội, qua đó các em bộc lộ được quan điểm cá nhân. Để làm tốt được câu hỏi này, học sinh phải có tư duy độc lập, sáng tạo, có quan điểm riêng.

Ở phần làm văn, đây là câu hỏi phân hoá mức độ cao, so với những đề thi thử thì đề khó hơn vì mức độ mở cao hơn. Nếu như một số đề học sinh chỉ cần dựa vào đọc hiểu để viết thì đề này đòi hỏi học sinh phải có suy nghĩ độc lập vì đặt ra vấn đề tương đối rộng, phải hiểu thế nào là tiềm lực đất nước trên nhiều phương diện. Câu hỏi này dành cho học sinh khá giỏi và sẽ hơi khó đối với với học sinh trung bình.

Câu 2 của phần làm văn, theo tôi, yêu cầu của đề là cơ bản, quen thuộc, học sinh cũng được luyện nhiều ở dạng này. Câu này không bất ngờ với học sinh. Nằm trong dạng đề học sinh được luyện tập nhiều. Tuy nhiên, phần liên hệ đòi hỏi học sinh phải có tư duy tổng hợp, khái quát, biết so sánh đối chiếu, từ đó mới rút ra được quan điểm sáng tác của các tác giả.

Với đề thi này, theo tôi học sinh chủ yếu được 5-6 điểm, điểm 8 trở lên dành cho những học sinh giỏi.

Cô giáo Vũ Thị Bình, giáo viên Trường THPT Trần Phú, Hà Nội: Đề thi gắn liền với cuộc sống

Về cấu trúc đề đảm bảo đúng với cấu trúc đề minh họa của Bộ, học sinh, giáo viên sẽ không bị bất ngờ với đề thi này.

Các hệ thống câu hỏi ở phần đọc hiểu, 4 câu hỏi đã thể hiện được tiêu chí nhận biết, thông hiểu, vận đụng thấp, vận dụng cao, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kỹ năng đọc hiểu với những kiến thức cơ bản kể cả tiếng Việt, làm văn,…

Phần làm văn. Ở câu 1 nghị luận xã hội, hỏi về đánh thức tiềm lực, đây là câu hỏi không phải học sinh nào cũng làm tốt, bởi đây là vấn đề sâu, không phải em nào cũng có thể hiểu thấu đáo. Riêng phần này đã phân hóa rồi, em nào làm tốt được câu này, chứng tỏ đó là học sinh nắm tương đối chắc kiến thức xã hội, có tư tưởng đúng đắn, có ý thức trách nhệm với sự phát triển của đất nước, thấy được trách nhiệm công dân. Đề này có ý nghĩa định hướng được suy nghĩ tích cực cho học sinh.

Câu 2 nghị luận văn học, đề có sự liên hệ, so sánh 2 tác phẩm văn xuôi, kiến thức đều là những vấn đề cơ bản, các em đều có thể nắm được vấn đề này. Những bạn học tốt sẽ hiểu hơn, nắm chắc hơn. Tuy nhiên, kiến thức hơi dài và rộng cho nên đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng xử lý kiến thức phù hợp với thời gian làm bài mới đảm bảo được cấu trúc và kiến thức trong bài văn nghị luận.

Theo tôi, đây là một đề phân hóa và phân hóa cao hơn so với đề năm ngoái. Với đề thi này, học sinh của trường tôi sẽ làm được từ 60-80%, đương nhiên có những em ở mức độ cao hơn nên phổ điểm trung bình sẽ từ 6-8 điểm.

Cái hay của đề phân loại được học sinh. Ngữ liệu trong phần đọc hiểu cũng là ngữ liệu đánh thức tiềm lực đất nước và đánh thức được ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh đối với đất nước. Tùy theo trình độ, khả năng nhận thức của mỗi người để có thể bàn luận theo những hướng khác nhau.

Cá nhân tôi rất mong có những vấn đề phân loại tốt, văn học gắn với cuộc sống, hình thành nhân cách cho học trò, có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Cho nên những đề văn hay là những đề văn không chỉ có chất văn mà còn đạt được yêu cầu đó.


đây là đề văn hay, đảm bảo kiến thức cơ bản, phát uy tính sáng tạo của học trò

đây là đề văn hay, đảm bảo kiến thức cơ bản, phát uy tính sáng tạo của học trò

Cô Vũ Đỗ Quyên, giáo viên Trường THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội: Đề ra đúng trọng tâm chương trình

Bố cục đề thi đã theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT, kết cấu hợp lý.

Phần đọc hiểu, đã đảm bảo đủ các nội dung nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Đoạn thơ trích trong “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy với những hình ảnh thơ bình dị, xúc động đã mang đến nhiều suy ngẫm về trách nhiệm của mỗi cá nhân, đồng thời bám sát thực tiễn đời sống xã hôi. Phạm vi kiến thức thể hiện sự xuyên suốt chương trình 3 năm học, từ thể thơ, biện pháp tu từ. Vì vậy, thí sinh có lực học trung bình có thể làm được.

