Hà Nội:

Đề thi “sơ suất” ghi sẵn đáp án cho câu hỏi

(Dân trí) - Trong phần thi liên môn Văn - Sử - Địa - Giáo dục công dân của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có câu hỏi “sơ suất” đã đưa ra sẵn đáp án.

Phản ánh đến báo điện tử Dân Trí, một số phụ huynh sinh sống trên địa bàn Thủ đô bày tỏ thắc mắc về chương trình giao lưu câu lạc bộ Môn học mà em yêu thích của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức trung tuần tháng 4 vừa qua.

Theo đó, chương trình trên nhằm phát hiện những học sinh có năng khiếu ở các môn học, tạo nguồn cho công tác bồi dưỡng, góp phần nâng cao thành tích học sinh giỏi của các trường THCS và quận trong các kỳ thi cấp cao hơn do thành phố, quốc gia và quốc tế tổ chức.

Kỳ thi này còn góp phần động viên, khuyến khích giáo viên và học sinh đam mê tìm tòi, khám phá, phát huy năng lực sáng tạo trong quá trình dạy và học, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng dạy học của Phòng GD-ĐT và các trường THCS trên địa bàn.

Tuy nhiên, trái với tiêu chí đề ra, các phụ huynh khá bức xúc khi phát hiện đề thi được ra một cách “lỏng lẻo” đến mức đáp án ghi sẵn ở câu hỏi, không hề khiến học sinh phải động não một chút nào.

Đề thi sơ xuất ghi sẵn đáp án cho câu hỏi.

Đề thi "sơ suất" ghi sẵn đáp án cho câu hỏi.

Cụ thể là ở phần thi trắc nghiệm môn Văn - Sử - Địa - GDCD. Ngay phần đầu đề thi viết: Với văn bản “Nước Đại Việt ta” trích “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, hãy chọn đáp án đúng nhất và ghi lại vào giấy làm bài.

Ngay câu A đặt câu hỏi: Tác giả của văn bản là ai? Sau đó đưa ra các đáp án là Lý Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiếp.

Điều này khiến các phụ huynh hết sức thắc mắc. “Lời dẫn của bài đã nói rõ tác giả, vậy còn đặt câu hỏi làm gì”, một phụ huynh chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), câu hỏi trên là một sự “sơ suất” của người ra đề nhưng sự sơ suất này là tuyệt đối không đáng có ở đề thi vì đã ra đề cần đòi hỏi trách nhiệm và sự cẩn trọng.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh có con học tại trường THCS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có phản ánh khi tham gia chương trình giao lưu câu lạc bộ Môn học mà em yêu thích, mỗi em học sinh phải nộp lệ phí 50.000 đồng/cháu và nộp trực tiếp cho cô giáo chủ nhiệm (không có phiếu thu, biên lai).

Sau đó, do có nhiều thắc mắc trong các phụ huynh, nhà trường đã chủ động trả lại số tiền này thông qua các cháu. “Việc đòi thu tiền rồi trả lại tiền cho thấy khâu tổ chức của chương trình giao lưu này là có vấn đề, không đồng nhất quan điểm chỉ đạo ngay từ đầu”, phụ huynh chia sẻ.

"Thêm nữa, ngày đưa con đi thi tại địa điểm Trường THCS Nguyễn Du, chúng tôi cũng không hề nhận được thông báo về thời gian đến lúc nào thì con thi xong. Giữa trưa hè nắng gắt, sợ con thi xong mệt mà phải đợi bố mẹ đến đón, nhiều phụ huynh không đành lòng. Hầu hết mọi người đều nán lại đợi cho đến khi con ra khỏi phòng thi".

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên báo điện tử Dân Trí, bà Dương Thị Thanh Huyền - Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết: “Đây không phải đề thi học sinh giỏi mà chỉ là chương trình giao lưu trong đó có cả văn hóa, văn nghệ, thể thao. Quan điểm từ đầu khi có kế hoạch là hoàn toàn tự nguyện, khích lệ tất cả các bộ môn học. Vì vậy, đề ra rất dễ để làm sân chơi, từ đầu cũng không hề có thu tiền, chỉ duy nhất có một trường có giáo viên đứng ra thu tiền, khi phát hiện đã yêu cầu trả lại cho học sinh ngay”.

Cùng liên quan đến sự việc, ông Ngô Trí Nam - Phó Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm, người phụ trách chính về chương trình giao lưu câu lạc bộ Môn học mà em yêu thích cho biết thêm, chương trình trên chủ đích để giao lưu vui và học, không lấy kinh phí của học sinh, chỉ có một trường thu tiền học sinh đã yêu cầu trả lại ngay trước khi diễn ra chương trình giao lưu.

“Từ trước đến nay hoạt động hơi chìm nên Phòng GD-ĐT muốn thông qua chương trình này để khích lệ hoạt động giáo dục chung. Các câu hỏi trong đề thi nhẹ nhàng để nhiều em tham gia được chứ không cần đánh đố học sinh”, ông Nam nói.

Lê Tú