Đề thi thử nghiệm Giáo dục công dân: Phù hợp với định hướng phát triển năng lực học sinh

(Dân trí) - Năm 2017 là năm đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào thi THPT quốc gia trong tổ hợp môn xã hội. Chính vì vậy, đề thi thử nghiệm môn Giáo dục công dân ngay sau khi được Bộ GD&ĐT công bố đã nhận được sự quan tâm từ dư luận.

Nhận xét về đề thi thử nghiệm môn Giáo dục công dân, cô nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường THPT Đống Đa, Hà Nội cho rằng, đề thi gồm các câu hỏi được xây dựng theo 4 cấp độ: nhận biết (40%), thông hiểu (20%), vận dụng thấp (30%), vận dụng cao (10%). Với cấu trúc này, đề thi đáp ứng được yêu cầu đánh giá kết quả học tập, đảm bảo tính phân hóa học sinh.

Nội dung đề thi nằm trong tất cả các bài học của chương trình Giáo dục công dân lớp 12 (trừ các bài và những nội dung giảm tải), đây cũng chính là thế mạnh của hình thức thi trắc nghiệm khách quan.

Mỗi bài học gồm nhiều đơn vị kiến thức khác nhau, với mỗi đơn vị kiến thức đó, có thể đặt nhiều câu hỏi với tất cả bốn cấp độ nhận thức. Vì thế để đạt được điểm cao, học sinh cần hiểu bản chất của vấn đề chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc học thuộc các khái niệm, khắc phục được tình trạng học sinh học tủ, học lệch.

Nếu học sinh coi trọng bài này và coi nhẹ bài khác thì có thể sẽ dẫn đến kết quả không tốt. Đây là điểm mới, tích cực của môn Giáo dục công dân trong xu thế đổi mới giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay.

Theo thầy Phạm Văn Sơn, Giáo viên trường THPT Phả Lại, Hải Dương, bằng những kiến thức pháp luật đã được học, đề thi một lần nữa giúp các em xác định rõ những việc công dân được phép làm, phải làm cũng như tránh mọi sai phạm đáng tiếc có thể xảy ra.

Đặc thù của môn Giáo dục công dân là nội dung gắn bó mật thiết với thực tiễn đời sống xã hội. Trong đề thi có khoảng 40% câu hỏi vận dụng bậc thấp và vận dụng bậc cao. Qua đó giúp học sinh vận dụng nội dung kiến thức bài học vào việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội phù hợp với trình độ, lứa tuổi của các em.

Quá trình học sẽ hình thành ở học sinh các năng lực tư duy phê phán, năng lực phân tích - tổng hợp, năng lực nhận xét đánh giá, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực thực hiện trách nhiệm công dân,… phù hợp với yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Những câu hỏi ở dạng vận dụng cao giúp các em lựa chọn được cách ứng xử phù hợp với nhiều tình huống mà các em đã hoặc sẽ gặp trong cuộc sống hàng ngày.

Thầy Sơn cho rằng, điều quan trọng hơn cả, thông qua đó các em đã tăng thêm kiến thức pháp luật để biết cách bảo vệ mình đồng thời không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Đây cũng chính là những kĩ năng mềm cần thiết cho hành trang để các em đến với tương lai.

Nhật Hồng