Phần làm văn, nội dung câu hỏi nghị luận xã hội, suy nghĩ về sứ mệnh của mỗi cá nhân trong việc đánh thức tiềm lực đất nước. Đề thi có ý nghĩa phân loại học sinh, nhắc nhở trách nhiệm cá nhân với sự phát triển của đất nước của dân tộc, từ nhận thức đến đánh thức tiềm lực, để hiểu và bình luận, không phải học sinh nào cũng làm được tốt. Đề thi như vậy, có giá trị phân loại, học sinh đạt điểm cao là câu hỏi này.

Câu 2 phần làm văn, nghị luận văn học, đây là dạng đề liên hệ, nó đúng với yêu cầu về dung lượng và phạm vi kiến thức 30% chương trình lớp 11. Trong đó nội dung liên hệ “vẻ đẹp hình ảnh chiếc thuyền” với “cảnh bạo lực gia đình hàng chài”, so sánh sự đối lập “cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu”. Dạng đề liên hệ này là quen thuộc, không khiến học sinh bất ngờ, các em đã được rèn luyện nhiều với dạng đề này nên sẽ làm tốt.

Nhận xét chung, đây là đề văn hay, đảm bảo kiến thức cơ bản, phát uy tính sáng tạo của học trò, đề cao tính trách nhiệm của công dân với học sinh. Đề phù hợp với khả năng học sinh, đúng với trọng tâm chương trình, rất gần gũi về hình thức và nội dụng, cách thức ra đề minh hoạ.

Tuy nhiên, dạng đề này phát huy sự sáng tạo, học sinh phải hiểu văn bản mới làm bài tốt nhất. Dạng đề này không cho phép hiểu máy móc, chống được cách làm theo bài văn mẫu, học sinh phải hiểu cảm nhận đúng về tác phẩm, nghệ thuật xây dựng, hình tượng, của nhà văn mới có thể đạt điểm cao nhất. Do dó để đạt điểm trung bình không khó, đạt điểm khá giỏi phải hiểu sâu, kỹ về văn bản.

Phạm Thị Thu Phương, giáo viên trường Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành - Hà Nội (GV Tuyensinh247): Đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa

Về cơ bản, cấu trúc đề thi bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 24/1/2018, bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12. Trong đó, lượng kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30% và lớp 12 chiếm khoảng 70% trong câu nghị luận văn học. Đề thi gồm có 2 phần:

Phần 1: Đọc hiểu. Phần này sẽ chiếm 30% tổng số điểm.

Phần 2: Làm văn. Phần này chiếm 70% tổng số điểm bài thi.

Cũng tương tự như đề thi các năm trước đó, phần Đọc hiểu có ngữ liệu đọc hiểu là một văn bản thơ, theo đó là 4 câu hỏi ở các mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Ngữ liệu với các câu hỏi vừa sức với học sinh, đề cập đến vấn đề có ý nghĩa.

Phần Làm văn bao gồm có 2 câu hỏi:

Một là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ (không quá một mặt giấy thi). Câu hỏi này chiếm 20% tổng số điểm của phần Làm văn. Vấn đề nghị luận sẽ được rút ra ngay từ ngữ liệu của phần đọc hiểu. Vấn đề đánh thức tiềm lực đất nước khá gần gũi và thiết thực với học sinh, khơi gợi được trách nhiệm xã hội của người viết. Với đề nghị luận xã hội học sinh cần có những hiểu biết sâu rộng về vấn đề nghị luận, cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.

Câu hỏi còn lại của phần Làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi. Kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30% trong câu nghị luận văn học. Phần liên hệ với tác phẩm lớp 11 khá cơ bản, không “đánh đố” học sinh nhưng không dễ, tạo nên sự phân hóa khá rõ đối với người làm bài. Phổ điểm sẽ ở mức 6, 7 điểm; số học sinh đạt điểm 8 trở lên sẽ không nhiều như năm trước.

Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn phải thực sự hiểu được nội dung ý nghĩa của mỗi tác phẩm, đặc điểm phong cách nghệ thuật của mỗi tác giả và cả yếu tố thời đại chi phối đến tác phẩm (tác phẩm Hai đứa trẻ ra đời vào thời điểm trước cách mạng 1945, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa ra đời vào đêm trước của thời kì đổi mới 1986). Nhìn chung với đề bài này, học sinh muốn làm tốt không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn cần phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú.

Một phần quan trọng nữa không kém là chúng ta cần phân bố thời gian hợp lí để làm bài. Thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu. Phần đọc hiểu, chúng ta cần dành khoảng 15 đến 20 phút để làm; câu 1 phần Làm văn cần dùng 20 đến 25 phút và còn lại câu nghị luận văn học nên dành cho 80 phút. Phân bố thời gian hợp lí cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt!

Nhìn chung, đề thi THPTQG môn Ngữ Văn của Bộ Giáo dục & Đào tạo Hà Nội được công bố vào ngày 25/06/2018 là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần cố gắng hơn rất nhiều mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

Thu Kim Nguyệt