Đề thi Văn tốt nghiệp THPT: Vừa sức, dễ làm!

Đó là nhận xét của PGS - TS Trần Hữu Tá, Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM. Thầy Tá đưa ra mấy nhận định như sau:

1. Việc ra đề vẫn được thực hiện theo quy cách quen thuộc:

 

Hai đề chọn một - có câu hỏi kiểm tra kiến thức ngắn gọn và có bài làm văn dài hơi hơn - chủ yếu kiểm tra sự hiểu biết về văn học Việt Nam hiện đại nhưng cũng có hỏi đôi chút về văn học thế giới.

 

2. Tất cả các câu hỏi của hai đề đều thuộc chương trình lớp 12. Nội dung của cả 5 câu (3 phụ, 2 chính) đều được trình bày rành rẽ, khá "hiền lành" và "cổ điển", chấp nhận được trong kỳ thi tốt nghiệp. Thí sinh không thể hiểu lầm, hiểu sai đề. Chỉ cần có sức học trung bình, học tập chăm chỉ vừa phải, các em có thể làm được bài, không đến nỗi "cắn bút". Tất nhiên chất lượng bài viết cao hay thấp còn tùy thuộc vào khả năng phân tích, lập luận và trình độ viết văn (dùng từ, đặt câu) của các em.

 

3. Tôi ngờ rằng nhiều thí sinh sẽ chọn đề I, lý do:

 

Câu hỏi phụ đề I khá đơn giản, dễ làm hơn câu hỏi phụ thứ nhất của đề II (Nêu tên các tập thơ chính của Tố Hữu thì dễ, nhưng nhớ rõ thời gian sáng tác và đặc biệt nêu nội dung chính của các tập thơ ấy quả không đơn giản)

 

Hai bài làm văn cũng vậy: việc phân tích một tác phẩm văn xuôi vẫn dễ làm hơn việc phân tích một đoạn thơ (vốn đòi hỏi phải tinh tế, phải được rèn giũa năng lực cảm thụ cái đẹp của ngôn từ, hình ảnh).

 

PGS - TS Trần Hữu Tá

Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM

Theo Thanh Niên