Đề thi Toán: Thí sinh khó đạt điểm 8

(Dân trí)-Nhận định về đề thi ĐH môn Toán, thầy giáo Trần Mạnh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: “Đề đã thay đổi cấu trúc so với năm trước là không có phần tự chọn, ít nhiều gây bất ngờ và khó khăn hơn cho thí sinh vì đề đẩy mạnh tính phân hóa".

Nhận xét chung về đề thi Toán năm nay, thầy giáo Trần Mạnh Tùng cho biết: Đề cơ bản, nằm chủ yếu trong chương trình 12 (khoảng 7đ). Đề đã thay đổi cấu trúc so với những năm gần đây là không có phần tự chọn, ít nhiều gây bất ngờ và khó khăn hơn cho thí sinh vì đề đẩy mạnh tính phân hóa. Phổ điểm Toán khối A năm nay sẽ cao hơn năm trước. Tuy nhiên, phần đông thí sinh sẽ đạt 5, 6 điểm (ít điểm thấp hơn), điểm 8 sẽ ít và điểm 9, 10 sẽ rất hiếm.

Ví dụ: 7 ý dễ thì dễ hơn hẳn, dễ hơn năm trước. Thậm chí có đến 6 ý rất dễ, tương đương với thi tốt nghiệp; 3 ý phân hóa mạnh, khó hơn hẳn, đề lạ và học sinh ít gặp.

Việc phân hóa này có 2 quan điểm: Về ưu điểm: Đề kiểu này phù hợp với việc tích hợp 2 kỳ thi: Tốt nghiệp và Đại học. Phần dễ để xét tốt nghiệp, phần khó để xét vào đại học.

Về nhược điểm: Trong khi còn thi như hiện nay, việc phân hóa mạnh quá khó phân loại được học sinh. Hiện nay, khoảng 80, 90% học trung bình và khá. Tốp này có khả năng làm 7 ý gần tương tự nhau và đều gặp khó khăn ở 3 ý cuối. Như vậy, 3 ý cuối chỉ có ác dụng với khoảng 5-10% thí sinh.

Cụ thể:

Câu 1: Ý 1: Vẽ đồ thị hàm số bậc 1/ bậc 1 thông thường.

Ý 2: Dùng công thức khoảng cách từ một điểm đến một đường thẳng, đa số học sinh đều được học, ôn đầy đủ.

Câu 2: Giải phương trình lượng giác. Sử dụng công thức nhân đôi đưa về phương trình tích. Đây là câu “dễ ăn” nhất đề. Ngắn gọn, đơn giản, dễ làm. Học sinh làm nhanh chỉ mất 1 phút.

Câu 3: Ứng dụng tích phân tính diện tích hình phẳng. Phép tính đơn giản hơn các câu tính tích phân thường hỏi. 14 năm nay đề mới có 2 lần hỏi về diện tích, thể tích (2002 và 2007) nên có thể gây chút bất ngờ cho thí sinh. Đặc biệt, nếu không ôn kĩ, học sinh có thể viết công thức sai, thiếu giá trị tuyệt đối.

Câu4: Ý 1: Dùng các khái niệm số phức. Giải phương trình để tìm phần thực và phần ảo. Là câu khá quen thuộc, giống dạng câu hỏi các năm gần đây. Học sinh cần biến đổi cẩn thận, kết luận cẩn thận. Nên kiểm tra đáp số bằng cách sử dụng máy tính.

Ý 2: Câu tính xác suất cơ bản. Học sinh dùng phép đếm tổ hợp và công thức tính xác suất bằng định nghĩa. Học sinh có để ý ôn tập sẽ không gặp khó khăn. Đây là câu ngắn, đơn giản thứ 2 của đề (sau câu lượng giác).

Câu 5: Tìm giao điểm của đường thẳng và mặt phẳng. Lập phương trình mặt phẳng có điểm. Học sinh tự tìm véc tơ pháp tuyến bằng cách lấy tích có hướng của 2 véc tơ chi phương.

Câu này dễ và quen, khá giống với đề thi tốt nghiệp.

Câu 6: Hình chóp có mặt bên vuông góc với đáy. Câu này bắt đầu có tính phân hóa nhẹ. Học sinh nắm vững kiến thức cơ bản của hình học không gian đều làm được hết. Câu hỏi quen, tương tự với đề hàng năm.

Câu 7: Bắt đầu phân hóa khá mạnh. Học sinh có thể dùng các tính chất của hình vuông để làm (Dùng góc vuông, cạnh bằng nhau hoặc dùng tỉ lệ, dùng góc 45 độ).

Câu 8: Là câu phân hóa thứ 2 của đề. Học sinh cần tinh ý mới nhận ra được cách làm. Có thể biến đổi phương trình thứ nhất về tổng bình phương hoặc dùng bất đẳng thức Cô si để đánh giá dấu bằng xảy ra.

Câu 9: Câu tìm max, min luôn là câu phân hóa mạnh nhất đề. Chỉ các học sinh thật sự giỏi mới làm được. Học sinh có thể đánh giá đưa về 1 ẩn x sau khi bỏ qua yz không âm rồi xét hàm số.

Lưu ý thí sinh dự thi môn Toán đợt 2, theo thầy Tùng: “Các em hãy cố gắng không để sai sót ở 7 ý dễ (chú ý kiểm tra đáp số cẩn thận). Làm các câu dễ vừa đủ ý, không viết lan man, dành thời gian cho các câu khó hơn. Ngay cả các câu khó (như câu 7, 8) nếu chịu khó động não vẫn có thể làm được.

Hồng Hạnh (ghi)