Đề thi tiếng Anh THPT quốc gia: Trường đại học có thể yên tâm tuyển sinh

(Dân trí) - Nhẹ nhàng, vừa sức học sinh, độ phân hóa cao hơn đề thi những năm trước, các trường đại học có thể yên tâm tuyển sinh - đó là nhận định của hầu hết giáo viên về đề thi tiếng Anh THPT quốc gia năm nay.


Đề thi nhẹ nhàng, thí sinh phấn khởi

Đề thi nhẹ nhàng, thí sinh phấn khởi

Cô giáo Lê Thúy Vân, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Việt Đức: “Học sinh dễ dàng có điểm 6-7”

Thứ nhất, tôi nhận thấy đề nhẹ nhàng so với những năm học trước giúp học sinh có tâm lý thoải mái khi làm bài. Đề hay khi vừa bao gồm trọn vẹn kiến thức đã học, vừa phân hóa được học sinh vì vậy sẽ đạt được hai mục tiêu là vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học.

Điểm thứ hai, đề thi có tính phân hóa cao khi có tất cả các câu hỏi, bao gồm đầy đủ tất cả các cấp độ: nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao.

Điểm thứ ba, đề thi THPT năm nay khá sát với những đề minh họa, đề thi mẫu mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đây về cả về kiến thức, cấu trúc ngữ pháp cũng như độ khó.

Về kiến thức, nội dung của đề thi năm nay bao gồm từ cơ bản cho đến nâng cao, về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, thành ngữ và cấu trúc… Nội dung bài đọc tăng dần độ khó ở phần sau, không nhiều từ mới nên học sinh sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn với đề thi Tiếng Anh năm nay.

Học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong phần chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình lớp 12 là có thể đạt điểm trung bình khá trở lên đến cho đến điểm 6, 7.

Với thời gian làm bài 60 phút thì đề ra như thế này là hợp lý và phân loại được chất lượng học sinh, những câu hỏi ở mức độ vận dụng cao đòi hỏi các em phải nắm vững kiến thức, luyện tập thực hành thành thạo mới làm tốt.

Theo tôi, phổ điểm có sự khác nhau, như học sinh ở Hà Nội sẽ đạt điểm cao, tầm 6-7 điểm, học sinh vùng khó khăn sẽ cũng không khó để đạt mức điểm trung bình vì đề rất sát với chương trình học, sẽ có khá nhiều học sinh đạt điểm tuyệt đối.

Cô giáo Hà Thị Liên Hoan, giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng: “Không có câu hỏi đánh đố”

Đề thi vừa phải, phù hợp với trình độ học sinh. Với các học sinh có mục tiêu là xét tốt nghiệp thì các em hoàn toàn có thể giải quyết được 20 - 25 câu, đạt được 4-5 điểm.

Đề có khoảng 6 câu để phân loại học sinh, các em phải học rất nghiêm túc và nâng cao mới có thể đạt điểm tốt đa. Đề ra vừa phải, lượng từ mới không nhiều, các chủ đề môi trường, giao tiếp, xã hội được đề cập trong câu hỏi phổ biến và gần gũi với học sinh. Đề không đánh đố học sinh nên việc các em đạt điểm 9-10 là hoàn toàn có thể.

Phần phát âm với các từ quen thuộc khá dễ dàng, phần từ vựng không đánh đố, phần Phrasal verb cũng không xuất hiện nhiều và không là những trường hợp đặc biệt hay nâng cao… Phần bài đọc có khoảng 6 câu rơi vào phần Phrasal verb hoặc cụm từ hơi lắt léo một chút, thông thường vẫn là những câu hỏi đã xuất hiện trong đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT công bố nên học sinh sẽ không gặp khó khăn gì trong quá trình làm bài.

Ở mã đề 406, tôi thấy nhiều học sinh sẽ vấp ở câu 18 khi gặp cụm từ không phổ biến lắm, nếu không đọc cẩn thận, các em có thể bị sai. Hay ở bài đọc cuối cùng, dài và khó nhất cho thí sinh lấy điểm. Đây chính là những câu hỏi mà bản thân tôi rất thích và cảm thấy thú vị, nó sẽ giúp phân loại thí sinh, đánh giá được các em điểm cao hoặc điểm thấp.

Theo tôi, với học lực trung bình, các học sinh chỉ cần học trên lớp và theo sách giáo khoa thì vẫn có thể đạt được một số điểm đủ để tốt nghiệp chứ không bị điểm liệt.

Nếu để tách riêng đề thi đại học thì theo tôi đề có thể ra khó hơn một chút để đánh giá học sinh tốt hơn, còn với đề đáp ứng mục tiêu 2 trong một thì đây là một đề vừa phải, hợp lý với thí sinh và yêu cầu của các trường đại học.

Cô giáo Nguyễn Kim Oanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội): “Các trường đại học có thể yên tâm để tuyển sinh”

Đề thi tiếng Anh năm nay vừa sức, bám sát sách giáo khoa, đề khong có nhiều lượng từ vựng và từ mới. Các cấu trúc đề bám sát đề minh họa khong làm khó học sinh.

Đề có sự phân hóa rõ, 20 câu đầu là những kiến thức trung bình nên học sinh dễ dàng tốt nghiệp. Bắt đầu từ câu 30 là khó dần, tuy nhiên những bạn có học lực trung bình, khá vẫn có thể làm được đến câu này và mức độ khó, phân hóa năng lực được tăng dần đều cho đến hết đề.

Các câu khó, thể hiện sự phân hóa năng lực của học sinh nằm ở 3 bài đọc và nếu làm tốt 3 bài đọc này thì đó là học sinh giỏi, xuất sắc.

Đặc thù của môn ngoại ngữ không thể học tủ, mà nó là ngôn ngữ và được thẩm thấu từ bé. Tuy nhiên học sinh cần cần có “mẹo” làm bài thi để và bất kỳ giáo viên nào cũng trang bị, hướng dẫn học sinh khi học ở trên lớp.

Để đạt 10 điểm thì học sinh phải có kiến thức chung rất tốt, làm bài phải chắc chắn, cẩn thận vì trong đề cũng có một số câu bẫy. Vì vậy các em không thể làm cẩu thả được.

Với một đề thi mà ngữ pháp không quá phức tạp như thế này, số học sinh đạt điểm trung bình sẽ nhiều. Nếu chỉ tốt nghiệp thì các bạn học sinh vùng khó khăn cũng có thể làm được.

Đặc biệt, với chất lượng đề thi như năm nay các trường đại học hoàn toàn yên tâm để tuyển sinh.

Nhóm PV