Đề thi Sử không khó

(Dân trí) - Đó là nhận xét của của một số thí sinh tại Hội đồng thi trường THCS Hòa Khánh, Đà Nẵng. “Chỉ cần học thuộc bài là làm được, tuy vậy câu 2 ở các đề tự chọn có hơi dài”, các em cho biết.

Sáng hôm nay, 31/5, tình hình thi tốt nghiệp tại các hội đồng thi ở khu vực Hòa Khánh diễn ra có trật tự, do lực lượng lượng an ninh và giám thị làm tốt nhiệm vụ. Theo ghi nhận của PV thì rất nhiều em đã làm tốt bài thi buổi sáng nay.  

Tuy nhiên, một điều chú ý là vẫn có nhiều thí sinh sau khi ra khỏi cổng trường đã lấy từ trong người ra rất đủ loại tài liệu đã được thu nhỏ để vứt, chứng tỏ đã có nhiều thí sinh đã đem trót lọt tài liệu vào phòng thi mà không bị phát hiện.

 

Dễ hơn cả thi “thử”

 

Theo ghi nhận ban đầu của phóng viên Dân trí thì nhiều thí sinh Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...đều có chung nhận xét như vậy về môn Sử. Đối với môn có tỷ lệ lý thuyết lên tới gần 100% như môn Sử thì hình ảnh những chiếc “phao” chỉ phơi mình lác đác giữa trường thi trong buối sáng ngày hôm nay (31/5) đã trở thành một hình ảnh rất đáng... ngạc nhiên.

 

Vào buổi tối hôm qua, trước khi bước vào môn thi “cao điểm” của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bành Tiến Long đã gửi công văn khẩn tới hơn 2.000 hội đồng thi tốt nghiệp THPT trong cả nước yêu cầu tiếp tục thắt chặt kỷ luật phòng thi ở mức cao nhất. Số lượng thí sinh có phao thi trong người đã giảm mạnh so với thời điểm trưa qua, biểu hiện qua việc các phao thi không còn được rải công khai như tờ rơi tại nhiều điểm thi.

 

Đề thi môn Sử năm nay làm hài lòng nhiều thí sinh. Nguyễn Trung Thành, một thí sinh dự thi khối A cho biết: “Em tuy rất kỵ các môn xã hội nhưng sau làm xong đề thi môn Sử hôm nay, em thấy nhẹ cả người. Tính sơ sơ thì bét nhất em cũng phải được 6 điểm. Mà em còn làm xong trước gần 20 phút đấy!” Cũng theo Thành thì đề thi thử môn Sử của trường em trong kỳ thi tốt nghiệp thử được tổ chức hồi giữa tháng 5 vừa qua còn khó hơn, dài hơn với các câu hỏi phát choáng. Vì thế, sau khi thi thử thì em đã phải cấp tốc dùi mài môn Sử nhưng không ngờ thi thật lại... ngon thế!

 

Còn Hồng Minh, một thí sinh dự thi khối D khi đánh giá về môn Sử đã hăng hái phân tích: “Bố mẹ em đều nói đề môn Sử năm nay chắc chắn phải dễ hơn vì kỷ luật phòng thi bị bác Bộ trưởng siết chặt như vậy, nếu không dễ thì thí sinh trượt hết! Quả thật là đề thi môn Sử năm nay dễ thật”

 

Phản ánh của phóng viên Dân trí từ Thái Bình và Nam Định đều cho thấy thí sinh đều hớn hở sau buổi thi sáng nay. Nhiều em có giắt tài liệu trong người nhưng khi “vớ” được đề đã không... thèm dùng đến tài liệu!

 

Thí sinh Hoa của trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định) vui vẻ nói: “Không căng thẳng tí nào. Em rất có tinh thần để tiếp tục dự thi chiều nay. Có một số câu hơi rắn nhưng những phần kia em đều làm được rất tốt. Chắc bài làm của em cũng phải đạt 6,7 điểm”

 

“Phần câu hỏi được tới 4 điểm là câu “Trình bày âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ trong chiến lược “Việt nam hóa” chiến tranh. Những thắng lợi quân sự chủ yếu trên các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia của quân dân ba nước Đông Dương đoàn kết chống Mĩ (từ năm 1969 đến năm 1972).” Những câu hỏi kiểu này thường rất quen thuộc với chúng em, không chỉ vì nó dễ học mà nó còn hay được nhắc đi nhắc lại trong những bộ phim mà gần đây em hay xem”- Hoa cười và nhận xét như vậy.

 

Theo thầy Nguyễn Bằng, nguyên giáo viên lịch sử của trường THPT Lê Hồng Phong (Nam Định) thì ở cả hai đề, các câu hỏi đều ra vào những phần rất dễ học và quen thuộc với phần lớn thí sinh, đều là những câu hỏi mà chỉ cần học sơ sơ qua các em cũng có thể làm được ít nhất là một nửa.

 

“Tóm lại, đó là một đề thi không hay nhưng tốt với thí sinh và nó rất phù hợp với một đề thi tốt nghiệp vì nó vừa dễ lại vừa rất cần cho kiến thức của  thí sinh và nó còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc động viên tinh thần không cần phao của thí sinh trong 3 môn thi còn lại.” Thầy Bằng nhận xét.

 

Đề thi môn Sử dành cho THPT không phân ban và THPT phân ban

*Đề I

*Đề II

Câu 2 (4,0 điểm)

 

Khái quát diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân dân miền Nam.

B. LỊCH SỬ THẾ GIỚI (3 ĐIỂM)


Diễn biến chính của cuộc nội chiến ở Trung Quốc (1946-1949). Sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1-10-1949) có ý nghĩa như thế nào?

 

Nhóm PV

Dòng sự kiện: Thi tốt nghiệp PTTH 2007